Mỗi năm có 12 tháng và cũng tương ứng với 12 loài vật trong hệ can chi, hay còn gọi là 12 con giáp. Đây là một điểm thú vị trong nét văn hóa cổ truyền của người Việt. Đây cũng là đề tài được nhiều người quan tâm, chi phối đến nhiều lĩnh vực trong đời sống. Điển hình như việc mua linh vật phong thủy theo tuổi, theo năm; chọn quà biếu tặng hay xem ngày lành tháng tốt để thực hiện việc cưới hỏi.

Mùa Đông đang ở trong chặng cuối của vòng thời gian để chuẩn bị chuyển giao sang năm mới. Xuân 2021 sẽ chứng kiến sự kế nhiệm của Tân Sửu thay cho Canh Tý. Cũng chính vì vậy mà lòng người lại được dịp bồi hồi, vẩn vơ để suy ngẫm về loài trâu.

Nhắc đến trâu, chắc hẳn tất cả chúng ta đều nghĩ đến hình ảnh loài vật chịu thương, chịu khó trên những ruộng đồng. Từ ngàn năm trước, nó đã khẳng định được tầm quan trọng của mìnhh đối với nền văn minh lúa nước của Việt Nam. Nói cách khác, trước khi những máy móc hiện đại ra đời, trâu chính là sức kéo chính trong hoạt động cày bừa. Loài gia súc này thực sự là người bạn của nhà nông.

Hình bóng con trâu qua ca dao, tục ngữ Phật giáo Việt Nam - Phật giáo A Lưới

Chính sự gần gũi nêu trên mà loài trâu xuất hiện rất nhiều trong ca dao tục ngữ của người Việt. Mỗi câu ca lại phản ánh những quan niệm, khía cạnh khác nhau. Phổ biến nhất có lẽ là câu “Con trâu là đầu cơ nghiệp”. Thuở xưa, nông nghiệp đóng vai trò chính trong nền kinh tế Việt (cũng bởi vậy mà có sự phân tầng xã hội : sĩ – nông – công – thương). Bên cạnh đất là tư liệu sản xuất thì con trâu cũng được xem là tài sản quý giá. Khi nói về độ giàu có của các bậc phú hào xưa, thang đo sẽ là độ rộng lớn của đất đai và số lượng gia súc (trâu bò…) mà người đó sở hữu. Bởi vậy mà trong dân gian lưu truyền bài thơ về thằng Bờm. Vì muốn có chiếc quạt mo mà phú ông xin đổi “ba bò, chín trâu”. Không những thế, trong ba việc mà đàn ông nên làm thì việc tậu trâu được cổ nhân xếp lên đầu “Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà”. Tại sao lại có quan niệm này? Nó có mối quan hệ biện chứng với câu “Con trâu là đầu cơ nghiệp”. Con trâu giúp người nông dân cày ruộng, phục vụ việc trồng lúa, thu về gạo thóc và có thể quy đổi ra tiền bạc. Có tiền rồi mới có thể tính đến chuyện thành gia lập thất, xây dựng cơ ngơi! Tư duy này được thể hiện sâu hơn qua câu nói “Làm ruộng không trâu, làm giàu không thóc”. Nó cho thấy sự khó khăn trong sản xuất nông nghiệp nếu không có loài trâu.

Không chỉ người nông dân quý trọng sức trâu mà giai cấp lãnh đạo trong xã hội phong kiến cũng nhận thức được tầm ảnh hưởng của loài gia súc này. Điều này được khẳng định rõ nét qua các điều luật được ban hành. Từ thời Lý – Trần, nhà nước đã quy định cấm giết trâu bò bừa bãi. Trường hợp vi phạm sẽ phải nộp 3 con trâu hoặc bò và chịu phạt 80 trượng. Những ai nhìn thấy mà không tố cáo thì sẽ được quy vào tội che giấu. Hình phạt là chịu đánh 100 trượng đồng thời sung công 1 con trâu hoặc bò. Đến thời Lê sơ, sự quan tâm đối với sức kéo nông nghiệp vẫn được chú trọng. Trong đó, chúng ta cần nhắc đến Điều 586 Luật Hồng Đức (1428). Nội dung cụ thể là : Trâu của hai nhà đánh nhau, con nào chết thì hai nhà cùng ăn thịt, con sống hai nhà cùng cày. Trái luật xử phạt 80 trượng. Ngoài ra, điều 444 được xem là chế tài nghiêm khắc đối với hành vi trộm cắp tài sản, trong đó có trâu ngựa!

Hình ảnh tuyệt đẹp của trẻ em các nước » Báo Phụ Nữ Việt Nam

Bên cạnh đó, loài trâu cũng góp mặt trong nhiều lễ hội văn hóa của người Việt. Ngoài lễ hội tịch điền, chọi trâu, chúng ta không thể không nhắc đến lễ tiến xuân ngưu. Nghi lễ này được hình thành từ thời nhà Lý và đến triều Nguyễn vẫn được duy trì. Qua tên gọi xuân ngưu, chúng ta có thể hiểu là lễ tống tiễn mùa đông, đón khí xuân về. Ở đây, lễ vật chia tay mùa đông là những con trâu bằng đất. Việc nặn trâu đất sẽ do Thường ban cục làm. Bên cạnh trâu lớn thì còn có 1300 trâu bé. Theo “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú : “Trước tiết lập xuân 1 ngày, buổi chiều, Thường ban cục đem con trâu nặn bằng đất đến đàn ở phường Đông Hà. Quan phủ doãn và hai quan huyện Thọ Xương và Quảng Đức làm lễ xong thì sai phường dân rước đến đàn ở phường Hà Khẩu.

Đến ngày sau rước đi sớm, phủ doãn và các quan huyện đều lấy cành dâu đánh con trâu đất, đem vào sân điện (sân rồng của vua) làm lễ Tiến xuân ngưu”.

Trong “Lịch triều hiến chương loại chí”, sử gia Phan Huy Chú cũng giải thích thêm về lý do chọn tượng trâu đất làm vật tế lễ. Căn cứ vào Thiên nguyệt lệnh, tháng quý đông là tháng Sửu. Trong khi đó, sửu là trâu, đất lại ngăn nước. Bởi vậy, người xưa tin rằng con trâu bằng đất có thể át đi khí lạnh.

Không mang màu sắc truyền thuyết như Long – Lân – Quy – Phụng, chẳng mang nét đẹp thanh tú như hạc nhưng loài trâu thực sự có dấu ấn mạnh mẽ trong văn hóa Việt tự cổ chí kim!

 

Nguồn tư liệu lịch sử tham khảo :

  1. Quốc triều hình luật (Luật Hồng Đức) do Viện Sử học Việt Nam biên dịch, Nhà xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, năm 1998
  2. Trương Hữu Quýnh, Đinh Xuân Lâm, Lê Mậu Hãn chủ biên (2008), Đại cương lịch sử Việt Nam, Nhà xuất bản Giáo dục
  3. “Lịch triều hiến chương loại chí”