Hè về mang theo những quả ngọt trên cành, sen nở đầy ao. Nó cũng không quên cái oi bức ngột ngạt hòa trong ánh nắng chói chang. Nhân gian cũng vì vậy mà bao phen lao đao. Tự cổ chí kim, để dung hòa hay thậm chí chống lại sự khắc nghiệt của thời tiết, con người luôn phải suy nghĩ phương thức để thích nghi, sinh tồn. Đã bao giờ bạn tự hỏi ông cha ta đã chống nóng, giải nhiệt như thế nào?

Cuộc sống luôn tồn tại những mặt đối lập. Ngày nay, chúng ta có quạt điện, quạt phun sương, điều hòa để làm dịu không khí trong nhà nhưng lại bị o bế bởi bốn bức tường bê tông ngột ngạt. Giới trẻ ngày nay đôi khi muốn rời thành phố, về quê “nuôi cá và trồng thêm rau”. Nếu có ý định đó thì các bạn cũng nên tham khảo kiến trúc “nhà tranh vách đất” tại các làng quê Việt Nam. Đây là một giải pháp chống nóng cực kỳ thú vị đằng sau vẻ bề ngoài mộc mạc, dân dã và có phần cũ kỹ. Kiểu nhà này có phần mái lợp từ cỏ tranh(một số địa phương khác sử dụng lá dừa nước). Phần vách là sự tổng hòa của bùn trộn rơm đạp nhuyễn. Nền nhà thì đắp từ đất. Sống trong căn nhà tranh vách đất, chúng ta có thể cảm nhận được sự mát mẻ đến bình dị!

Đi qua làng quê, giờ chúng ta đến với phố thị. Qua phim ảnh, hậu nhân chúng ta phần nào có thể hình dung được cảnh sinh hoạt của các gia đình quý tộc xưa. Các cô, các bà mặc trang phục áo lụa tơ tằm, tóc vấn cao, tay phe phẩy quạt giấy vô cùng kiêu kỳ. Không những thế, gia nhân cũng thay nhau đảm nhiệm vai trò quạt mát cho chủ khi dùng bữa hay đi ngủ. Đến rạp hát để giải trí cũng là một thú vui thượng lưu những năm 20 của thế kỷ XX. Nếu có cỗ máy thời gian để ghé thăm một vài rạp hát tại Hà thành lúc bấy giờ, các bạn có thể sững sờ trước một cảnh tượng độc đáo. Đó chính là “kéo quạt trần”. Quạt trần ở đây không phải thiết bị mang hình ảnh chong chóng sắt như bây giờ. Nó được bện bằng nứa hay tre. Về kích thước thì những chiếc quạt này rộng khoảng 70 – 80cm và dài hơn 1m. Nó sẽ được buộc lên trần và có người ở dưới kéo để quạt quay. Phát minh này quả thực là minh chứng tiêu biểu cho câu : “Cái khó ló cái khôn”.

Ngoài ra, việc giải nhiệt qua đường “dạ dày” cũng là một hình thức thú vị. Đến nay, trà đá vỉa hè vẫn là hình thức được yêu thích trong những ngày nắng nóng. Trà được phân chia thành nhiều loại. Nó có thể là nước nấu lá chè tươi, ấm trà khô hoặc tách trà hoa nhài tao nhã. Bên cạnh trà đá thì còn có những loại nước dân dã, mát lành khác như nước vối, nhân trần. Nói đến đây tôi lại nhớ đến bài hát “Cô hàng nước” với những lời lẽ vô cùng đáng yêu :

“Anh còn, còn có mỗi, mỗi cây đàn
Anh đem, đem bán nốt
Anh theo, theo cô hàng, hàng chè xanh”.

Đối với người dân Hà thành, chiều chiều ngồi bên Hồ Gươm, thưởng thức que kem Tràng Tiền cũng là một thú vui “gây nghiện”.

Có những điều đã lùi vào dĩ vãng, nhường chỗ cho công nghệ hiện đại. Có những điều vẫn được duy trì trong diện mạo mới. Tuy nhiên, tất cả đều đã từng tạo nên bản sắc một thời. Có ai đang vấn vương chút gì đó cũ kỹ từ những mùa hè oi ả xưa?