Tết của người lớn bắt đầu từ 23 lúc đưa ông Táo về trời, còn bọn nhỏ chúng tôi thì vừa đặt chân vào tháng Chạp đã chộn rộn phấn khích. Có lẽ cái hay của Tết không phải là những “ngày mùng” đi du xuân, mà là khoảng thời gian vừa chuẩn bị sắm sửa vừa háo hức chờ đợi. Việc có gì đó đáng để hy vọng ở tương lai luôn làm người ta thêm lạc quan, tích cực.
Nói tới việc chuẩn bị đón Tết không thể không nhắc đến tục lệ “tống cựu nghênh tân”, tức là dọn dẹp nhà cửa thật sạch sẽ, với ngụ ý bỏ đi cái cũ để đón chào cái mới. Lúc đầu chỉ đơn giản là sắp xếp lại đồ đạc ngay ngắn hay quét dọn các ngóc ngách cho hết bụi bẩn. Dần dà với đời sống xã hội ngày càng phát triển, tục lệ ấy mở rộng và đa dạng hơn, chẳng hạn như tảo mộ ông bà, hoặc là sắm sửa quần áo mới…Riêng bọn trẻ chúng tôi, cứ mỗi dịp tháng Chạp là đứa nào cũng háo hức thực hiện tập tục đấy bằng việc vứt giày dép cũ. Lúc nhỏ chỉ nghĩ rằng điều đó đồng nghĩa với việc mình sắp được ba mẹ mua cho đôi giày mới để đi khoe với bạn bè. Lớn lên rồi tìm hiểu nhiều sách báo, tôi mới thấy hành động tưởng đơn giản ấy lại có ý nghĩa nhân văn với khá nhiều quy củ cần phải tuân theo.
Vứt giày dép cũ trong quan niệm của người Việt mang theo hy vọng đuổi đi xui xẻo, cầu mong nhận được vận may. Theo lệ ở quê tôi, việc này cần phải thực hiện trước ngày 25 tháng Chạp, bởi họ quan niệm sau ngày 25 trời đất đã bắt đầu vào chu kỳ vận hành của năm mới rồi.Việc giữ giày dép cũ trong nhà qua ngày 25 đồng nghĩa với việc giữ lại những từ trường xấu của năm trước. Đó là một điều tối kỵ.
Đã gọi là phong tục thì dĩ nhiên không chỉ đơn giản là đem giày dép cũ bỏ trong thùng rác là xong chuyện, mà cần làm theo các bước theo đúng trình tự quy định. Đầu tiên là xếp gọn những đôi giày, dép cũ cần vứt, bỏ vào trong một cái túi, đặt trong góc nhà. (Cũng có người sẽ mang luôn đôi dép cũ đó đi vứt, rồi thay đôi dép mới đã cầm theo để về nhà). Sau đó chọn ngày “đẹp”, “hợp tuổi” trước 25 tháng Chạp để làm lễ “bỏ dép”, thông thường là ngày hoàng đạo, hoặc không thì ngay ngày 23 sau khi tiễn ông Táo về chầu trời. Đến ngày đã chọn, mỗi người sẽ xách túi dép chuẩn bị sẵn ra ngã ba đường gần nhà, tìm thùng rác để bỏ, sau đó đi hướng khác để về nhà, không được phép quay đầu hoặc lặp lại đường cũ, ngụ ý là không lưu luyến cái đã qua mà muốn khai mở ra con đường tương lai mới. Nhớ ngày nhỏ lúc nghe mẹ dặn không được ngoái lại nhìn, vì chưa hiểu ý nghĩa nên tôi cứ tôn nó lên thành một dạng thế lực siêu nhiên nào đấy, vừa háo hức vứt dép lại xen lẫn chút sợ hãi nhỡ đâu vô ý quay đầu sẽ gặp phải con ma, con quỷ nào đó đuổi theo. Thế là tim cứ đập thình thịch còn hai tay thì đổ mồ hôi ướt sũng! Giờ nghĩ tới, chỉ thấy vừa buồn cười, lại vừa nhớ thương quãng thời gian ngây ngô ấy.
Nhiều mùa Tết đã qua. Từ ngày vào Sài Gòn làm việc, tôi chẳng còn thời gian để thực hiện phong tục “vứt giày dép cũ” thú vị ấy nữa, vì hầu như xung quanh nhà trọ đều là đường phố đông đúc, và nếu chờ về quê thì năm nào cũng đã là 28, 29 tháng Chạp rồi. Tuy thế, nhưng những ý nghĩa đáng quý từ tập tục vứt dép, như cầu mong may mắn, giũ bỏ xui xẻo, luôn là một dấu ấn không thể thiếu trong tiềm thức của mỗi người con xa quê như tôi.
Năm 2020 là một năm “đáng quên”. Vì vậy hãy coi nó như một đôi giày hư mà bỏ lại ở quá khứ, cùng lạc quan đón chờ một năm Tân Sửu với hy vọng mới, thành công mới.