“Bao giờ con vào năm học mới?”. “Dạ, ngày mốt cô ạ!” Sau câu trả lời, thằng bé con chị bạn tôi nén buông một tiếng thở dài và vẻ mặt nó bí xị, chẳng có gì là hớn hở chờ đón năm học mới. Tôi ngạc nhiên hỏi sao cu cậu buồn thì thằng bé như tìm được nơi trút bầu tâm sự: “Vào học và nghỉ hè với con có khác gì nhau đâu cô. Con vẫn phải đi học suốt hè, đâu có được nghỉ. Con học sách lớp 7 ngay từ khi nghỉ hè rồi”.

Có lẽ đó là tâm lí chung của đại đa số học sinh. Tôi nhớ ngày mình còn tuổi học trò, cứ gần đến nghỉ hè thì tâm hồn lại buồn vẩn vơ, như nhớ, như thương một điều gì không rõ. Rồi khi gần đến ngày tựu trường thì trong lòng lại hồi hộp, hớn hở mừng vui. Có lẽ chính vì vậy tôi mới có thể cảm nhận được niềm vui “Ngày khai trường” của tác giả Nguyễn Bùi Vợi. Tôi vẫn còn nhớ như in bài thơ đó với những câu thơ như diễn tả đúng tâm trạng của lứa tuổi học trò chúng tôi ngày ấy:

Sáng đầu thu trong xanh
Em mặc quần áo mới
Đi đón ngày khai trường
Vui như là đi hội

Gặp bạn cười hớn hở
Đứa tay bắt mặt mừng
Đứa ôm vai bá cổ
Cặp sách đùa trên lưng…

Thế đấy, ngày hè của tôi đúng ý nghĩa 3 tháng hè. Thành ra khi gặp lại bạn bè là mừng vui khôn xiết, có nhiều chuyện để kể, có nhiều thứ để khoe. Ai cũng hồ hởi, háo hức đón chào năm học mới. Nhưng học sinh bây giờ có lẽ không còn như vậy. Dường như chúng chẳng còn cảm nhận được niềm vui ngày khai trường, cũng chẳng thấy xốn xang khi nghe tiếng ve gọi hè, khi nhìn hoa phượng nở. Có lẽ chúng ta sẽ dễ dàng lí giải được điều đó khi nhìn vào thực trạng học của các em bây giờ. Ngày xưa, lứa của chúng tôi gần như “thèm học”, “đói học” thì trẻ nhỏ bây giờ “bội thực học” mất rồi. Chúng đâu có khái niệm nghỉ hè mà xốn xang, háo hức.

TẠI SAO NGÀY 5/9 ĐƯỢC CHỌN LÀ NGÀY KHAI GIẢNG NĂM HỌC MỚI TRÊN TOÀN QUỐC | VioEdu

 

Mới có lớp 6 nhưng suốt một năm học dài, thằng bé con chị bạn tôi ngày nào cũng hai buổi đi học. Có khi phải học phụ đạo thêm buổi tối trên trường vì chương trình phụ đạo là bắt buộc của trường mà phòng học thì không đủ. Thế là thầy và trò lại phải “ ngồi lại cùng nhau” vào buổi tối. Vậy là ngoài thời gian ăn ngủ ít ỏi, còn lại phần lớn thời gian trong ngày thằng bé hoặc làm bạn hoặc đánh vật với sách vở. Vậy mà mới có chuẩn bị nghỉ hè, ba mẹ nó đã lo tìm thầy cho con học thêm. Thế là ngày hè đáng mong đợi của nó chỉ gói gọn trong một tuần. Sau đó lại đi học thêm, học kèm suốt. Nhìn lịch học hè của thằng nhỏ mà tôi thấy phát ngốt, dường như cả tuần ngày nào cũng hai buổi sáng – chiều với ba môn học: văn, toán, Anh. Mỗi môn ba buổi một tuần, thành thử cu cậu chỉ được nghỉ vào ngày chủ nhật. Tôi thắc mắc với chị bạn sao bắt nó học nhiều vậy, ngày hè phải để cho nó được nghỉ ngơi, thư giãn chứ bắt học thế làm sao nó chịu nổi. Chị bạn tôi thở dài phân trần: “Em không biết đấy thôi, bây giờ nghỉ hè là người ta cho con đi học ngay rồi, như thế vào năm học nó sẽ nhàn hơn. Chị cũng muốn cho con nghỉ về quê ngoại chơi lắm chứ nhưng bạn bè nó đi học hết, con mình không đi học thì vào năm học làm sao theo kịp bạn bè!”. Trước suy nghĩ đó của chị, tôi thật chẳng biết nói gì hơn. Chung quy chị cũng chỉ vì muốn tốt cho con mình. Nhưng xem ra, bọn trẻ bây giờ “phải” đi học tối ngày nên “sợ học”, chúng đi học trong tâm lí chán nản, theo sự thúc giục, ép buộc hoặc dỗ dành của cha mẹ. Thành thử, được học nhiều mà vẫn “suy dinh dưỡng kiến thức”.

Ngay cả những cháu bé mới học xong bậc học mầm non, chuẩn bị lên lớp 1, giai đoạn giao thời đầy bỡ ngỡ của các con cũng được lấp đầy bởi những buổi học kèm. Các con được cha mẹ tìm thầy, tìm cô cho học bởi những lo lắng khi lên lớp con mình không theo kịp các bạn, không biết đọc, biết viết. Vậy nên, đáng lí ra vào đầu lớp 1 các con mới ê a đánh vần những chữ cái đầu tiên, mới lóng ngóng cầm cây bút tô từng nét chữ lên cuốn vở Tập tô, rồi Tập viết thì nay, mới vào học, nhiều bé đã đọc ro ro, viết chữ tròn trịa ngon lành rồi. Đó chắc chắn là niềm tự hào của bao bố mẹ bởi con mình giỏi hơn các bạn, nhưng bố mẹ có biết cả một mùa hè dài vui chơi của các con đã bị mất đi. Thậm chí nhiều bé đã được bố mẹ gửi gắm cô giáo Mầm non kèm cặp chữ viết, làm toán từ khi bé còn học lớp bốn, năm tuổi. Đó là tuổi các con vui chơi, ca hát, tìm hiểu cuộc sống xung quanh mình qua những câu chuyện cô kể, qua những hoạt động ngoài trời. Tôi còn nhớ mãi buổi cho con đi tựu trường hai năm về trước, tôi đã rất ngạc nhiên, sửng sốt khi có phần phát biểu cảm tưởng dành cho học sinh đầu cấp. Một cô bé con mới vào lớp 1 vui vẻ bước lên bục, cái bục phát biểu cao quá, cao lút đầu con, các thầy cô phải bắc cho con thêm cái ghế để đứng lên. Con cầm tờ giấy, đọc trơn tru một mạch lời phát biểu của mình, trong lời thì thầm khen ngợi của nhiều người lớn và ánh mắt thán phục của một số bạn cùng trang lứa. Nhưng để có được điều đó, biết đâu bé đã phải đánh đổi bao thời gian vui chơi, ca hát cùng bát bè.

Nhớ ngày tôi đi học, ngoài buổi học chính trên lớp thì tôi ở nhà phụ giúp ba mẹ những việc nhỏ vừa sức. Rồi ngày hè thì tha hồ vui chơi với những cánh diều no gió, với những trò chơi khỏe mà bổ ích: nhảy dây, đá cầu, chơi chuyền, chơi trốn tìm,… Nhất là những buổi tối nhiều sao, bọn trẻ chúng tôi lại tha hồ nằm ngửa cổ lên trời thi đếm sao. Vô tư, hồn nhiên chẳng phải lo nghĩ chuyện học hành. Ngày hè mà, chơi cho thỏa thích để khi vào học thì cháy hết niềm đam mê. Chơi vậy nhưng cũng mong lắm đến ngày tựu trường, gần đến ngày đi học thì tôi lại háo hức chuẩn bị sách vở. Tôi bọc cẩn thận những quyển sách, quyển vở trong những tờ giấy báo, giấy xi măng đã được lau chùi sạch sẽ. Rồi lại cẩn thận dán từng chiếc nhãn vở vào góc quyển và nắn nót ghi tên trường, tên mình, tên sách, vở vào đó.

Học trò bây giờ không phải làm gì và cũng không được chơi hè như tuổi thơ tôi. Nhiệm vụ duy nhất, việc làm duy nhất của chúng là học, học và học. Nhưng có lẽ chính vì lúc nào cũng học, không có ngày hè, không có ngày nghỉ nên đối với học sinh bây giờ tựu trường không còn nguyên vẹn là niềm háo hức, mong đợi nữa.