Khác với sự tập trung vào các hiệu ứng chiều dọc của toà nhà trong phong cách kiến trúc kinh điển của phương Tây, các kiến trúc sư Trung Quốc thời xưa thường chăm chút hơn cho việc điêu khắc và tạo hình của mái nhà. Nhìn tổng thể các công trình nhà ở của phương Đông (đặc biệt là các nước Mông Cổ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam – các nước chịu ảnh hưởng lớn từ văn hoá Trung Quốc), sẽ thấy rằng mái nhà luôn chiếm tỷ lệ lớn nhất và mang các đặc tính nổi bật hơn so với phần còn lại của kiến trúc, như: giàu tính biến thiên, các yếu tố trang trí đa dạng, mái hiên vươn dài, và đa dạng về chủng loại, cấp bậc, cũng như hình dáng. Từ ảnh hưởng của văn hoá Trung Quốc, “nghệ thuật mái nhà” cũng trở thành một trong những biểu tượng đặc trưng của kiến trúc điển hình châu Á, đồng thời đại diện cho cả nền kiến trúc cổ của văn hoá khu vực. Bên cạnh đó, mái nhà của người Trung được làm cong nhẹ như một dòng chảy ngược, mô phỏng hình dáng tuyệt mỹ của đường chân trời. Chính vì vậy, kiến trúc mái nhà mang trong mình hai giá trị nghệ thuật song song: vẻ đẹp tạo hình và vẻ đẹp ý tưởng.

Khoa học trong cấu trúc mái nhà

Mái nhà đặc trưng của Trung Hoa thường làm từ ngói như một biện pháp chống cháy, chống nước và thoát nước của toàn bộ công trình. Do cấu trúc chính của một kiến trúc điển hình thường làm từ gỗ, chức năng chính của mái nhà là để bảo vệ toàn bộ ngôi nhà và các kiến trúc khung. Các đường sống mái thường được vát cong nhằm giảm các ảnh hưởng của mưa xối và giúp thoát nước nhanh hơn. Bên cạnh đó, nhờ các mái hiên vươn dài, mái nhà có thể bảo vệ các kiến trúc cột và xà bên trong nhà.

Mái nhà trong kiến trúc Trung Hoa cổ có nguyên lý thiết kế hiện đại trên nền tảng thừa kế từ kiến thức cổ truyền: việc kết hợp ứng dụng các điểm, đường, và mặt thường được ứng dụng trọng thiết kế các đường phào (đường gờ trang trí nằm ngang trong các công trình kiến trúc) liền mạch. Trong đó, phần “điểm” xuất hiện tập trung ở các linh vật (Chiwei hay Chiwen – con rồng trong truyền thuyết Trung Hoa), các đường phào trang trí; phần “đường” được phản ánh ở xà nhà, gân mái; và “mặt” chính là bốn mặt mái dốc được cấu thành bởi các lớp ngói. Nguyên lý thiết kế ở đây là sự kết nối rất ăn khớp và hài hoà giữa điểm, đường, và mặt để tạo nên một tổng thể hoàn chỉnh đầy nghệ thuật cùng hiệu ứng hài hoà.

Ý nghĩa văn hoá, tôn giáo, và cảm xúc trong thiết kế

Thiết kế mái nhà điển hình ở Trung Quốc thời xưa phải tuân thủ theo tiêu chuẩn khắt khe về thứ bậc và thể chế. Ví như, các dạng mái dọc hành lang, mái hiên dài, các đỉnh mái nhọn, cao chỉ được phép dùng cho gia đình hoàng gia. Các gia đình bình thường không được dùng ngói ánh vàng. Mỗi dạng mái nhà đại diện cho một tầng lớp, đẳng cấp xã hội khác nhau.

Người Trung Quốc thích đặt các linh thú trong truyền thuyết lên các đầu gờ mái nhà, vừa phục vụ mục đích trang trí, vừa là phép ẩn dụ khéo léo cho sự bảo hộ từ các biểu tượng tâm linh. Trong truyền thuyết, rồng có thể phun nước, do vậy người Trung Quốc tin rằng chúng có thể bảo vệ ngôi nhà khỏi hoả hoạn. Tuy nhiên, các linh thú trên mái nhà cũng có thể là phượng hoàng, ngựa, lân sư (sư tử lai rồng), vân vân. Cách trang trí sử dụng thủ pháp nhân cách hoá và lý tưởng hoá này xuất hiện với tần suất dày đặc trong văn chương và nghệ thuật Trung Quốc, đại biểu cho mong ước một cuộc đời an ổn, thịnh vượng, giàu có và may mắn cho chủ nhà. Những linh thú này cũng được gắn với sự phồn vinh và lụi tàn của xã hội cũng như sự xuất hiện của các bậc anh hùng. Lấy ví dụ như, phượng hoàng trong truyền thuyết là một loài vật có thể tái sinh. Người Trung Quốc thể hiện khát vọng vươn tới thế giới thần thoại đầy màu sắc đó trong từng đường cong tuyệt mỹ của mái nhà, với những đường cong lõm mô phỏng cánh phượng hoàng bay lên, như thể đang hoà làm một với bầu trời. Đối lập với sự tồn tại nhất thời của khung nhà gỗ, sự gửi gắm trên thiết kế mái nhà là giấc mơ về thế giới trường tồn, vĩnh cửu, nơi mà ngôi nhà có thể hoá tro tàn, nhưng sự tái sinh sau đó sẽ khiến nó trở nên hoàn hảo.

Lời kết

Mục tiêu trong thiết kế mái nhà Trung Hoa cổ truyền là sự duy mỹ, sống động và thanh lịch. Đồng thời, các thiết kế này luôn có sự hoà quyện hoàn hảo giữa tạo hình và ý nghĩa để tạo thành một vẻ đẹp sâu sắc hơn mà vẫn giữ nguyên giá trị của nó so với các ý tưởng thiết kế trong thời hiện đại.