Tôi sinh ra ở một thôn quê nghèo, thuộc diện nghèo nhất tỉnh, các bạn trong lớp tôi đa phần thuộc hộ nghèo của xã nên không khó để tôi tiếp xúc với những hộ nghèo nơi đây. Thời đó, nhà nào cũng sinh ít nhất năm, bảy đứa, áo quần mặc chung, sáng đi học, chiều đi chăn trâu phụ giúp gia đình, có bạn thì đi theo cha lên rừng lấy củi về bán… Đa phần người ta chỉ có thể mưu sinh từ những nghề đơn sơ nhất, ngày nay người ta gọi là cái nghề ăn bám vào thiên nhiên như vào rừng chặt cây làm củi, bán gỗ, chặt mãi cho đến khi đồi trọc,… Lúc đó vì kiến thức và nhận thức có hạn, tôi chỉ cảm thấy sao họ khổ quá!

Tôi may mắn sinh ra trong gia đình tương đối khá giả vào hồi đó, với nhận thức hiện đại nên mẹ tôi chỉ sinh hai con, nên mưu sinh để nuôi con cũng phần nào đỡ vất vả, có vất vả hơn là để có “của ăn, của để” nữa thôi. Tôi còn nhớ từ lúc còn nhỏ, một ngày tôi chỉ nhìn thấy mặt mẹ lúc nửa đêm, sáng mẹ bán ở chợ, bán xong canh chợ, mẹ chất hàng lên chiếc xe đạp và đạp đi bán khắp xóm làng cho đến tận đêm mới về. Còn ba tôi thời đó đi cày khai hoang, cũng vài ba hôm mới về vì đi khai hoang đa phần ở những nơi xa.Vâng, những người khá giả đây mới thật sự vất vả và khổ cực, họ sống và phấn đấu không mệt mỏi để gia đình ngày một tốt hơn.

Nghèo mà mang hai tâm lý này thì cả đời không ngóc đầu lên nổi | Tin tức Online

Đến năm mười bốn tuổi, tôi xin mẹ vào Sài Gòn đi học cấp ba, một mình nương nhờ nhà người bạn của mẹ, mẹ tôi đồng ý. Sẽ rất nhớ con nhưng bản chất mạnh mẽ và hiện đại, nên mẹ biết thoát khỏi cái ao làng vẫn tốt hơn cho tôi. Và đúng thật, Sài Gòn là vùng đất phải nói là bao nhiêu tinh hoa đều hội tụ nơi đây. Sống ở đây, tôi trải nghiệm được rất nhiều thứ thú vị, từ văn hóa, con người, lối sống, đến những nhận thức rất thú vị về “dân thành phố”.

Khi còn nhỏ ở quê, tôi luôn nghe thấy người lớn thường nói với nhau rằng: “Dân thành phố không có tình cảm, xem thường người ở quê lên thăm, sống lạnh nhạt với xung quanh, ra đường lỡ có bị lạc đường hỏi cũng không ai trả lời,…” Tuy nhiên, sống ở đất Sài thành rồi mới hiểu, ra đường gặp người lạ hỏi không trả lời là vì họ bị quá nhiều người lừa đảo, lợi dụng lòng tin. Không phải họ xem thường người ở quê lên thăm, không tiếp đãi đàng hoàng mà là vì họ sống thẳng thắn. Tốt hay không đâu phải chỉ một bữa cơm canh thịnh soạn là đủ để bày tỏ. Với họ, một bữa ăn đầm ấm, đầy đủ mới là hiếu khách, một phần vì thật sự họ không có thời gian để sống phức tạp hơn. Họ không quan tâm đến hàng xóm như thế nào vì cuộc sống quá bận rộn, sáng sớm chuẩn bị mọi thứ cho con, chở con đi học, rồi đi làm, chiều tối lật đật đi làm về đón con, cơm nước,… thậm chí hôm đó còn không biết trời có nắng hay không nữa, thời gian đâu biết đến hôm nay con hàng xóm thi mấy điểm, vợ chồng hàng xóm nay trúng số bao nhiêu!? Họ bận mưu sinh, họ có mục đích rõ ràng, họ kiếm tiền và nuôi con khôn lớn. Không như những người ở quê, thời gian của họ chỉ để ngôi lê mách lẻo , ngó nhà bên trái hôm nay đi chợ mua gì, ngó nhà bên phải xem con bé trạc tuổi con mình lấy chồng giàu hay chưa ,… Vì thế mà cuộc sống ở quê cứ nghèo hoài vậy đó, cứ bình thường hoài vậy đó, nhà nào khá hơn thì đa phần là nhờ con lên thành phố mưu sinh về báo hiếu cho cha mẹ.

Thời xưa tôi cứ cảm giác người nghèo khổ lắm, giờ đủ lớn, tiếp xúc với nhiều nguồn thông tin, dữ liệu, kiến thức, tôi đủ nhận thức để hiểu rằng họ chọn sướng trước, khổ sau đấy thôi. Ngoại trừ những người mắc bệnh nan y, hoặc con cái, người thân bị bệnh hiểm nghèo ra, còn lại những người lành lặn khỏe mạnh, họ nghèo vì họ lười biếng! Chẳng đúng sao? Với họ mỗi ngày đi rừng đốn cây lấy củi về bán một chuyến là đủ ăn, còn lại thời gian nghỉ ngơi, nhậu nhẹt để thể hiện bản lĩnh đàn ông, khi nào rừng hết cây thì ta tính đường khác. Còn phụ nữ buổi sáng ra chợ bán ba bốn nhúm rau là đủ ăn, còn lại về nhà nghỉ ngơi, giao lưu với hàng xóm, nhỉ? Một số thì mua vé số, số đề với suy nghĩ một ngày nào đó, sẽ có một đống tiền từ trên trời rơi xuống, “LÀM GIÀU KHÔNG KHÓ” tí nào!Nếu có ai cần giúp việc vài giờ mỗi ngày, dù rảnh họ cũng không làm, vì sợ mang tiếng “ở đợ”, hay là vì họ không muốn vất vả? Với họ, cuộc sống hàng ngày trải qua rất nhẹ nhàng và bình thường, họ không có tham vọng, họ sống vì bản thân mình, cái ì của mình nhiều hơn là trách nhiệm với con cái, mặc dầu sinh năm hay sinh bảy đứa con! Cũng vì cái suy nghĩ ngày nào đủ ngày đó thôi, đến khi về già, khi không còn sức làm việc nữa thì họ sống ngày qua ngày rất khổ cực và thiếu thốn.Đa phần khi đó, tinh thần “lá lành đùm lá rách” của chúng ta lên tiếng, những người có cuộc sống khá giả hơn, chẳng phải tiền của họ từ trên trời rơi xuống, mà là đánh đổi bao mồ hôi, công sức, tinh thần mới có được, ấy vậy mà khi thấy người nghèo sống cực khổ quá, vất vả quá họ sẵn sàng chia sẻ một chút “dư giả” của mình để giúp người.

Tôi vẫn thường nghe thấy câu: “Cuộc đời này vốn dĩ luôn tồn tại bất công”. Chẳng phải đó là câu cửa miệng của những người nghèo sao? Tôi thấy bất công với những người siêng năng, chăm chỉ đó thì đúng hơn chứ! Tôi không đủ tuổi đời để trải nghiệm hết tất cả mọi thứ, nhưng những gì đã tùng chứng kiến, tôi chưa hề thấy ai siêng năng, chăm chỉ mà trong vòng mười năm vẫn còn nghèo cả, họ chưa chắc sẽ giàu nhưng ít nhất họ không thể nào sống thiếu thốn. Chỉ có những người lười biếng, làm gì cũng sợ cực mới nghèo, mới chấp nhận sống thiếu thốn thôi. Ai bảo làm giàu không khó, quá khó đấy chứ, chấp nhận nghèo thì mới dễ, mới sướng thôi, và đa phần người ta thương chọn cái dễ, đúng không ạ?

Còn chuyện từ thiện? Giúp người nên giúp đúng, nếu không sẽ càng hại người. Làm từ thiện bây giờ đang biến tướng , tốt nhất đồng tiền quý giá của bạn, dù không giúp được hai người, chỉ cần giúp một người ngay chính trong gia đình của mình là đủ, và giúp như thế nào để họ tốt hơn, đó cả là một nghệ thuật và tâm huyết. Nếu bạn không làm được điều đó, bạn có quyền không giúp, không ai có quyền trách bạn chỉ vì bạn giàu, có của ăn của để cả. Cuộc sống này vốn dĩ đã quá khó khăn, chỉ cần mỗi người, mỗi gia đình, mỗi tế bào của xã hội sống tốt, sống khỏe là cả một xã hội mạnh khỏe rồi.

Tôi mong những ai chưa lập gia đình, hãy phấn đấu làm việc không mệt mỏi khi còn trẻ, còn khỏe, để cuộc sống của bản thân khi lớn tuổi, sức yếu sẽ sung sướng hơn. Còn nếu đã có gia đình, hãy suy nghĩ thật kỹ có nên sinh con hay không, nên sinh bao nhiêu đứa và bạn có chấp nhận vượt lên mọi khó khăn để thật sự sống có trách nhiệm với chúng không, bởi vì những đứa trẻ ấy không hề bắt bạn sinh ra chúng, là bạn chọn sinh chúng ra, đừng đổ lỗi tại chúng ra đời nhiều quá, nhanh quá mà ta sống cực khổ, nhé!