Thời gian này, sáng nào tôi cũng ngồi viết tay giấc mơ đã níu tôi lại trong tấm chăn mỏng đến khi trời sáng bảnh. Và cuối mỗi ngày, trước khi lại rúc vào trong những giấc mơ mới, tôi cũng lại chong đèn ngồi tổng kết một ngày của mình trôi qua như thế nào.
Mỗi ngày trôi qua đều là một ngày đáng sống, đáng yêu cả. Và tôi nhận ra mình đang thay đổi từng phút, từng giờ, cố gắng để bản thân mình tốt đẹp lên, lạc quan hơn so với ngày hôm qua. Với tôi, thời gian giãn cách này, ai cũng cần sống chậm lại (hoặc sự bắt buộc phải thế) để thấy trân trọng những ngày thong dong; hoặc cũng có thể xem như chính lòng mình đang thể hiện lời xin lỗi chân thành (bằng hành động) với quá khứ.

Vốn dĩ, ai trong chúng ta cũng đã từng, hoặc hiện tại đang vướng mắc phải những chuyện “chẳng ra làm sao”, nhưng suy cho cùng, đó là những hệ quả tất yếu, sự muôn hình vạn trạng của cuộc sống. Trong mọi tình huống xảy đến, tôi chỉ dặn mình phải thật bình tĩnh, phải giữ cái đầu thật minh suốt để xử lý mọi việc. Bởi, ngoài bản thân mình ra, ngoài sự nỗ lực thay đổi chính mình để cải tổ diễn biến một sự việc xấu, một cảm xúc xấu, chẳng ai giúp gì được. Những gì người khác mang đến cho bạn chỉ được soi rọi từ góc nhìn chủ quan cá nhân. Bạn và họ khác nhau, chỉ có lời khuyên mang tính tham khảo, hoặc khơi gợi một ý tưởng để tự thân bạn thay đổi.

Rằng trước đây, tôi từng một lần đi phá thai. Tôi đi đến viện một mình, với một vẻ mặt hết sức bình tĩnh và ánh mắt ráo hoảnh. Không ai biết bên trong tôi cảm thấy ra sao, tôi phải đấu tranh thế nào cho chuyện ấy? Tôi chỉ im lặng, tự che giấu tất cả, che giấu mọi người, che giấu cả chính mình vào giây phút bác sĩ chích vào bắp tay tôi một liều thuốc gây mê. Trong ánh mắt mờ nhòe đi khi thuốc ngấm vào cơ thể, từng động tác bác sĩ thực hiện ở khoảng giữa hai đùi, tôi đều cảm nhận được. Tôi bắt đầu khóc, bởi những đau đớn tinh thần kìm nén lâu nay bỗng bung ra.

Cho đến sau này, khi tôi dần quên đi cha của đứa trẻ ấy, quên đi những sai lầm, những bất hạnh của đời mình, tôi cũng quen với một vài người mới. Nhưng rồi, tôi thận trọng hơn trước rất nhiều. Tôi cũng thú nhận để nhận được sự đồng cảm, hoặc ít ra sau này anh ta không bị shock khi mọi chuyện được phanh phui.

Ai cũng có quá khứ, chúng ta không xóa nó đi được, mà chỉ có thể sống tốt hơn từng ngày để lấp đầy dần những khoảng trống trong những ngày trống rỗng, vô nghĩa kéo dài trong lúc mình tuyệt vọng nhất.

Hoặc bởi vì, xã hội ngoài kia có vô số những linh hồn tội lỗi khác đang tồn tại. Tại vì sao họ lại chỉ chú ý đến riêng mình bạn? Hoặc một sự vơ nhận vào mình, hoặc xã hội sẽ công bằng hơn chút ít với bạn thông qua việc không dò xét cuộc sống của bạn. Dần dà, tôi bớt quan tâm đến việc người khác nghĩ về tôi ra sao, tôi lại quan tâm nhiều hơn đến việc bản thân mình cảm thấy thế nào, người thân mình cảm thấy ra sao nhiều hơn.

Có đôi khi, tôi thấy mình thật nhỏ bé và bất lực. Nhất là khi bản thân mình nhìn thấy người thân yêu của mình vất vả ngày một tàn lụi mà mình thì giúp cho họ chả đáng gì. Càng ngày tâm trạng đấy khiến tôi trì trệ mọi thứ rồi thấy ái ngại trước mọi thứ. Khi đè nén cảm xúc trong mình quá nhiều, hẳn ai cũng cảm thấy trĩu nặng. Những tâm sự cứ mỗi ngày thêm chồng chất, chẳng còn nghĩ được gì đến những cuộc vui, hay nhu cầu tận hưởng cuộc sống của riêng mình nữa.

Cũng giống như cảm xúc của con người trong mùa dãn cách, rằng đã lâu lắm mới thấy chuyến tàu xình xịch, chầm chậm qua phố. Giá như nó kéo thêm một hồi còi nữa thì sẽ lãng mạn biết mấy. “Giá như” họa chăng là sự ngấm ngầm tiếc nuối trong mỗi con người?
Ai trong chúng ta cũng bị gói gọn trong những thứ nhỏ bé.

Ngôi nhà nhỏ bé.
Gia đình nhỏ bé.
Căn phòng nhỏ bé.
Chiếc giường nhỏ bé.
Tâm hồn nhỏ bé.

Chỉ biết gom góp những điều nhỏ ấy lại để nó trở nên vĩ đại hơn. Có, chắc chắn điều ấy sẽ xảy ra khi chúng ta lạc quan và tin tưởng vào giấc mơ của mình.