Chỉ đơn giản thế thôi. Tự nhiên nỗi nhớ ngày xưa nôn nao ruột gan khi chiều nay một khóm hoa tàu bay còn sót lại trong thời kỳ hậu nông thôn mới nở tím cả một góc trời quê. Ký ức trẻ thơ tìm về trong veo mà xót xa. Biết tìm đâu dĩ vãng ngày xưa… ?

Thuở ấy, quê ta còn nghèo lắm nên mới có câu “Đói ngày giỗ cha, no ba hôm tết”. Trẻ quê luôn háo hức đợi tết chẳng phải vì để được nhận nhiều tiền lì xì như bây giờ mà đơn giản là mong được mẹ cho chiếc quần hay áo mới, được ăn những bữa ăn ngon. Ấy là thuở đất nước chưa thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa; văn minh phố phường còn xa lạ với lũy tre làng. Mẹ cha ta vẫn đầu tắt mặt tối với dăm sào ruộng khoán. Biết trước cả 12 tháng, gom góp cả một năm, thế mà vẫn chẳng có cái tết nào được đủ đầy. Thuở ấy, bọn con nít chỉ nghe người lớn bảo lúc nào hoa tàu bay nở là tết sắp về. Thế là cứ những buổi chiều đông xám ngoét, rét tái tê; lùa trâu trên đồng về, đứa nào cũng ngó nghiêng vào bụi cây tàu bay để xem chừng nào hoa nở. Rồi buổi chiều nào trâu về tới ngõ, ta ngửi thấy mùi cá kho mật mía thơm lừng, ta biết tết đã về gần đến nhà mình hơn. Mẹ đã chuẩn bị ống trúc, lá dong. Cha đã chặt cả vườn mía để đi kéo che lấy mật. Mâm cỗ ngày tết, ngoài bánh chưng, bánh tét cổ truyền thì không thể thiếu các loại bánh làm với mật mía như bánh ong, bánh biến, bánh rán… Bánh nào cũng ngọt lịm niềm vui của tuổi thơ.

Ta còn nhớ niềm hãnh diện của những đứa trẻ quê thuở ấy khi có người nhà đi làm ăn xa trở về đón tết. Những bộ quần áo, những đồ chơi, những chiếc kẹo đủ màu sắc ở những phương trời xa lạ trở thành nỗi khát thèm đắm đuối cả tuổi thơ. Rồi khi lớn lên, những đứa trẻ quê ngày ấy cũng tha hương, cũng nôn nao muốn khăn gói về quê ba ngày tết để được ăn một bữa cơm tất niên đầm ấm cùng gia đình. Thế mà đôi khi cuộc mưu sinh cơm áo gạo tiền khiến đường về quê trở nên xa vời vợi.

Ta nhớ ngày xưa thực phẩm chưa phong phú, chưa có sẵn như bây giờ. Tết là sự gom góp lợn gà trong chuồng, cá dưới ao, gạo nếp có sẵn của ruộng vườn. Chợt nhớ, chợt thương những câu thơ của nhà thơ Lê Huy Mậu “Quê hương ta nghèo lắm/ Ta rửa rau bến sông cho con cá cùng ăn/ Ta mổ lợn con quạ khoang cũng ngồi chờ chia thịt/ Cá dưới sông cũng có tết như người…”; chợt rưng rưng thương quê như những câu thơ của nhà thơ Nguyễn Hưng Hải “Lợn trong chuồng hai bảy đã rinh ran/ Tết nhất ở quê cả làng gói bánh/ Tết nhất ở quê mưa phùn, gió lạnh/ Mẹ vẫn ra đồng cấy nốt mùa xuân…”. Tháng Chạp chậm chạp, nặng nề trôi trong sự mong ngóng của lũ trẻ con. Ta mong đến bữa làm thịt lợn đụng để được húp bữa nước xáo lòng thỏa thuê. Ta ước được đi khoe với lũ bạn chiếc bánh nhỏ cha gói riêng từ nhúm nếp thừa, mang trong người cả khi đi ngủ. Ta háo hức mặc chiếc áo mới (mà không biết rằng mẹ đang phải mua chịu ở cửa hàng). Ta náo nức đi nhặt pháo chưa nổ của nhà hàng xóm sáng đầu năm mà đâu cần biết đến tục xông đất… Cứ thế, kỷ niệm miên man gọi về trong thương nhớ ngày xưa.

Rau Tàu Bay - Loại Cây Dại Với Vô Vàn Công Dụng Quý

Ta nhớ thuở ấy chợ Tết thật đông vui. Tất tật đều chờ đến buổi chợ chứ chưa có các quán tạp hóa như bây giờ. Ta cũng háo hức được mẹ cho đi ngắm phiên chợ tết cuối năm. Mà đâu chỉ riêng mình tôi, mọi đứa trẻ đều thế nên phiên chợ 30 Tết trở thành phiên chợ con nít. Chị ta cùng mấy đứa con gái dành dụm từng đồng để mua từng cành hoa nhựa, đôi câu đối hay bức tranh mâm ngũ quả để về cha trang trí lại bàn thờ. Còn bọn con trai đứa nhỏ thì mua cái trống lùng tung, con tò he nặn đủ màu… đứa lớn thì dành tiền để mua pháo. Cảm giác háo hức ngất ngây khi được băng pháo chuột Bình Đà dài cả mét thỉnh thoảng chêm vào chiếc pháo đại. Rồi khi Nhà nước cấm pháo, một dạo bọn trẻ cứ ngỡ như Tết không còn là Tết…

Rồi còn bao nhiêu nỗi nhớ cứ thăm thẳm ùa về. Ta nhớ nồi nước lá mẹ nấu tắm tất niên sực mùi thơm của lá sả, hương nhu, bồ kết… Ta nhớ mắt cay xè hương khói trong chiều cuối năm khi được cùng cha đi chạp mộ. Ta nhớ đêm hái hoa dân chủ ở sân kho hợp tác. Cảm giác sướng rơn khi anh dẫn chương trình xướng lên: Hát bài này xong, em sẽ được năm cái kẹo, một bát nước và… một tràng pháo tay. Chao ôi là sướng ! Ta nhớ đĩa thịt đông thời chưa làm bằng tủ lạnh, ta nhớ hũ hành muối không có mùi hóa chất. Nhớ gánh cỗ đơm cơm chú bác sum vầy…

Bây giờ vẫn cứ Tết cổ truyền nhưng hình như lòng người đã không còn mặn mà truyền thống nữa. Sự chuẩn bị Tết cũng chẳng kì công như ngày xưa, người xa quê chẳng nôn nao đếm ngày về quê. Trẻ con bây giờ không còn háo hức đợi Tết (bởi bây giờ ngày nào chẳng là Tết), không còn mong ngóng những mùa hoa tàu bay. Ta chợt thương những bông hoa nở tím ngát lặng lẽ bên đường báo hiệu mùa xuân…