Đã mấy chục năm trôi qua nhưng cứ đến dịp tết trung thu là tôi lại bồi hồi nhớ về tuổi thơ đầy ắp kỉ niệm của mình. Thời đó dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng thật là vui. Niềm vui của lứa tuổi hồn nhiên, vô tư, vô lo, vô nghĩ thênh thang hạnh phúc biết nhường nào. Đến bây giờ nhớ lại, tôi vẫn cảm thấy mình như đang sống trong thế giới tuổi thơ lăn xả cùng tiếng cười vui, say sưa bất tận ấy.

Không khí chuẩn bị cho rằm tháng tám diễn ra từ nhiều ngày trước, đặc biệt là mấy hôm sắp đến trung thu. Ở làng tôi lúc bấy giờ, những buổi tối tháng tám âm lịch luôn rộn vang tiếng trống họp Đội. Cứ khoảng 7 giờ tối là mấy đứa nhà ăn cơm sớm hơn ra sân trước (sân Hợp tác xã), lấy trống khua gọi bạn đến. Nhịp trống 1/2/3/4/5-1/2/1/2 cứ lặp đi lặp lại như thúc giục lũ trẻ chúng tôi nhanh chóng tắm rửa, ăn cơm rồi chạy vội ra sân hợp tác.

Trước khi các anh chị phụ trách tổ chức họp Đội thì trẻ con chúng tôi tranh thủ với đủ thứ trò chơi. Nào là “chiến tranh bùng nổ”, nào là kéo co, nào là nú tìm, nào là cướp cờ,…và biết bao trò vui khác nữa. Hồi hộp, bất ngờ nhất là trò chơi nú tìm đập cột. Người nhắm mắt đếm 5/10/15/20,…cứ thế cho đến 100 thì đi tìm. Mấy đứa đi nú rồi tìm cách chạy nhanh ra đập cột. Ai nhanh chân mà không bị phát hiện là người đó thắng. Ai bị tìm ra thì lại là người nhắm mắt đếm và đi tìm bạn. Chúng tôi chạy trốn quanh ngôi nhà hợp tác. Ngôi nhà vách đất, mái lợp lá cọ. Theo năm tháng thấm dầm làm cũ kĩ, bào mòn, chân vách thủng lỗ chỗ; mái lá bạc màu mưa nắng, đôi chỗ đã bị dột. Ngôi nhà hợp tác chứng kiến, che chở chúng tôi những năm tháng tuổi thơ với biết bao kỉ niệm.

Dưới ánh trăng bàng bạc, làn gió nhẹ đậu lên vai, lên tóc, thơm lên má lũ trẻ mơn man, mát lịm. Cứ thế, chúng tôi mê mải chơi không biết chán. Hò hét, cười đùa. Mồ hôi lấm tấm lưng áo mà vẫn ham. Tiếng cười khanh khách, tiếng cười nắc nẻ của trẻ thơ vang lên qua mỗi trò chơi như xoa dịu những nhọc nhằn sớm tối của người nông dân sau một ngày tất bật ruộng đồng. Trong buổi họp Đội, các anh chị phụ trách cũng tổ chức cho chúng tôi rất nhiều trò chơi khác nữa như: thả khăn, bịt mắt đánh trống, kéo co,…Ngoài ra, chúng tôi còn được hát tập thể, đơn ca, tốp ca. Hát thi nhau giữa các đội cũng vô cùng hào hứng, náo nức, rộn ràng. Chúng tôi như bị cuốn vào ma trận, quên cả thời gian. Chơi hết mình, hát hết mình, vui hết mình. Cái thế giới tuổi thơ ấy sao mà kì diệu, sao mà đáng yêu đến thế!

Tôi háo hức lắm khi mình được các anh chị chọn vào đội văn nghệ, tham gia luyện tập để chuẩn bị cho buổi biểu diễn trong đêm trung thu. Hát rồi tập kịch. Say mê vô cùng!

Rằm tháng tám quê tôi được tổ chức trong hai buổi tối. Tối 14 là chương trình văn nghệ mừng trung thu. Tối 15, sau khi rước đèn về là tiết mục phá cỗ trông trăng. Ngày đó làm gì có điều kiện để thuê những bộ quần áo hay những bộ váy đủ màu sắc, diêm dúa như bây giờ. Các anh chị phụ trách đã tự thiết kế cho đội kịch bằng cách cắt giấy xanh, đỏ, vàng, tím ra và dán thành những bộ quần áo, chiếc mũ cho diễn viên đóng các vai: vua, hoàng tử, công chúa. Dây kim tuyến dùng để trang trí cho trang phục thêm lấp lánh. Đẹp, thú vị ra trò. Sân khấu thì được các anh chị thanh niên dựng lên từ các cây tre dùng làm cột, ván làm sàn diễn. Buổi diễn văn nghệ được đông đảo bà con trong xóm đến xem và cổ vũ nhiệt tình. Khỏi phải nói lũ trẻ con chúng tôi thích thú thế nào!

Ngày chính rằm, từ 3 giờ chiều, chị em tôi đã loanh quanh trực chờ mong trời nhanh tối để đi rước đèn. Mẹ tôi sắm cho ba chị em, mỗi đứa một chiếc đèn ông sao. Đèn làm bằng giấy màu đơn giản, được dán vào khung tre mỏng, trong có nến để thắp. Hôm đó chúng tôi tắm rửa, nấu cơm ăn thật sớm. Chưa tối đã kéo nhau ra sân hợp tác. Nô đùa đủ trò, khi tiếng trống tập trung của anh phụ trách vang lên thì hai hàng dọc được tập hợp. Trống cái được đặt lên sau xe đạp. Một người dắt xe, người đi sau một tay giữ, một tay đánh trống. Hai chiếc trống con do hai bạn lớn đeo dây vòng qua cổ, vừa đi vừa đánh. Chiếc đèn ông sao to nhất do các anh chị phụ trách tự thiết kế dẫn đầu đoàn rước đèn.

Cứ thế chúng tôi đi vòng quanh các con đường trong xóm. Trên tay mỗi đứa cầm một chiếc đèn ông sao. Ánh sáng lấp lánh hòa cùng ánh trăng làm cho đường làng trở nên sáng lung linh, rực rỡ. Không khí tết trung thu thật rộn ràng. Tham gia rước đèn không chỉ có các anh chị thanh niên, các thiếu niên, nhi đồng mà còn có rất nhiều ông bà, bố mẹ và các em nhỏ còn phải bế trên tay cũng hòa vào niềm vui ngày hội ấy. Đôi lúc có chiếc đèn ông sao bị tắt nến, bố mẹ đi cùng thắp lại cho các con.

Đường làng ngày đó toàn đường đất chứ đâu có đổ bê tông sạch sẽ như bây giờ. Sau buổi rước đèn về thì chân ai cũng dính đầy bụi đất nhưng chẳng hề gì, chỉ thấy niềm vui ngập tràn xóm nhỏ. Tiếng trống rộn rã, tiếng cười nói xôn xao. Càng về khuya, ông trăng tròn càng sáng vằng vặc nở nụ cười đôn hậu cùng chúng tôi rước đèn, cùng chung niềm vui của lũ trẻ.

Sau khoảng 30 phút vòng quanh hết các con đường nhỏ trong xóm, chúng tôi trở về sân hợp tác xã tập trung. Cái sân lát bằng gạch đỏ ngày mùa phơi thóc, phơi rơm đã được quét dọn sạch sẽ, trải chiếu. Lũ trẻ ngồi kín sân. Các anh chị phụ trách cùng các cô chú đại diện cho Ban mặt trận, Hội phụ nữ xóm đi chia kẹo cho chúng tôi. Vừa ăn và nói cười rôm rả. Liên hoan phá cỗ xong, mỗi đứa còn được mang một gói nhỏ khoảng 10 – 15 cái bánh, kẹo về nhà. Ngày đó, có bánh bích quy Hương Thảo, kẹo chanh, kẹo gôm là sang lắm rồi. Có lẽ những ngày nghỉ hè của chúng tôi vui nhất, náo nức nhất là hai buổi tối đón rằm trung thu. Về nhà có thêm mấy quả bòng, ổi, na, đĩa hồng ngâm, nải chuối chín vườn nhà mẹ tôi đã bày sẵn thắp hương tổ tiên lúc tối. Cả gia đình lại quây quần bên nhau ngắm trăng, thư thả phá cỗ.
Tết trung thu xưa đơn giản mà ấm áp! Vui thật là vui! Lũ trẻ chúng tôi cứ thế hồn nhiên, thỏa thê vui đùa, say sưa ca hát, tận hưởng những năm tháng thần tiên vô tư nhất.

Cuộc sống hiện đại của thời 4.0 bây giờ, trẻ em hầu như không còn có những buổi họp Đội rôm rả như xưa nữa. Chỉ đến ngày rằm, các em mới được tụ tập rước đèn, phá cỗ liên hoan. Những chiếc đèn đủ hình dáng, kích cỡ, màu sắc. Ngoài đèn ông sao thì còn biết bao những loại đèn khác, đẹp về kiểu cách, màu sắc, lại rất tiện dụng. Ánh sáng của pin, của điện chứ không phải dùng nến như ngày xưa. Trẻ em ngoài phố được ngồi trên những chiếc ô tô bán tải rước đèn dọc quốc lộ. Những chiếc đèn ông sao thật to, những điệu múa lân uyển chuyển rộn ràng từng khu phố. Bánh nướng, bánh dẻo và rất nhiều hoa quả ngon mà các em nhỏ được thưởng thức.

Hiện đại, đầy đủ là thế nhưng tôi vẫn hoài niệm về những mùa trung thu của tuổi thơ. Những năm tháng tuổi thơ đẹp nhất đời người. Tôi mong ước các em nhỏ bây giờ cũng được tham gia nhiều buổi họp Đội ở địa phương trong những ngày hè chứ không phải chỉ mỗi ngày rằm trung thu để tuổi thơ các em thật tươi trẻ, thật hồn nhiên, vui khỏe đúng như lứa tuổi các em. Sắp đến tết trung thu năm 2021, tôi lại nghĩ về tết trung thu xưa mà lòng xốn xang nỗi nhớ!