Có phải tuổi thơ nghèo khổ nên người ta dễ mủi lòng, hay gợi nhớ gợi thương. Ừ thì có cao sang gì đâu trái sa nhân mọc hoang dại ở bờ rào mà tuổi thơ tôi từng ăn không biết chán, tưởng như miệng còn phả mùi nồng nặc đến bây giờ…

Không biết do đâu mà dân quê tôi gọi nó là trái sa nhân (người làng Thọ gọi là “Thù nhưn”); không phải là cây sa nhân thuộc họ gừng mà hạt đỏ sau khi chín khô có mùi thơm mạnh dùng làm gia vị hoặc làm một vị thuốc trong đông y. Search trái này lên google thì nó có tên gọi khoa học là Keo dậu/Keo giậu (hay còn gọi: táo nhơn, bọ chét, bình linh, keo giun) tên khoa học là: Leucaena leucocephala; nhưng mặc kệ, từ xưa đã quen gọi thế rồi. Trái sa nhân mọc thành từng chùm, trái dẹt, dài chừng gang tay con nít. Vỏ màu xanh và hạt cũng màu xanh, nằm thẳng đều tăm tắp; khi chín chuyển sang màu nâu đen và vỏ khô lại tự tách ra mà rơi xuống đất để tiếp tục tái sinh.

Nếu như ổi, thị, bưởi, nhãn, na, hồng… người ta vun trồng, trông nom để hái trái đem bán thì sa nhân lại thường tự sinh tự dưỡng chẳng cần người chăm sóc. Cũng có nhà vườn rộng, cây sa nhân nhiều, người ta thấy tiếc nên cũng bẻ đem bán. Khoảng dăm chùm trái bó lại thành một bó chặt lòng tay rồi đem ra chợ. Bán rẻ như cho mà cũng chẳng mấy ai mua; chỉ thi thoảng có bà mẹ nào đó lỡ hứa đi chợ mua quà cho con mà tiền tiêu hết thì mới lại hàng sa nhân (bởi nó vừa rẻ lại được nhiều) hay cô hàng cá nào mua về cho trẻ con miền biển.

1001 Bài thuốc quý từ cây Sa nhân

Có phải vì đói khát hay không mà lũ trẻ chúng tôi ăn cây sa nhân không sót một thứ gì (Nghe người lớn bảo ăn nhiều sa nhân sẽ chữa được bệnh giun sán). Những chùm sa nhân non chúng tôi bứt xuống, quấn lại như các bà nhai trầu rồi cũng cho thêm hạt muối như người ăn trầu thêm ít thuốc lào cho đậm đà. Nhai mỏi miệng, lâu lâu cũng bắt chước nhổ toẹt một cái rồi cho đến khi chỉ còn trơ bã mới vứt đi. Khi sa nhân căng hạt là đã già, bứt xuống, lấy móng tay ngắt một chút ở đầu ngọn cho dễ bóc rồi đưa lên miệng, dùng răng đẩy một roạt là cả hàng hạt không còn sót lại chút gì. Ăn hết hạt chưa đã thèm có khi còn nhai luôn cả vỏ như nhai trái non. Hạt sa nhân già ăn vừa béo vừa bùi nhưng hạt nhỏ nên ăn mấy cũng chẳng thấy no, ăn nhiều rất dễ bị say. Ăn sa nhân ghét mỗi tội là mùi hôi trong miệng rất lâu tan nên đứa nào có ăn vụng cũng khó chùi mép. Khi trái sa nhân chín chuyển màu, người ta không ăn sống nữa mà bóc lấy hạt rồi bỏ vào nồi rang, rang lên (chảo rang làm từ đất đỏ chứ không phải chảo inox như bây giờ). Khi nào thấy hạt nổ lép bép là được. Ăn hạt sa nhân chín rang lên vừa giòn vừa bùi vừa có chút đăng đắng, ăn xong lấy gáo dừa làm một ngụm nước giếng Đình nữa thì dù bữa đó có ăn cơm muộn cũng chẳng còn thấy đói.

Đã hết mùa trái sa nhân rồi nhưng cây nào đã được yên với lũ trẻ làng. Hết trái thì đến lá non. Hết lá non rồi đến cành non, chúng tôi cũng tách lớp vỏ cây ra ăn như động vật hoang dã. Chúng tôi ăn như thế một thói quen, như thể một niềm vui bởi tuổi thơ quê nghèo chỉ có thế, ăn trong những trò chơi con trẻ (chơi đồ hàng, chơi trò mẹ con…), ăn trong những khát vọng tương lai còn xa vời vợi…

Mùa sa nhân đã về. Nhưng nếu như ngày xưa nhà nào cũng có, mọc hoang dại làm bờ rào (nên mới có tên Keo dậu -> bờ dậu, bờ rào); nay còn lại vài nhà hoặc là bỏ hoang vì vắng chủ nhân hoặc là muốn giữ lại làm kỷ niệm mới có. Trẻ con không còn đói rách như xưa. Chúng nhai kẹo cao su thay cho trái sa nhân, chơi trên smartphone thay cho những trò chơi dân gian… Vẫn biết hôm nay phải khác ngày xưa nhưng chợt nhìn hoa sa nhân nở trắng li ti, nhìn trái sa nhân chín đen rụng ven bờ cô quạnh, lòng lại chợt bâng khuâng !!!