Nghe đứa con gái đầu lòng bảo cha mua bộ cờ Vua và bày cho con mà cha bàng hoàng quá, không biết nên buồn hay vui. Buồn vì hệ số Elo của cha gần như bằng không và vui bởi con biết thích những trò chơi trí tuệ. Từ đam mê của con, cha chợt nghĩ đến lan man chuyện cờ và trò chơi cờ Gánh dân gian của tuổi thơ xưa.

Nếu như cờ Vua, cờ Tướng khi vào cuộc đòi hỏi người chơi phải vận dụng hết tư duy chiến thuật, các nước đi hiểm hóc để giành thắng lợi trước đối thủ thì cờ Gánh dân gian lại mang tính giải trí cao, không cầu kỳ phức tạp. Nếu như cờ Vua, cờ Tướng khi chơi đòi hỏi người chơi tuân thủ quy tắc như người xưa: “Quan kỳ bất ngữ chân quân tử. Hạ thủ vô hồi đích trượng phu” (Xem cờ không nói là quân tử. Nhấc tay không hoãn xứng trượng phu) thì cờ Gánh lại là sự tụ họp của đám bạn xúm lại cùng chơi mà thuở ấy ta hay gọi vui là “cờ bầy”. Đứa đứng ngoài chỉ trỏ, đứa đưa tay cầm quân đi, đứa tranh cãi ỏm tỏi làm khuấy động cả không gian bình yên nơi lũy tre làng suốt cả trưa hè. Nếu cờ Vua, cờ Tướng trở thành bộ môn thể thao trí tuệ và được thi đấu thành hệ thống trên thế giới thì cờ Gánh lại chỉ có ở Việt Nam và đặc biệt chủ yếu ở các vùng nông thôn xưa. Nó đã thành một thứ di sản tinh thần của dân gian. Và giờ đây nó mờ xa lăng lắc trong quá khứ tuổi thơ xưa. Thuở ấy, dẫu không internet, không điện thoại thông minh như thời 4.0 nhưng những trò chơi dân gian lại cuốn hút đến say mê náo nức. Những trò đánh đáo, đánh khăng, chọi gụ, bắn bi của lũ con trai; đánh thẻ, nhảy dây, đánh vòng của đám con gái; hay những trò đánh trận giả, chọi gà, chơi ô ăn quan… cả bọn chơi chung. Và cờ Gánh – trò chơi chơi suốt ngày này sang ngày khác không bao giờ chán; mặc cho mẹ mang roi tất tưởi đi tìm.

Hướng dẫn cách tổ chức trò chơi cờ gánh cho trẻ em

Nếu như cờ Vua xuất xứ từ Ấn Độ (?), đại diện cho văn hóa phương Tây; cờ Tướng xuất xứ từ Trung Quốc (?), đại diện cho văn hóa phương Đông thì cờ Gánh lại thuần túy của Việt Nam mình. Cờ Gánh, trò chơi yêu thích của một thời thơ ấu nay chẳng thấy mấy ai chơi. Tôi nhớ ngày xưa háo hức biết bao khi học được cách chơi, thậm chí còn bắt cha chơi cùng cả trưa, cả tối mà đâu biết ngày mai cha phải dậy sớm để đi cày ruộng đồng xa. Cờ Gánh được lũ con nít chúng tôi ngày xưa thích chơi bởi nó vừa trí tuệ vừa giải trí; không cầu kỳ trong cách chơi mà rất linh hoạt. Chẳng cần bàn cờ bằng gỗ hay giấy, chỉ cần viên phấn, hòn than hay cái que là vẽ trên sân gạch, nền nhà, bãi đất trống là ra ngay bàn cờ. Quân thì có thể là lá cây, vỏ ốc, bẹ chuối cắt thành ô hay những tờ giấy xé ra… Chơi cờ Gánh đem lại tiếng cười vui vẻ mà không đặt nặng chuyện thắng thua. Hồi ấy, chúng tôi vở đứa nào cũng chi chít những hình bàn cờ Gánh bởi lời thách đố đứa nào vẽ được bàn cờ trong bảy nét. Lời thách đố ấy đến nay vẫn chẳng có ai giải được.

Chẳng ai biết cờ Gánh có xuất xứ từ đâu. Tra google thấy nói từ Quảng Nam. Tôi không khẳng định cũng chẳng dám phủ định. Nhưng có điều chắc chắn nó xuất phát từ miền Trung, bởi cờ Gánh cũng như mảnh đất này là chiếc đòn gánh gánh hai đầu đất nước. Cờ Gánh có 16 quân cờ chia đều cho hai bên. Quân cờ có thể đi thẳng, đi chéo theo đường vẽ trên bàn cờ để tìm những kẽ hở, biến quân đối phương thành quân của mình. Khi một con quân mình lọt giữa, đối trọng hai quân đối thủ được gọi là “gánh”, hai quân cờ ấy sẽ bị thu phục và biến thành quân của mình. Sướng nhất là những lúc gánh đôi hoặc gánh ba ăn được 4 – 6 quân đối phương. Cứ như thế cho đến khi một bên hết quân là kết thúc. Cũng có khi quân cờ còn nhưng bị cô lập ở một góc chết không có đường đi gọi là bị “vây” thì cũng xem như thua. Trò chơi cũng đòi hỏi sự quan sát nhạy bén và tính toán chuẩn xác để đưa đối phương vào thế tàn cuộc.

Bàn cờ Gánh là một hình vuông to ngoài cùng với 2 đường chéo, kẻ thêm mỗi cạnh hình vuông như thế 3 đường thẳng nối nhau; một hình thoi ở trong mà 4 góc là trung điểm của 4 cạnh hình vuông. Bàn cờ Gánh cũng đã thể hiện tính cách thẳng thắn của người miền Trung nói riêng và người Việt Nam nói chung không thích vòng vo tam quốc. Đơn giản là thế nhưng cũng như cờ Vua hay cờ Tướng, cờ Gánh chứa đựng trong đó nhiều nét thâm thúy, sâu xa gợi lên ước vọng của nhân dân ta. Trong bàn cờ không phân biệt vua, hậu, tướng, sĩ, tốt… mà các quân đều di chuyển như nhau, vai trò bình đẳng với nhau. Nó toát lên ước mơ về một xã hội công bằng, hòa hợp. Đó là điều tốt đẹp nhất trong trò chơi dân gian của chúng ta.

Ngày nay, cuộc sống hiện đại với những đòi hỏi ngày càng cao của nhu cầu vật chất khiến con người tất bật chuyện mưu sinh. Lũ trẻ thì đã có nhiều hơn những trò chơi hiện đại từ máy tính, iPhone. Cờ Gánh đã dần đi vào ký ức trong nỗi nhớ miên man những nhọc nhằn, cơ cực ngày xưa. Chiếc đòn gánh cũng đã bám đen bồ hóng, nằm im lìm trên gác bếp mơ về một thuở vàng son…