Sài Gòn ngày 6 tháng 11 năm 2020…

Tôi- cô sinh viên năm nhất đang chênh vênh giữa mảnh đất Sài Gòn. Cuộc sống sinh viên đến với tôi một cách bất ngờ, như một chiếc lá đâm chồi từ khi nào, chỉ biết sáng ra đã thấy rồi. Vào Sài Gòn đã được một tháng, một tháng không dài nhưng đủ để tôi thấm nỗi nhớ nhà, nhớ mảnh đất Tây Nguyên, nỗi nhớ của người con xa xứ. Tôi đã từng ngạc nhiên khi thấy chị tôi ăn bốn bát cơm liền chỉ với món rau luộc và cà đắng chấm mắm mỗi lần ở xa về. Giờ thì tôi không ngạc nhiên nữa, bởi nếu bây giờ có thể tôi sẽ ăn không biét bao nhiêu bát mà kể.

Phở Việt phủ khắp nước Mỹ: Sao phở Sài Gòn được Tây yêu thích? | Du lịch | Thanh Niên

Những con người xa quê khát khao bữa cơm nhà như kẻ du hành khát khao chinh phục mọi mảnh đất. Ở Sài Gòn, cô sinh viên năm nhất chỉ được ăn cơm tiệm, món cơm mà ở nhà thì thèm ra đường thì ngán. Mỗi lần ăn cơm, trong biểu thức sẽ nhớ tới hương vị quen thuộc của bữa cơm nhà, bữa cơm gia đình ấm áp với rộn rã tiếng cười. Vào đây rồi mới nhận ra mảnh đất tôi từng sống đẹp đến nhường nào, đẹp từ cảnh vật đến con người , khiến lòng tôi thấy thương thấy nhớ. Con người ta có thể đọc những câu chuyện, xem những thước phim để thấy được nỗi nhớ nhà nhưng chỉ khi xa nhà thật sự họ mới “cảm” được rõ ràng điều đó. Có những ngày, một mình đi loanh quanh khu phố tôi thấy mình như lạc lõng. Giờ đây âm thanh máy nổ , âm thanh máy cày tôi đã không được nghe nữa, chỉ có âm thanh của những dòng xe vội vã , âm thanh của thành phố. Từ ngày lên Sài Gòn, tôi chưa từng nhắc hay gọi tên chữ “nhà”, bởi tôi biết một chữ nhà hoàn toàn có thể phá vỡ lớp vỏ kiên cường của tôi.

Có những người xa quê 1 năm, 2 năm, 3 năm , thậm chí là cả đời, họ sống và làm việc trên mảnh đất khác, nhưng vào những khoảnh khắc quan trọng của mình, họ vẫn muốn về nhà. Lại có những cô cậu sinh viên như tôi, xa nhà mới một tháng đã tưởng chừng mình không thể tiếp tục nữa, không thể ở chốn xa lạ này nữa. Chúng ta, dù là già hay trẻ, dù là trai hay gái, đều có một nỗi nhớ da diết với quê hương, đều có niềm khát khao về bữa cơm nhà. Ai đó hỏi tôi nhớ nhà là cảm giác như thế nào?

“ Ừ, nó là cảm giác như thế nào nhỉ?” Đôi khi nó thường trực trong tâm trí, có lúc nó ẩn sâu làm ta cứ ngỡ rằng bộn bề cuộc sống đã khiến ta không còn cảm giác ấy nữa, để rồi là một lúc bất chợt nào đó , trên chuyến xe buýt, trên con đường tới trường, hay vào lúc trời bỗng dưng đổ mưa, cảm giác đó lại bừng lên chiếm lấy tâm trí ta. Nhớ nhà là thế nào nhỉ? Tôi không biết. Chỉ biết trong số tất cả những cái áo mang theo, tôi không dám mặc hết, tôi để dành lại một cái để vào những giây phút mệt, yếu lòng tôi mang nó ra để ngửi lấy cái mùi hương thân quen của quê nhà, để có được cảm giác thân thuộc. Tôi chỉ biết khi vô tình nghe giọng nói quen thuộc là tôi mừng như phát điên.

Tôi chỉ biết khi nghe người bán hàng rong rao “ khoai lang Đăk Lắk đây, khoai lang nóng hổi đây” là tôi vội vàng mua dù tôi không thích ăn là mấy. Khi uống tách cà phê, hình ảnh những nương rẫy cà phê bạc ngàn, hình ảnh chất phác của những người lao động quê tôi vào mùa thu hoạch hiện lên, liệu đấy có phải là nhớ nhà? Nhớ nhà là thế nào nhỉ? Thật khó hiểu quá. Cô sinh viên như tôi, biết gì? Sài Gòn dạy tôi nhiều điều lắm. Sài Gòn dạy tôi biết trân trọng gia đình, nhà là tổ ấm quý giá nhất của mỗi người. Sài Gòn dạy tôi biết kiên cường, Nếu không tôi sẽ bị Sài Gòn “ nuốt chửng” .

Sài Gòn dạy tôi biết trân trọng, trân trọng những người từ nhiều vùng đất khác nhau, những người giúp đỡ tôi, dù có thể tôi chẳng bao giờ gặp lại họ. Sài Gòn dạy tôi biết cô đơn, Không biết khi nào nỗi nhớ nhà mới vơi đi, chỉ biết tôi nôn Tết lắm rồi, Tết đến nhanh để tôi còn được về Đắk Lắk, về với bữa cơm gia đình mà tôi thèm cả tháng nay, về Đắk Lắk để tôi được ăn cà đắng, ăn tô bún đỏ. Có ai về Đắk Lắk, cho tôi gửi nỗi nhớ này với, gửi đến mảnh đất tôi yêu thương, những người tôi yêu thương. Hay có ai ở Đắk Lắk vào Sài Gòn, cho tôi được chịu ơn, mang giúp tôi chén cơm nhà, có cà đắng, có mắm nêm, mang giúp tôi tách cà phê Ban Mê;

Làm ơn cho tôi được ôm bạn, được ngửi hương hoa cà phê của quê chúng ta; Hãy nói với tôi vài câu, kể tôi nghe chuyện của quê nhà. Tôi yêu Đăk Lăk!