Có những thứ đã quen thuộc trong quá khứ rồi một ngày bất chợt nó đến bên bạn. Lúc ấy như một phản xạ của tâm hồn. Trong lòng người lại ngập tràn bao nỗi nhớ. “Bánh mì đi, năm ngàn ba chiếc” – một người phụ nữ trạc tuổi tứ tuần lai những sọt bánh mì và luôn miệng rao to. Tôi nhoẻn miệng cười “a! bánh mì mẹ mua”. Để rồi bỗng thấy nhớ mẹ, nhớ quê và nhớ tuổi thơ da diết.
Khi con người ta nhớ, là lúc mà mọi kứ ức ùa về. Thứ nỗi nhớ ấy thật khó mà tách biệt được, nó bao chùm, nó đa chiều. Và kết hợp tất cả các giác quan của con người. Dường như tôi cảm nhận được vị bùi bùi, tôi ngửi thấy mùi thơm của bánh mì, tôi thấy nụ cười của mẹ, ánh mắt trìu mến của cha. Nơi sống mũi cay cay và những vệt nước trên khóe mắt, tâm hồn bỗng trở nên nhung nhớ, vấn vương. Còn con tim trở nên vồn vã hơn bao giờ hết.
“A! mẹ về” tiếng reo rất đỗi quen thuộc của mỗi đứa trẻ. Trong đó có tôi và em tôi. Lúc ấy ánh mắt của mỗi đứa như sáng rực lên, cái nhìn đầy vui sướng và hồn nhiên của trẻ con. Giờ tôi mới hiểu, vì hồi ấy chúng tôi còn nhỏ nên chưa hiểu được nỗi nhọc nhằn, vất vả của cha mẹ, cho nên chúng tôi mới vui sướng đến thế. Chúng tôi đâu biết, cha đã phải vất vả như thế nào để chăn đàn vịt trong những ngày hè oi ả, những ngày đông lạnh tê tái hay những ngày mưa,…. Mỗi sớm, khi mà chúng tôi vẫn say giấc nồng thì mẹ đã kẽo kẹt chiếc quang gánh trên vai, và đi bộ vài cây số lên trên chợ thị xã để bán trứng vịt. Chúng tôi thích ăn bánh mì và mẹ hay mua bánh mì. Chẳng thế mà cứ mỗi lần mẹ đi chợ Thị xã là chúng tôi lại háo hức vô cùng.
Cứ mười hai giờ trưa là tiếng chuông nhà thờ lại điểm lên vang động cả một khoảng không mênh mông. Chúng tôi lại rủ nhau men theo con đường nhỏ chạy thật nhanh tiến về phía con đường tỉnh lộ để nhìn xem thấy bóng dáng gầy gầy của mẹ tôi đâu không. Và mỗi lần nhìn thấy mẹ là chúng tôi vui sướng reo lên “a! mẹ kìa”, rồi ùa đến bên mẹ và bắt đầu lục lọi những thứ mẹ mua. Có khi chẳng biết mẹ đang mệt, chúng tôi còn ngồi vào trong thúng để mẹ gánh về. Và lại càng vô tâm hơn khi mà trứng thì ế và mẹ không mang về những chiếc bánh mì, mặc dù mẹ đã nói “mẹ về muộn và bánh mì đã hết”. Nhưng chúng tôi vẫn tỏ thái độ hỗn xược. Chúng tôi rơm rớm nước mắt cho rằng mẹ nói dối, lẳng lặng đi về nhà và còn không thèm ăn cơm. Sự thất vọng của trẻ con cũng làm người lớn phiền lòng lắm mặc dù người lớn hiểu “trẻ con giận sẽ mau quên”.
Giờ đây khi đã khôn lớn tôi hiểu rằng có lẽ lúc ấy chúng tôi buồn một thì mẹ phải buồn gấp mười lần chúng tôi. Cũng giống như những lần tôi quên không mua kẹo cho mấy đứa cháu tôi, nhìn vào ánh mắt của chúng tôi thấy mình hối hận và có lỗi vô cùng. Nhưng trách sao được trẻ con, thế mới là trẻ con có trách là trách người lớn chúng ta không biết chiều lòng trẻ con. Tôi cười và thở phào nhẹ nhõm, một cảm giác bình yên và đầy niềm tin rằng tôi sẽ không bao giờ quên mua quà cho chúng nữa.
Tôi đã trưởng thành, đi làm và kiếm tiền, tôi có thể mua những chiếc bánh mì xa xỉ hơn, đắt và nổi tiếng hơn. Nhưng không, tôi vẫn chỉ thích lựa chọn loại bánh mì mà ngày ấy mẹ mua một ngàn được tận ba chiếc mà vẫn kêu đắt thôi. Chẳng phải vì chúng thơm ngon hơn những loại bánh mì khác mà vì tôi muốn mua cho thỏa sức, cho đã đầy cái sự thèm khát của tuổi thơ. Và vì rằng đồ ăn có ngon hay không là do sự cảm nhận của người thưởng thức. Với tôi, mỗi khi ăn loại bánh mì ấy, tôi lại thấy con đường nho nhỏ, hai bên cỏ mọc xanh rì và những bụi tre, dày dặn, nhìn thấy mẹ giọt mồ hôi lấm tấm trên mặt mà nụ cười vẫn rạng ngời khi nhìn chúng tôi ăn. Chỉ là những chiếc bánh mì thôi, nhưng mà thấy nhớ mái nhà tranh đơn sơ, nhớ con đường nhỏ thân quen, nhớ cha, nhớ mẹ vô cùng. Đúng như những câu thơ quen thuộc đã được phổ nhạc thành bài hát mà không ai là không biết “Quê hương mỗi người chỉ một. Như là chỉ một mẹ thôi. Quê hương nếu ai không nhớ. Sẽ không lớn nổi thành người”.