Đài báo đêm nay và ngày mai bão đổ bộ vào đất liền. Bố nhanh chóng làm công tác chuẩn bị quen thuộc. Cơn bão đầu mùa, cơn bão đầu của mùa hè năm ấy. Quê tôi là vùng ven biển nên mọi người đã quen thuộc với việc chuẩn bị đồ, leo lên mái nhà chèn lại gạch ngói cẩn thẩn. Mấy miếng bờ rô ở gác bếp được cũng được bố chèn. Mới vụ bão năm ngoái, gió thổi bay hai miếng bờ rô, dù bố đã chèn cẩn thận. Xong xuôi, bố lại lấy cây luồng ở gác bếp lên để chuẩn bị chèn cửa. Gió bão mạnh, giật cấp độ lớn nếu cửa không được chèn cẩn thận nó thổi bay cả cửa. Các bác trong xóm cũng thế, nhanh chóng tỉa cây. Những tán cây rộng và mát được chặt bớt, cành vươn xa vươn dài cũng bị tỉa đi. Những lốc vùng tâm bão có thể quấn cả cây, bật gốc cây. Có lần mấy bác bị cây đổ vào người bị thương.

Cả làng mọi người tranh thủ gặt lúa mang về nhà. Lúa chín kịp mang về nhà. Có mấy chỗ lúa vẫn còn chưa chín hẳn, chỉ kịp vào mẩy, cũng được bà con gặt vội mang về nhà. Bão vào mùa chưa kịp gặt thì lúa đổ rạp hết cánh đồng. Nước mưa nhiều, có khi hỏng hết cả lúa. Bà con chỉ ngậm ngùi vì mất mùa. Vậy nên để an toàn, tất cả sẽ thu hoạch sớm. Sau đó, các bà các mẹ sẽ chuẩn bị lương thực, đồ ăn trong một hai ngày bão. Thời đó, không có nhiều hàng tạp hóa, những đồ ăn sẵn như bây giờ. Nếu chuẩn bị được, thì bà, mẹ làm sẵn một nồi cá kho đất, có thể ăn trong mấy ngày, một ít miến khô, một ít mì tôm miliket yêu thích của chúng tôi. Một ít dầu thắp khi mất điện. Bão đến, là chúng tôi bị cắt điện luôn. Quá nhiều người thiệt hại vì những đường dây điện hư hỏng sau cơn bão, rồi trong cơn bão. Điện thì thường xuyên hỏng nên cắt điện là bắt buộc trong việc chống bão. Sau khi bão đi chừng một tuần thì điện mới có lại được.

1001 bài thơ kỷ niệm tuổi thơ, viết về những trò chơi ngày xưa | IINI Blog

Ngoài thu hoạch lúa, mọi người cũng thu hoạch hết những cây cỏ hoa lá trong vườn. Cá trong ao được khoanh vùng vào lưới, đảm bảo an toàn khi nước mưa lớn, ngập hết ao hồ.

Bão vào đất liền thường là vào buổi đêm, khi chúng tôi vẫn đang chìm trong giấc ngủ bỗng tỉnh giấc. Gió rít mạnh, gào xé trong đêm. Nghe tiếng gió, chị em tôi ôm chặt nhau, tưởng tượng ra một con quái xé đang truy lùng vật gì đó trong khu làng chúng tôi. Một hồi gió, tiếp đến là mưa. Mưa lớn, nặng hạt dần, nghe tiếng hạt mưa lộp độp trên mái nhà mà không biết chừng nào có thể thủng được mái nhà. Tiếng sấm chớp rạch, sét nổ đoàng đoàng, như xé tan bầu trời. qNằm một lúc thì có khi mái nhà bị dột, bố chuyển chỗ cho chị em chúng tôi ra chỗ an toàn hơn.

Sáng ngủ dậy, bão vẫn chưa có yếu tố suy giảm. Chị em tôi, đứng cạnh cây luồng, nhìn qua ô cửa kính thì thấy cây cối cứ đổ ngả, đổ nghiêng mọi hướng. Bố bảo đang là tâm bão rồi đấy, cứ khi gió thổi vòng tròn kiểu như lốc thế ấy là cơn bão. Chừng khoảng một ngày sau bão mới có thể tan được. Quá quen thuộc rồi, nên người dân quê tôi ai cũng như bố, có thể ước lượng được từng thời điểm của cơn bão. Đáng sợ là như vậy, nhưng chị em tôi vẫn vui lắm. Điều đầu tiên là chúng tôi được nghỉ học. Được ở trong nhà, bố đã chốt cửa, chặn cửa cẩn thận cảm giác bình an. Điều quan trọng nhất là có cả bố mẹ đều ở nhà cùng chúng tôi. Quê tôi lam lũ, bố mẹ bình thường đi làm cả ngày, có khi cả đêm, đâu dành thời gian chăm sóc con được. Ở nhà, bố mẹ bắt đầu cho gọn đồ đạc, bàn ghế, tủ kệ vào để khoảng không gian để phơi thóc trong nhà. Chị em tôi được nghịch thóc, thích nhưng ngứa ngấy khắp người. Bố mẹ la mắng, nhưng chẳng thể ngăn được chúng tôi. Mùi còn chưa kịp khô, thơm thơm mùi lúa chín cảm giác thật dễ chịu. Đến trưa, gió vẫn mạnh, mưa vẫn lớn, chúng tôi được ăn cốm. Bố gặt lúa tranh thủ gặt những bông lúa non về để lúc này bố giã rồi rang lên cho chúng tôi. Những mẻ cốm non, thơm phức, giòn tan đủ khiến chúng tôi quên đi những tiếng hầm rú ngoài kia. Xong xuôi, chúng tôi lại được ngủ cùng bố mẹ khi trời tối sụp. Chúng tôi được ngủ thỏa thê, không cần dậy sớm để làm việc, để đi học như mọi khi . Chị em tôi cứ nghĩ đây là những ngày nghỉ, ngày hưởng thụ hạnh phúc nhỏ của mình ấy.

Bão tan , mấy đám mây âm u giăng kín bầu trời trở nên thưa hơn, nhường chỗ cho chút mây xanh, mây trắng. Bão như cuốn đi tất cả. Cây cối đổ ngả nghiêng khắp nơi, lá rụng khắp đường. Con kênh trước cửa nhà tôi mới hôm trước cạn khô thì ngập phủng nước. Bên sông thì mấy cây chuối của bác hàng xóm đổ tan tành. Mọi người đổ xô ra đường nghe ngóng những thiệt hại của nhau. Nghe nói đầu làng có mấy nhà bị bay nóc nhà, ướt hết nhà cửa. Mấy nhà chưa kịp gặt thì lúa ngập phủng hết rồi. Ao cá trong làng cũng bị mất nhiều cá. Mấy bác bị chết mấy con gà, con vịt thì tiếc ngẩn tiếc ngơ. Bà thì mất cả vườn rau vừa lên. Bình thường chẳng dám mổ con gà con vịt ăn.Đường làng thì lớp nhớp bùn đất, mưa nhiều đường trơ lên toàn đá, những viên đá nhỏ. May mắn là lần bão này không ai làm sao. Khi chúng tôi trở lại lớp học thì có những buổi lao động dọn dẹp cành cây trên sân trường, quét lá rụng. Đúng kiểu như tan tác chim muông, nhưng chúng tôi đứa nào cũng vui, vì không phải học buổi hôm ấy.

Mùa bão đi qua, bà con thêm bao phiền muộn, tiếc nuối. Thế nhưng chưa dừng ở đấy, bão số một vừa qua, bão số hai lại tới. Chúng tôi liên tiếp ứng phó với các cơn bão. Lâu dần thành quen, ai cũng thấy may mắn khi không có quá nhiều thiệt hại đáng tiếc như miền Trung, miền Nam Bộ. Chúng tôi trở nên bền bỉ hơn, vững chãi hơn. Đi qua những mùa bão, mới thấy trân trọng tình làng nghĩa xóm, khi cùng nhau chung sức khắc phục những hậu quả của nó. Giờ đây quê tôi, bão không còn nhiều thiệt hại nữa, những mái nhà tranh vách đất được thay bởi những căn nhà kiên cố. Những cánh đồng nhanh chóng thu hoạch nhờ những máy móc tốt nhất, nhanh nhất. Nên những kí ức về nỗi thấp thỏm, lo âu, sợ hãi cũng nhưng những niềm vui nhỏ của chúng tôi mùa bão càng trở nên đáng quý hơn.