Những ngày đông giá lạnh. Lũ học trò nhỏ ôm cặp sách đi qua đường làng. Chui dưới những cây ngô, luồn qua bờ đê tới trường. Những cơn gió lạnh tê tái cứ thế bám vào da, vào mắt, môi mấy đứa. Sương muối đọng trên mi mắt. Thời tiết mùa này quả là sợ. Lúc đồng hồ báo thức kêu inh ỏi thì chiếc chăn cũng chưa ủ ấm nổi một đêm đông dài. Lò củi vẫn ấm bên cạnh mà sao thấy buốt giá tự trong người buốt ra. Ba mẹ dậy sớm, lụi cụi chăm cho đàn lợn, con gà rồi vác cuốc ra đồng.

Tám chín giờ sáng, sương vẫn còn mịt mù trên các đỉnh núi. Lũ trò nhỏ đã yên vị trên ghế nhà trường. Khi tiếng trống báo hiệu giờ ra chơi vang lên, không phải là bước chân ào ào mà là từng tốp nối nhau lặng lẽ, ngồi trước lan can cửa lớp trao đổi bài học. Vài đứa xòe bàn tay trước miệng, thổi phù phù rồi áp lên má.

Mùa đông nơi quê tôi, tranh thủ những buổi chiều nghỉ học, chúng tôi dong bò vào rừng. Những con bò được tung tăng trên đám cỏ. Không khí mùa đông ảm đạm. Khi lũ bò đã yên vị trí, chúng tôi chui vào rừng hái quả và cây ngấy để ăn. Cây ngấy là cây mọc hoang trong rừng, từng ngọn cây non mọc dài, xanh biếc. Mấy đứa chăn bò chui dưới gốc đầy gai, nhón tay hái mấy cái ngọn dài cỡ nửa mét. Xong rồi tước lớp vỏ bên ngoài. Phía trong lộ ra một màu xanh non mơn mởn. Đưa miệng cắn một miếng. Vị ngọt lành lan tỏa nơi đầu lưỡi.

Khí hậu Nhật Bản như thế nào? Có gì khác biệt so với khí hậu Việt Nam?

Khi những cây ngấy bắt đầu già, chúng sẽ bói quả. Quả ngấy kết thành chùm, nhỏ xinh, hạt tròn be bé như những cái trứng của con cá hồi, màu vàng cam căng mọng nhìn thật đã mắt. Một cây ngấy kết bao nhiêu là chùm quả, treo lủng lẳng phía trên cao. Chúng tôi lấy cây dài, buộc thêm một chiếc vợt nho nhỏ rồi cứ thế hứng cho quả rớt xuống. Ăn quả ngấy có vị ngọt thanh mát, dìu dịu. Nhưng mỗi quả chỉ bé bằng đầu ngón tay út nên chẳng biết ăn bao nhiêu cho vừa.

Những buổi chăn bò trên rẻo cao trở nên ấm áp hơn bởi trước lúc đi mỗi đứa đều mang một cuộn rơm nho nhỏ, bện chặt. Tới nơi thì nhặt củi gom vào và đốt lên sưởi. Những hạt dẻ còn sót lại trong rừng được gom lại, nướng lên thơm phưng phức. Đứa cắn, đứa bóc, thi nhau cho vào miệng. Mùi thơm bùi bùi của hạt dẻ cuối mùa thấm trên đầu lưỡi. Mùa đông vì thế ngọt ngào và bớt lạnh giá đi.

Khi chiều tà đổ xuống, những vờn khói bếp từ những ngôi nhà sàn trên bản bay lòng vòng hướng về phía trên núi thì chúng tôi cũng rủ nhau dong bò về nhà. Cơn lạnh ập đến một cách nhanh chóng. Những con bò ăn no nê cặm cụi đi theo con đường mòn sườn núi, theo đúng nhà để trở về. Chúng tôi khoác tay nhau, mỗi đứa, đi dàn hàng san sát cho ấm.

Những đứa trẻ bàn tán về thời gian nghỉ học sắp tới. Sẽ cùng nhau đi một vòng, nhà nọ đến nhà kia để chúc Tết. Hẹn nhau gom kẹo Tết để mỗi sáng đi học lại chia nhau ngậm tới trường để đỡ bớt đi giá lạnh mùa đông.

Nghe nói mùa đông năm nay kéo dài và buốt giá hơn mọi năm. Chúng tôi thương những con trâu, con bò đứng run cầm cập trong chuồng. Gió bấc trút từng cơn giận dữ lên mái tranh xiêu vẹo. Bố mẹ phải dồn thêm rơm, ủ thêm một ít trấu, hun khói để bớt muỗi và sưởi ấm cho đàn gia súc trong nhà.

Chắc trời sẽ nắng ấm lên trong nay mai, để nụ đào nở bung trong những ngày Tết, để lũ trẻ quê được cùng  nhau ngồi xúm xít, chia nhau từng viên kẹo, kể chuyện ấm áp thường ngày…/.