Trên chuyến đò xuôi về Vĩnh Thuận, Kiên Giang những ngày giáp Tết Ất Hợi năm 1995, đứa trẻ lên năm khi ấy hễ có ai hỏi là miệng thuộc lòng câu đáp: “Con về nhà ngoại ở xã Tây Yên, sông Cái Lớn”. Đó là ký ức xa nhất về cái Tết đầu tiên mà tôi còn nhớ rõ.

Ngày đó vùng U Minh Thượng chưa có điện, ngay cả dầu lửa để thắp đèn cũng không phải dễ mua, phải đốt củi tràm để lấy sáng. Vốn là vùng đất chua phèn, chằng chịt kênh rạch, ngoài những thứ tạo hóa ban tặng thì những thứ khác phụ thuộc vào ghe hàng. Tết của xứ này cũng nhờ đó mà trở nên đặc biệt.

Chiếc ghe trông nhỏ mà đầy đủ nhu yếu phẩm, xăng dầu, thuốc tây và nhiều loại hàng hóa khác, giống như một tiệm tạp hóa đúng nghĩa trên bờ đất. Đám con nít vùng sâu mong ghe hàng dịp Tết để có được bịch đá bọc, cây kem chuối, đứa nào con nhà khá khẩm hơn thì được một cây cà rem trắng muốt, hít hà cái lạnh trong sự thèm thuồng của lũ con nhà nghèo. Phần người lớn, họ trông ghe để có miếng thịt và chục hột vịt, cho ba bữa Tết có nồi thịt kho tàu cúng tổ tiên. Chủ ghe là người có trí nhớ tốt, biết nhà nào cần gì, gặp khách hàng là cô dâu trẻ, chủ ghe gợi ý hột vịt phải kho thế nào cho cứng, cho giòn, thịt phải kho nước dừa cho thơm cho béo. Những ngày cận Tết, chủ ghe cho thêm củ khoai, miếng dầu cù là, mớ dây thun thậm chí cho không chút dầu lửa đủ để đêm Ba mươi thắp đèn bàn thờ tổ. Năm đó, ngày nào tôi cũng theo chân ngoại xuống coi ghe hàng buôn bán, thuộc luôn những câu chào mời và tiếng cười hề giòn tai của chủ ghe khi có ai xin mua thiếu. Lớn lên mới biết, đó là nụ cười hào sảng của người quanh năm trên sông nước, lòng dạ cũng rộng như sông.

Nghề trồng hoa kiểng, lắm nỗi nhọc nhằn - Vĩnh Long Online

Nhưng ghe hàng không đặc biệt bằng ghe kiểng. Ở xứ này, vốn dĩ Tết về từ sông nên khi thấp thoáng chiếc ghe đủ sắc màu bồng bềnh trên con nước, cộng với gió chướng từ sông thổi thốc tháo vào nhà, ngay cả lũ trẻ cũng biết rằng mình sắp được ăn Tết.

Bà con xứ U Minh Thượng dù một năm thất bát cũng phải có chậu cây, chậu bông trước nhà. Trang trí cho nhà cũng quan trọng như người chưng diện. Trước là trang hoàng nhà cửa cho sạch đẹp, sau là tươm tất từ trong ra ngoài để Tết còn rước ông bà. Đất này giàu cá tôm, nhưng trồng cây đẹp bông thơm thì lại khó, phải nhờ miệt trên chở xuống. Vừa may, những ghe kiểng ngược theo sông, theo rạch mà tới, con sông, con rạch tròn một năm chở nặng phù sa, nay mang Tết về trên những chiếc ghe chở đầy hoa nương theo con nước. Có lẽ vì biết chốn này người dân cũng không khá hơn là mấy, ghe kiểng ngày đó phần nhiều là bông Vạn Thọ. Vạn Thọ có chậu vàng chanh như màu nắng non, có chậu vàng màu vàng của cây lúa chín. Bà con khi ấy còn nghèo, nhiều nhà không chưng Mai, bởi Mai mắc tiền nhưng Vạn thọ thì nhà nào cũng có, đó là loại hoa khiến Tết của nhà nhà đều như nhau. Đêm Ba mươi, trong cái se lạnh của thời khắc giao thừa và sắc hoa Vạn thọ, ông bà ngoại vặn ngọn đèn dầu cho cao lửa, đốt nén nhang bên bàn thờ Gia tiên cầu cho cháu con được khỏe mạnh. Sáng hôm sau, trên mảnh đất bao đời sống bằng sự thơm thảo của đất trời, một năm mới, đầm ấm lại bắt đầu.

Tết của hai mươi lăm năm sau, vùng đất “khỉ ho cò gáy” đã có cầu Cái Bé, Cái Lớn nối liền thị xã. Xứ U Minh Thượng vẫn hiền hoà cây trái và bát ngát ruộng đồng nhưng đường nhựa thì đã vào tận ngõ. Chợ cách nhà không xa, việc mua những thứ cần thiết cho ba ngày Tết cũng trở nên thuận lợi. Ghe hàng, ghe kiểng từ dạo ấy không đậu ở khúc sông này nữa, vì con đường bê tông đã làm cả xóm quay mặt theo nó, để sông lại phía đằng lưng. Từ dưới sông nhìn lên chỉ thấy những ngôi nhà kiên cố với bờ tường cao vách, những cửa sau ít khi nào để ngỏ như khép lại quá khứ nhọc nhằn của vùng miệt thứ.

Những vui buồn khởi nguồn từ sông quê dài như chiều dài của con sông, con kênh, con rạch nơi này cộng lại. Đó là chiều dài của nỗi nhớ trong bất kỳ ai nặng lòng với những ngày Tết cũ. Đứa trẻ năm ấy còn nhớ mãi hình ảnh những chiếc ghe hàng, ghe kiểng dù ở miệt nào cũng được bà con xứ này đùm bọc, chủ ghe chỉ cần nói một tiếng là được chủ nhà rộng lòng nhón chỗ đậu để tiện việc bán mua. Kẻ dưới nước, người trên bờ, cái Tết năm đó cùng áo bạc màu, da sạm nắng, thậm chí giống luôn cả cái cười toả nắng, ngọt vị tình người.