Ngày còn thơ bé, mãi đi chơi nên không về ăn cơm với gia đình, ai cũng bị mẹ bắt ép ngồi ăn, còn phụng phịu không chịu ăn. Đến tuổi dậy thì, những bữa tiệc tùng với bạn bè, những buổi học thêm chán chường, đã khiến cơm nhà như vơi bớt dần, mẹ xới nồi cơm ú ụ lẩm bẩm nấu cho rồi chả ai ăn. Đến khi lên đại học, mải mê với cuộc-sống-tự-lập, mới lại quên nhớ về bữa cơm nhà không còn đầy đủ các thành viên. Cứ thế, rồi lao theo vòng xoáy cơm áo gạo tiền, đôi khi chỉ ăn mì gói cho qua bữa để kịp chạy tiến độ công việc. Lúc đó ta mới biết, mâm cơm gia đình, đâu phải chỉ là bữa cơm ăn. Hơn cả no bụng, là no trong lòng.

Bữa cơm mỗi gia đình mỗi khác nhau nhưng tùy theo nơi họ sống, sẽ có một chút tương đồng về các món và cách nấu cũng như gia vị.

Ở miền Bắc chú trọng thức ăn vị chua thanh mát của me, của sấu, ăn nhàn nhạt. Những món ăn miền Bắc nổi tiếng, mang đậm hương vị miền Bắc như bánh cuốn Thanh Trì, bún đậu mắm tôm, phở Hà Nội, chả cá Lã Vọng, bún chả, bún ốc… Mâm cơm hàng ngày ở miền Bắc thường có nhiều rau, cà pháo, những món ăn thanh đạm nhưng được chế biến cầu kỳ, tinh xảo, như nếp sống của người miền Bắc vậy. Đặc biệt là vào ngày Tết, mâm cỗ của miền Bắc lại càng được chú trọng hơn. Bày bốn bát, bốn dĩa tượng trưng cho tứ trụ, đôi khi số lượng còn là sáu hay tám, tượng trưng cho năm mới phát tài phát lộc, mâm cỗ miền Bắc đôi khi cao đến hai, ba tầng. Ngoài bánh chưng đặc trưng ra, người Bắc còn cúng dưa hành, xôi gấc, thịt đông, nem rán, chân giò hầm măng lưỡi, bóng thả, nấm thả… mỗi một món đều tinh tế, khéo léo và kỳ công.

Mâm cơm gia đình mang dáng hình đất nước của bà nội trợ đảm - MVietQ

Miền Trung với những bún thang, bún bò Huế, cơm niêu, mì Quảng, cao lầu, bánh xèo… được nêm nếm đậm đà, cay nồng, màu sắc mộc mạc, giản dị. Những mâm cơm miền Trung thường ăn với rau sống, các loại mắm và tiêu tỏi gừng ớt là những gia vị không thể thiếu. Vào ngày Tết, người dân miền Trung thường ăn bánh tét, bánh thuẫn, nem chua, thịt ngâm mắm, giò thủ, tré… mỗi món đều được đặt trong dĩa nhỏ thể hiện sự chắt chiu, san sẻ. Bày lên mâm cúng xong, người dân miền Trung sẽ ngồi vào bàn cùng cả gia đình ăn bữa cơm tân niên và chúc nhau những điều tốt lành. Món ăn miền Trung đậm đà, dậy vị, thể hiện đúng tinh thần của con người miền Trung: chân chất, chan chứa tình người. Dù khó khăn về hoàn cảnh sống do khí hậu khắc nghiệthơn nhiều nơi khác, nhưng người dân miền Trung vẫn giữ một tấm lòng ấm áp và sự lạc quan.

Đến với miền Nam, người ta lại nhớ đến cái vị béo béo, ngọt ngọt của những món ăn đặc trưng. Những bún gỏi dà, gỏi cuốn, nem Lai Vung, khô cá sặc, mắm cá linh… làm bất kì người nào ăn rồi vẫn không thể nào quên được. Miền Nam ăn thiên về vị ngọt, cái gì cũng ngọt, canh chua cũng nêm sao cho ngọt ngào đậm vị mới “đúng bài”. Bữa cơm gia đình miền Nam cũng giống như miền Bắc và miền Trung với hai món mặn một món canh, đầy đủ dinh dưỡng. Vào ngày Tết, người miền Nam bày cúng khổ qua dồn thịt cho những khổ cực ở năm cũ qua đi, thịt kho trứng với thịt vuông trứng tròn tượng trưng cho trời đất vẹn toàn, mâm ngũ quả và lời cầu mong cầu vừa đủ xài sung, bánh tét, dưa hành dưa kiệu ,con gà luộc, đôi bưởi hoặc dưa hấu cho một năm may mắn… Từng món ăn như chứa chan sự ngọt ngào, thật thà của người dân nơi đây. Nếu đã từng là khách của một gia đình miền Nam, ắt hẳn bạn sẽ ấn tượng với sự hiếu khách của những người tuy có thể xa lạ nhưng vô cùng nhiệt tình này.

Mỗi một món ăn trên mâm cơm, đều có một ý nghĩa riêng, một câu chuyện riêng, một tâm tư riêng. Người nấu ăn đã phải vất vả, dồn hết tâm sức vào món ăn để cho ra hương vị thơm ngon nhất. Cho nên, còn chần chờ gì nữa mà không về nhà, ăn sạch nồi cơm và dùng những lời khen tuyệt vời nhất cho món ăn của cha mẹ nào! Vì mỗi món ăn, là một tấm lòng. Vì mỗi bữa ăn đầy đủ thành viên là niềm hạnh phúc.