Tôi bị choáng trước những gì diễn ra trước mắt. Quá nhanh, chí ít là nhanh đến nỗi tôi không mường tượng sẽ xảy ra chuyện này. Sao không đợi mở một cuộc họp, biện giải đầy đủ lý do rồi quyết cũng nên!? Hề hấn gì, mấy cây đa, cây đề trong trường còn chưa lên tiếng, mình chân ướt chân ráo mới bảy năm hơn. Thấm. Nhức. Góc đứng từ lầu hai, thấm đậm mọi tan vỡ khi từng nhánh cây bị hạ, từng cánh hoa rơi rơi. Tưởng đó là máu con tim, tưởng đó là da thịt mình đang bị cứa. Tình cảnh của tôi cho tôi cảm nhận điều đó rõ hơn ai hết. “Dạn dĩ lên chứ anh! Mấy năm đâu mà?”, lời trong gió cuốn tôi trôi.

Cầm quyết định trên tay, hớn hở trình diện nhận nhiệm sở, làm tôi như quên hết mọi cảnh sắc quanh mình. Em cứ ríu ra ríu rít “Hồi hộp quá anh!”, rồi thụt lùi phía sau, đẩy tôi lên trước. Những lúc như vậy, phản xạ tự nhiên, tôi giảm tốc độ, chầm chậm, chờ em “Anh nghĩ ai lần đầu đi nhận việc cũng vầy hà em, đâu phải riêng hai đứa mình….hít thở thật sâu sẽ bớt lo âu…nha nha”, nói rồi hai đứa cùng một hai ba hít thở sâu và phì cười bỏ cái nắng đeo đẳng rớt lại phía sau, khi lọt thỏm vào tán lá.

 

Mùa hoa phượng - Báo Long An Online

Không ít lần, hai đứa đi bên nhau dưới tán lá như thế. Sân trường đại học có nhiều cây cổ thụ, tán lá xòe rộng đến mấy chục mét, nhưng tuyệt nhiên, hổng lần nào hai đứa dám nắm tay nhau. Mắc cỡ, ngượng nghịu sao ấy! Dù năm ba, năm tư cũng vậy. Năm nhất lên thành, tân sinh viên không dám nhìn quanh nhìn quất, chỉ chăm chú đường đi, đến giảng đường, căng tin, rồi về ký túc xá. Thi thoảng, ra sân đá banh cùng nhóm bạn. Cuối năm nhất mới bị chết chìm trong mắt em. Rồi ngụp lặn mãi, gỡ không ra. Bạo dạn, anh tập làm thơ, đọc lên lần nào em cũng ngượng ngùng nem nép:

Bữa vội vàng mưa lấp chân mưa
Anh luống cuống dừng xe lau tóc
Mùi hương thoảng như ngây như ngốc
Chạm khẽ khàng gió hắt lưa thưa.
Hỏi tên chi – thèn thẹn em cười
Vấp cả đời bơi bờ môi thắm
Nhìn thật sâu, thật lâu, thật đắm
Lặn chìm trong đáy mắt vàng thu

Lúc đầu, ánh mắt làm quen trước khi cất lời. Sau mới biết cùng khóa, khác ngành. Chẳng hò chẳng hẹn mà gặp nhau luôn, nhiều nhất là ở thư viện trường, kế đến là vườn bàng, căng tin. Đến giữa năm hai thì dính như sam. Hùn nhau ngồi chung miếng cao su ôn bài vở, hỏi han bâng quơ chuyện này chuyện nọ mà mến nhau, thích nhau rồi ngầm yêu, thiệt yêu lúc nào hông hay. Cơn mưa cuối mùa làm bối rối cánh sinh viên vườn bàng, cuống cuồng cuốn vải bạt, cao su, dụng cụ học hối hả chạy. Tôi và em cũng thế, dọn dẹp vừa xong, thì tay nắm tay, tự nhiên, chạy mưa dưới tán lá. Thời đó, sinh viên nghèo vô tư đạp xe đạp rong ruổi khắp nẻo đường thành phố. Tôi và em đèo nhau không thiếu ngõ ngách nào, cốt sưu tầm mấy món ăn vỉa hè ngon, bổ, rẻ, vừa túi tiền – em thích thế! Cuối tuần thì tìm vườn cây trái ngoại thành chui vô ăn bao bụng. Băng hết cầu khỉ đến cầu dừa nối các ao trong vườn. Trèo cây bẻ trái thảy xuống cho em làm thủ môn chụp lấy. Mệt thì ngồi phụp xuống gốc cây hoặc tìm tán lá rộng thả mình, khi tựa lưng nhau tay trong tay ngước nhìn vườn cây trái mà khe khẽ hát, khi thả mình trên nệm lá mà thả mơ mộng lên tuốt trên trời cao. Những lúc đó, hai đứa cứ tay trong tay miết, một cách tự nhiên.

 

Từ xa, tôi cố hình dung nơi mình đến công tác có đặc điểm gì khi xung quanh là những tòa nhà chọc trời, nội thở cũng đã cảm thấy bức bối. Kia rồi anh! Hai đứa bước song song, nhìn hai hướng ngược nhau, bất giác em reo lên. Ngôi trường có khuôn viên khá rộng, sau màn chào hỏi chú bảo vệ, chúng tôi lọt thỏm vào khuôn viên trường. Tôi thích thú chìm trong khung cảnh ngập tràn hoa phượng. Phượng dọc các lối đi nội bộ. Phượng ngự những vị trí trung tâm đắc địa nhất của trường. Chợt quày sang, tôi trêu em “còn gì bằng nữa không nà? Em tràn ngập ngôi trường này rồi đó! Anh thề công tác ở đây mãi tới khi hưu, em nhe!”. Em cười tít cả mắt, lúm đồng tiền sâu hoắm, gật đầu mãn nguyện “không thay đổi, nha anh!”. Tôi và em tản bộ một hồi lâu giữa sân trường thoáng đãng, chốc chốc đi ngang các tán cây xanh, lòng chộn rộn nhớ nhung giây phút bên nhau của những năm đại học.

Mỗi buổi tan trường, hết tiết, tôi và em thường nán lại sau, khi thầy cô và học sinh đã ra về. Chỉ để ngắm phượng thôi, và chìm trong không gian bóng phượng. Phượng chính là em. Em là phượng đó! Đầu hè, râm ran tiếng ve, phượng nhú đo đỏ trong những tán xanh. Đến khi, rộn vang âm thanh tiếng ve hòa ca, phượng bung sắc đỏ tràn ngập sân trường. Em thích đứng dưới cành phượng, trong bộ áo dài thướt tha để anh ngắm và chụp ảnh. “Hay sau này, ảnh cưới để trước cổng rạp, mình để ảnh hai đứa chụp dưới tán phượng nha anh!”. Tôi ậm ừ, rồi cốc nhẹ vào đầu em “họ hàng hai bên cười cho, ảnh cưới phải ra ảnh cưới chứ em. Thì em tha hồ, trong album ảnh, muốn bao nhiêu ảnh bên phượng đều được. Nếu muốn, cho em chụp một album độc quyền em và phượng luôn đó!”, “Hông đâu nha, phải có anh trong đó với em nữa…”. Cuộc nói đùa bất tận, kéo dài đến ra hàng quán ăn trưa, chuẩn bị cho tiết dạy chiều.

31 hình ảnh hoa phượng vỹ đẹp nhất ~ Hoa tươi Đà Nẵng Onthewebstores

Tụi trò thích em – khỏi phải nói. Em chủ nhiệm lớp nào thì rộn rã hát ca, múa may đến đó. Phong trào nào cũng dẫn đầu toàn trường. Múa dân vũ, cô chủ nhiệm đứng giữa hàng ngũ, chọn áo đỏ thắm, bao quanh là tụi trò đồng phục xanh lá cây. Làm báo tường, thể nào cũng có phượng ép viền quanh khung báo, ép lẫn trong từng bài viết. Mà coi, mê phượng đến nỗi, lớp đứng ra tổ chức cuộc thi riêng, “Trang trí phượng đẹp nhất”. Hay thật, mỗi tổ hai sản phẩm, tụi trò khéo tay hết chỗ nói. Nào là lung linh bướm phượng. Ngôi nhà phượng. Tổ chim trên cây cổ thụ phượng. Tàu viễn dương phượng. Phải rồi! Em, rốt cục, đã đi trên con tàu viễn dương ấy, sau suốt đêm hai đứa bên nhau, sau cái nắm tay thổn thức, và nụ hôn mê đắm.

Đành rằng, báo chí nói nhiều, đôi khi thổi phồng sự việc. Cây phượng già cỗi bật gốc đè chết một em học sinh lớp bốn. An ninh trường học gióng hồi chuông cảnh tỉnh. Ngành chủ quản lên tiếng. Văn bản từ trên chỉ đạo các trường rà soát, có biện pháp đảm bảo an toàn cho học sinh trong khuôn viên trường. Một bức tường trường ngấm nước có thể đổ sập, cây cột bóng rổ quá tuổi có thể gãy ngang, học sinh học đá bóng có thể sút trúng mặt bạn bất tỉnh ngã xuống sân. Lo lắng không bao giờ là thừa. Nhưng cắt gọt trụi lũi, trọc lốc những cành phượng như hôm nay, tại ngôi trường này, khiến tim tôi nhức nhói. Tôi thương phượng. Tôi yêu phượng vô cùng. Phượng đã gắn cùng tôi như hình với bóng. Suốt những tháng năm đại học. Trên những chặng đường tôi bước. Ấn tượng về ngôi trường phượng khắc sâu tâm khảm. Và lời thề thốt chung thủy cùng phượng, gắn bó ngôi trường tới khi về hưu, bị tổn thương nghiêm trọng.

Phượng cũng đã đi còn gì! Tôi đã cố gắng níu mình vào phượng tại ngôi trường này. Để phục hồi. Để hoài niệm. Để hy vọng. Nhưng giờ đang mất, dần mất và sẽ mất. Bấy năm trong nghề cho tôi nếm trải đắng cay ngọt bùi. Sự trọng vọng xen lẫn dèm pha. Sự trung thực bị dối trá làm lu mờ. Sự nỗ lực, phấn đấu không song hành với thân quen quyền thế. Có lần, tôi trải nỗi niềm cùng em vì sao tôi yêu nghề giáo – những thiệt thòi, thiếu thốn của màu áo trắng ngây thơ hồn nhiên xui tôi trở lại, háo hức với nghề. Giờ trải nghiệm ngày xưa đã đủ. Hoặc tôi sẽ chuyển sang một đơn vị khác tiếp tục công tác, xa phượng. Hoặc tôi sẽ chuyển ngành. Chưa đầy 30 tuổi, tôi nghĩ sẽ tìm được công việc thích hợp.

Tiếng máy cưa hạ từng nhánh phượng và tiếng chuông điện thoại kéo tôi ra khỏi suy nghĩ mông lung. “Anh phải không? Em đây….”, giọng nói quen lắm, mới hơn ba năm không được nghe giọng em thôi mà. Tôi bức bối định không chọn chế độ nghe máy, nhưng những gì em hứa hẹn trong đêm chia tay ấy, ấn định mãi mãi tình cảm chúng tôi rồi “…chờ em nha anh…em sẽ về trong một ngày không xa….Cố gắng lên, anh nha…Yêu anh rất nhiều…”.