“Mới tý tuổi đầu đã bày đặt Trầm cảm, sướng quá hóa rồ à!”
“Suốt ngày buồn, không làm gì để vui được à!”
“Con phải hoàn hảo về mọi mặt, nhớ chưa?”
Khi em mới chỉ là học sinh lớp 1, em đã suy nghĩ đến việc kết thúc cuộc đời này. Ởđộ tuổi búp măng non thì làm sao có thể chứ, thật khó tin. Nhưng em chính là một cô bé như thế, nhưng giờ thì mọi thứ đã khác. Em bước vào tuổi 18, khi vừa trải qua kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, kinh nghiệm sống chưa phong phú nhưng em đã hiểu cuộc sống của mình đã khổ đến tận nhường nào.
Mẹ là người thân thuộc nhưng chính bà lại là người không hiểu em nhất. Em luôn phải làm theo sự sắp xếp của bà ấy, từ việc ăn gì, mặc gì, học gì thậm chí là việc sống như thế nào em đều phải nghe theo mẹ. Mặc dù em luôn tự tạo cho mình một vỏ bọc hoàn hảo, luôn lắng nghe chia sẻ của mọi người nhưng hình như chẳng một ai chịu lắng nghe em. Kể cả lúc ở trường học đến lúc về nhà em đều mang trong mình tâm lý sợ hãi, tiêu cực. Nhưng bố mẹ không hề hay biết em đã phải chịu áp lực như thế nào, họ chỉ biết rằng em phải hoàn hảo về mọi mặt, họ không quan tâm em, họ áp đặt em phải đạt được mục tiêu do họ đặt ra.
Theo thời gian, đau thương cứ thế nối thành một hàng dài, em mất đi cảm giác đau đớn. Dù cho bố mẹ có đánh em đến chảy cả máu hay tự khiến mình tổn thương em cũng chẳng rơi dù chỉ là một giọt nước mắt. Có lẽ vì nỗi đau trong tâm hồn đã lấn át nỗi đau về thể xác khiến cho em không còn cảm nhận được một chút cảm xúc gì về sự sống.
Và rồi, em tìm đến mọi người xung quanh với mong muốn mọi người có thể hiểu và đồng cảm với em. Thế nhưng sự thật nghiệt ngã khiến em rơi xuống tận cùng của sự cô đơn. Bố mẹ em thì cho rằng em đang làm lố lên, mới tý tuổi đầu mà bày đặt trầm cảm. Bạn bè thì cười cợt cho rằng em bị điên suốt ngày buồn mà tại sao không làm gì để vui lên. Cùng với đó là sự chỉ trích nặng nề của những người xung quanh, họ cho rằng em chỉ đang làm màu, vì ở tuổi của em có gì mà áp lực đến mức phải trầm cảm.
Không một ai, không một người nào giơ cánh tay ra để cứu lấy em, em cứ như thế kết bạn cùng bóng tối, em không muốn giao tiếp với xã hội. Em chỉ biết rằng bản thân mình đã quá đau khổ rồi, em không muốn bất cứ ai làm tổn thương bản thân mình nữa.
Sống chỉ giống như tồn tại thì đó quả là một điều đáng sợ, nhưng ai là người lắng nghe em? Người nói thì phải có người lắng nghe thì đó mới được gọi là giao tiếp. Đối với người trầm cảm, đôi khỉ chỉ cần lắng nghe và không chỉ trích họ thì đó được gọi là điều tốt nhất rồi. Đừng dùng ngôn từ để đả kích họ nữa, họ đã đủ mệt mỏi lắm với nỗi sợ mang tên trầm cảm rồi!