Ông bị đau chân
Nó sưng nó tấy
Đi phải chống gậy
Khập khiễng, khập khà
Bước lên thềm nhà
Nhấc chân quá khó
Thấy ông nhăn nhó
Việt chơi ngoài sân
Lon ton lại gần,
Âu yếm, nhanh nhảu:
“ông vịn vai cháu,
Cháu đỡ ông lên.”

Vài năm trở lại đây, tần suất nằm viện của ông nội tôi ngày càng nhiều. Tuổi già đến nhanh như chớp, cướp đi mái tóc đen của ông tôi thay vào đó là mái tóc hoa râm và giờ đây là mái tóc bạc phơ với những sợi tóc trắng muốt. Bước chân của thời gian cứ vội vã đi qua, kéo tuổi của ông nội tôi tăng lên nhưng lại khiến sức khỏe ông giảm sút đi nhiều.

Bố tôi vẫn hay kể rằng, khi còn bé người chăm chút tôi lúc bố mẹ vắng nhà là ông. Ông thường đưa tôi đi chơi trên chiếc xe Thống Nhất với nước sơn xanh đã bạc màu theo thời gian. Ông đạp xe dạo quanh những con đường nhỏ trong xóm, đưa tôi đi mua những viên kẹo sắc màu mà bất cứ một đứa trẻ nào cũng thích thú.

Ông nội quốc dân" phải viết giấy cam đoan mới lấy được vợ kém 14 tuổi

Lớn lên một chút, vẫn trên chiếc xe đạp thân thương ông kể cho tôi nghe những câu chuyện thời trai trẻ của ông. Ông tôi là một giáo viên, trong thời chiến chiếc xe đạp màu xanh ấy đã cùng ông đi qua những cung đường bị bom mìn phá nát để đến nơi dạy học. Ông tôi không sợ đạn pháo bom mìn mà chỉ sợ không đem được cái chữ đến cho học sinh. Từ ấy, lớp lớp những học sinh của ông lớn lên, người đi học, người ra chiến trường, có người quay về và có những người mãi mãi không trở lại…

Và trên chiếc xe ấy, tất nhiên là bố tôi cũng đã từng được ông chở rồi. Nhưng không phải là đi chơi dạo quanh làng xóm như tôi mà là ông chở bố tôi đi di tản tránh bom đạn của đế quốc Mỹ vào năm 1972. Chiếc xe đạp Thống Nhất đó, tôi và cả bố tôi đều đã từng được ngồi lên, nó mang nặng những kí ức, kỉ niệm của bố con tôi nữa. Nó cũng chính là chiếc xe đầu tiên tôi và bố tôi tập đi trong cuộc đời, những vòng xe đạp đầu tiên chắc hẳn sẽ là những vấp ngã nhưng chính nó đã giúp bố con tôi trưởng thành, cứng cáp hơn trên đường đi và cả trên hành trình của cuộc đời đầy gian nan sau này. Những kỉ niệm thân thuộc, yêu thương bên người ông, người cha đã in sâu vào tiềm thức của tôi tự bao giờ.

Từng vòng bánh xe lăn cũng đồng nghĩa với từng vòng thời gian lấn lướt trôi qua. Chiếc xe đạp Thống Nhất ấy cũng đã già, vài năm nay ông nội tôi cũng không còn sức mà đạp nó nữa. Giờ đây chiếc xe ấy nằm im lìm trong một góc nhà kho, thời gian khiến chiếc xe han gỉ và màu xanh năm nào thì cũng không còn nữa. Vất vả, bôn ba cùng nội tôi hàng chục năm trời đến giờ nó cũng xứng đáng được nghỉ ngơi rồi. Nhưng có lẽ sứ mệnh chở nặng kí ức và kỉ niệm của nó thì chắc hẳn không bao giờ dừng lại. Mỗi khi vào nhà kho tìm đồ rồi chợt thấy chiếc xe. Bao hồi ức lại ùa về trong tôi, tôi như nghe thấy tiếng mình khóc khi bị ngã trong lúc tập đi xe, tiếng nói động viên trầm ấm của nội tôi và tiếng cười vang khi tôi biết đi xe đạp nữa.

Hôm nay, tôi vào viện thăm ông. Tôi mải mê ngắm nhìn ông, ngắm nhìn đôi tay nhăn nheo, chai sạn vất vả cả đời người. Ngắm nhìn đôi mắt với nhiều nếp nhăn xếp chồng lên nhau và ánh mắt lúc nào cũng trầm tư, suy nghĩ của ông. Tôi bỗng nhận ra rằng bao nhiêu năm trôi qua, ông không bao giờ quên dặn dò tôi đủ điều bằng chất giọng trầm ấm, thân thương. Ông không to tiếng hay mắng mỏ tôi bao giờ, nhưng ông có cái uy của một nhà giáo. Nên khi nào tôi làm việc gì sai ông nhắc nhở là tôi sửa ngay và không dám mắc lỗi lại lần nào nữa. Tôi nên người cũng là do một tay ông dạy dỗ, bảo ban từ thuở còn ấu thơ.

Và chính ông cũng không quên những ngày tôi thơ bé, ông và người bạn Thống Nhất chở tôi đi chơi trong mỗi buổi chiều tà, đi mua cho tôi những viên kẹo ngọt mà giờ đây khó có thể tìm thấy lại loại kẹo ấy. Tôi lớn dần lên thì tấm lưng ông tôi lại càng ngày còng xuống. Bước chân tôi nhanh nhẹn đi khắp nơi khắp chốn thì ông tôi lại bước đi chậm chạp, khó khăn. Giờ đây tôi đã lái được xe máy, oto nhưng chiếc xe Thống Nhất ấy lại nằm trong nơi góc nhà kho cũ kĩ. Tất cả, cả ông và cả chiếc xe đạp ấy đã cùng nâng bước và giúp tôi trưởng thành.

Ở cái tuổi xế chiếu của cuộc đời, tôi không hi vọng ông sống mãi với tôi nhưng tôi mong ông có thể sống thêm chút nữa. Để có thể thấy được những thành công, những chiến thắng mà tôi đạt được và cả một người cháu dâu thảo hiền như ông từng nhắc tới nữa.

Bác sĩ nói với tôi rằng, bệnh của ông là bệnh tuổi già thôi, nghỉ ngơi là ông sẽ ổn. Tôi tin là ông sẽ ổn và sẽ được nhìn thấy thằng cháu này của ông hoàn toàn lớn lên.

Ông nội à, con yêu ông!