Nói đến xứ Huế là ta nói đến mảnh đất cố đô trầm mặc đã trải qua biết bao giai thoại của lịch sử với những lớp tường Đại Nội, Ngọ Môn phủ màu rêu phong. Người ta cũng truyền tai nhau về triều đại nhà Nguyễn với nhiều biến cố dao động, hay tấm tắc khen thức quà bánh nơi đây ngon tuyệt hảo không thể lẫn vào bất cứ chỗ nào. Ở bài viết này, tôi sẽ kể cho các bạn nghe câu chuyện đầy thi vị của một niềm tự hào khác ở mảnh đất Thừa Thiên Huế, mà chỉ cần xuất hiện cũng đủ để cho du khách vãng lai thầm thương trộm nhớ. Đó chính là chiếc nón bài thơ trứ danh đã đi vào thơ ca nhạc họa:

Gió cầu vương áo nàng thôn nữ
Quai lỏng nghiêng vành chiếc nón thơ.
(Đông Hồ)

Đã có rất nhiều tranh cãi xoay quanh thời điểm ra đời của các làng nghề làm nón ở Huế, nhưng theo những ghi chép còn sót lại của Lê Quý Đôn trong “Phủ biên tạp lục” thì cụ có nhận xét về chiếc nón lá xuất phát từ vùng Thuận Hóa vào thế kỷ XVI, XVII. Điều đó giúp chúng ta ngầm xác nhận được khởi đầu của các làng nghề làm nón là vào khoảng 300 – 400 năm trước. Nghề làm nón xuất hiện như một lẽ tất yếu khi nó đáp ứng được nhu cầu dân gian vào bấy giờ, là một vật hữu dụng che mưa che nắng làm đồng, giá thành lại rẻ, ai ai cũng có thể sở hữu. Có lẽ bởi vậy, nón lá ở Huế rất được ưa chuộng. Nón xuất hiện ở khắp mọi nơi, từ cung tẩm đến nơi làng quê ruộng đồng bát ngát, được cả người già và trẻ em đội lên đầu mỗi khi ra khỏi nhà. Nhưng đó chỉ là khởi đầu về sự xuất hiện của nón lá trong đời sống dân gian ở Huế, vậy chiếc nón bài thơ trứ danh thì bắt đầu từ đâu? Mặc dù làng nghề làm nón đã bước qua đến gần 400 năm lịch sử, nhưng chiếc nón bài thơ thương hiệu thì mới chỉ xuất hiện cách đây hơn 60 năm ở làng Tây Hồ nằm bên dòng sông Như Ý, thuộc xã Phú Hồ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Người đàn ông đem những câu thơ lên nón không ai khác chính là một trong những nghệ nhân làm nón giỏi của làng – ông Bùi Quang Bặc. Ông là một người chằm nón lá, nhưng cũng là người có tâm hồn thơ ca nên đã nảy ra sáng kiến đem những bài thơ ép giữa hai lớp lá. Ban đầu, người dân Tây Hồ làm nón bài thơ để tặng cho người thân như một kỷ vật tình làng nghĩa xóm, nhưng không ngờ được người dân khắp nơi yêu thích nên mới quyết định sẽ sản xuất hàng loạt. Vì thời đó chủ yếu thị trường tiêu thụ nón lá nằm ở miền Nam, nên hai câu thơ đầu tiên được đưa lên nón đó là:

Ai ra xứ Huế mộng mơ
Mua về chiếc nón bài thơ làm quà.”

Quy trình làm ra một chiếc nón bài thơ dân dã nhìn vậy mà vô cùng phức tạp và phải trải qua khá nhiều công đoạn. Trong đó, ba công đoạn chính mà người nghệ nhân cần làm lần lượt là: chuẩn bị khung và vành nón, xử lý lá nón, khâu và hoàn thiện nón. Trước hết, khung và vành nón là hai thành phần quan trọng cần được chuẩn bị và thực hiện một cách kỹ lưỡng. Khung được tạo ra bởi việc ghép tỉ mỉ 12 thanh gỗ vát, khớp nhau ở đỉnh, phía dưới bắt buộc phải cách đều nhau. Tùy theo yêu cầu, mà mỗi loại nón sẽ có những chiếc khung khác nhau. Phần vành thì thường có 16 vành làm từ cây lồ ô. Vành phải chuẩn thì dáng vẻ chiếc nón lá mới chuẩn. Bởi vậy, đây là khâu quan trọng quyết định nên tạo hình chiếc nón lá trước khi được đưa đến những bước tiếp theo, nếu hỏng thì phải làm lại hoặc làm mới. Một cá nhân đã từng nhận xét về vành nón rằng: “16 vành như 16 vầng trăng được ve thật nhanh, thật tròn, thật nhẵn, thật điệu, sao cho không gợn chút méo mó ngay cả ở chỗ mắt cây.” Có được một bộ khung và vành hoàn chỉnh, để hoàn thiện chiếc nón thì người nghệ nhân cần tìm lá nón. Quả thật, thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất Thừa Thiên Huế vô vàn những nguồn nguyên liệu có sẵn phục vụ cho quá trình làm nên chiếc nón bài thơ trứ danh, khi những lá cọ, lá buông có thể được tìm thấy dễ dàng. Sau quá trình thu thập và vận chuyển, người nghệ nhân sẽ bắt đầu sấy lá để lá chín đều, khô vừa, nhưng màu không được ngả sang vàng quá mà phải giữ lấy màu xanh lục thanh mát. Tiếp đó, người nghệ nhân sẽ rãi sương những chiếc lá để giữ độ ẩm, xong thì ủi và lựa chọn ra những chiếc lá phù hợp nhất. Sự khéo léo bắt đầu từ đây khi người làm nón phải phân biệt rõ ràng lá đực và lá cái, phủ thật kín và thật chặt lá đực ở mặt trong, còn lá cái ở mặt ngoài. Trước khi phủ và ép chặt lá cái, lớp lá đực đã được phủ những hoa văn bắt mắt, những bài thơ về mảnh đất Huế mộng mơ. Đây là công đoạn yêu cầu sự tỉ mỉ, hai lớp lá phải được chèn kỹ, chặt mà không được làm cho mặt lá bị nhàu gây ảnh hưởng đến chiếc nón. Cuối cùng, người nghệ nhân tiến hành khâu nón, đánh quai và chải dầu bóng. Lớp dầu bóng này có nguyên liệu chính là nhựa thông, một phần làm đánh bóng thêm cho chiếc nón hoàn chỉnh, một phần giúp nón chống thấm nước, từ đấy mà người dân có thể dùng nón đi nắng đi mưa.

Khi đến tay người dân, chiếc nón bài thơ Huế cũng nhờ thế mà đi vào hơi thở đời sống thường nhật và trở thành một trong những biểu tượng văn hóa khi người ta nhắc đến xứ Huế. Đó là sự kết tinh vẻ đẹp lao động của những người nghệ nhân làm nón, thổi hồn cho những chiếc nón với bài thơ tâm tình đầy mời gọi và nhớ thương. Qua chiếc nón, một phần bức tranh về Huế với biết bao mảng màu hiện lên, khiến cho không chỉ bản thân người dân địa phương thêm phần tự hào về nơi chôn rau cắt rốn, mà nó còn như một kỷ vật đầy tâm tình cho du khác mang đi khắp nơi, và những nơi ấy có hình dáng, có hồn Huế trầm mặc. Chỉ cần treo chiếc nón ấy ở góc nhà, hay góp vào trang trí trên tường, trên trần cũng đã có thể tạo nên cho không gian một không khí rất Huế. Vẻ đẹp tình tứ ấy được tôn thêm hơn cả khi đi cùng với những người dân Việt Nam. Chiếc nón bài thơ theo người dân ra đồng, cùng tham gia sản xuất cho mùa màng bội thu. Chiếc nón lá nhẹ nhàng đặt trên đầu thiếu nữ, phối hợp với chiếc áo dài truyền thống mang đến một vẻ đẹp tiềm ẩn, kín kẽ và vô cùng đậm đà. Nhà thơ Thu Bồn cũng đã siêu lòng trước người con gái mảnh đất cố đô mà phải thốt lên rằng:

“Áo trắng hỡi thuở tìm em không thấy
Nắng mênh mang trải mấy nhịp Tràng Tiền
Nón rất Huế nhưng đời không phải thế
Mặt trời lên từ phía nón em nghiêng.”

Chung quy lại có thể thấy rằng, chiếc nón bài thơ xứ Huế tuy dân dã, bình dị nhưng đã in đậm những dấu ấn sâu sắc trong tâm khảm của người dân Việt Nam. Không chỉ là một vật dụng che nắng che mưa mang hơi thở đời sống dân gian, nón bài thơ đã trở thành một biểu tượng cho vẻ đẹp lao động, phảng phất tinh thần và bản sắc người dân Huế. Nón trao tay, từ người dân Huế đến các du khách từ tứ phương như trao đi sự gắn kết, trao đi cả tâm tình và cả hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam ra toàn thế giới. Thời gian qua đi, mũ nón đa dạng đủ màu sắc, kiểu dáng và thể loại nhưng không một loại mũ nón nào có thể thay thế tượng đài nón lá trong văn hóa hơi thở đời sống của người dân Việt Nam. Nhắc đến nón bài thơ là ta nhớ đến mảnh đất ấy, nơi vẻ đẹp lao động của con người và vẻ đẹp của cố đô hòa hợp đến hữu tình.