Thuở ấy,có công chúa nhỏ sống giữa tự nhiên, bầu bạn với chim muông, núi rừng, để rồi hòa trái tim mình trong cái ban sơ thuần khiết của vũ trụ mà hồn nhiên nhìn đời dưới đôi mắt long lanh. Bạch Tuyết ngây ngô, có phải vì nỗi tin người quá lớn hay niềm lạc quan về thế giới loài người quá cao, nàng ta dễ dàng đón nhận một thứ đồ cho không để rồi gánh lấy cái chết như một lẽ tự nhiên, tất yếu. Nàng quên mất rằng, cuộc sống không bao giờ là sự nhận không đơn thuần, cái giá để đánh đổi cho một niềm tin mê muội là cái chết.

Quả táo độc đã có thể giết chết nàng, người con gái tuyệt trần trong cổ tích nhưng là triết lý của đời thực. Nó giết Bạch Tuyết nhưng hồi sinh cho những lẽ hiểu biết vốn có về sự tồn sinh nghiệt ngã của cuộc đời.

Niềm tin là thứ đẹp đẽ, là thứ khiên giáo để chống lại thế giới khi thế giới “ném gạch đá vào đầu bạn”, nhưng quả táo đỏ trong tay một người không quen mang tặng liệu có đáng để tin?

Ta đã rũ bỏ cái thế giới hoang sơ thời hồng nguyên ở lại trong hang đá, trong những bộ lông dày cộm qua kỳ tiến hoá, đứng thẳng lưng trên đôi chân trần và nghêu ngao đi trên đôi hài bảy dặm tìm ra với văn minh thế giới. Và có bao giờ chúng ta nhận ra, khi bản thân là một sinh thể mang tên “động vật”, vẫn đều đặn bước đi bằng bốn chân, ăn sống uống sống, sống theo bản năng, theo lí trí, theo bầy loài, chúng ta có niềm tin hơn giữa những linh hồn mà trước nhất là giữa những kẻ đồng loại? Điều đáng buồn là khi loài người tiến hóa để đi qua cái thuở sơ khai ấy, có khi họ cũng “tiến hóa” cả niềm tin trở thành thứ đồ tha hóa và dị dạng vô ngần.

Truyện Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn (Có file MP3) - Download.vn

Bạch Tuyết cũng đã gửi gắm cái niềm tin mê muội và quá đỗi hồn nhiên ấy cho một người đàn bà ma mãnh, chính cả Bạch Tuyết lẫn mụ phù thủy trong câu chuyện hoàn toàn sẽ có thật ngoài kia, nơi một thế giới đầy tin yêu nhưng không phải là toàn màu hồng, sẽ song song tồn tại kẻ lừa người dối, kẻ tin người kỵ. Khi quá tin người chúng ta dễ dàng bị lợi dụng, trở thành một thú vui tinh thần cho những kẻ không biết trân trọng những giá trị đẹp đẽ trong bạn, chúng ta ngây ngô tin rằng cuộc đời sẽ luôn đẹp đẽ với bạn mà không biết rằng, một chiếc bút chì có khi cũng là một mũi giáo. Có niềm tin là tốt, hoàn toàn là điều đáng có, nên có và chắc chắn phải có. Kẻ sinh ra trên đời không có niềm tin thì như mầm non đã chết yểu trước khi nứt mình ra khỏi mặt đất, ta tin niềm tin mang lại cho con người nhiều thứ: các mối quan hệ, tình thân, nhiệt huyết, ý chí và cả phẩm chất bên trong lẫn niềm khát sống. Nhưng kẻ có niềm tin mà là một niềm tin thái quá thì sẽ chỉ như bình phong của xã hội, dễ bị chà đạp, dễ bị tổn thương, dễ dàng cho đi mà không biết nghĩ suy liệu người nhận lại có xứng đáng hay không?

Điều cốt yếu sau cái mát ngọt của một quả táo chính là cái giá phải trả. Mọi điều, mọi nghĩ suy hành động rồi sẽ suy ra cho một kết cục tất yếu phải có, ở Bạch Tuyết là cái chết vĩnh cửu còn ở chúng ta là gì? … Xin nhường lại cái dấu ba chấm cho nhận thức và chiêm nghiệm riêng của mỗi người, vì không ai có thể ngồi đây để liệt kê hết mọi điều có thể xảy đến, tự mỗi người, mỗi cá thể sẽ tự có câu trả lời hoàn chỉnh nhất cho bản thân mình về những điều đang nhắc tới đó. Riêng có một niềm vui bất tận cho chúng ta chính là một liều thuốc giải diệu kỳ có thể xoá bỏ độc tố nghiệt ngã mà quả táo đỏ mang lại. Không cần nói ra thì chắc hẳn ai cũng biết đó chính là nụ hôn của hoàng tử. Liều thuốc đó, mạnh mẽ đến mức có thể hồi sinh được sự sống cho công chúa,kể tiếp một cái kết trọn vẹn cho những trang cổ tích đầy màu huyễn hoặc, nhưng liệu rằng đời thực, có phải bao giờ nó cũng là một thứ thuốc rửa diệu kỳ, xoa lành mọi vết thương và nỗi đau đớn. Câu trả lời là không! Sẽ có thứ thuốc chữa được bệnh tật, chữa được vết rách nhưng không chữa được tinh thần, không vá khâu lại được hồi ức.

Dẫu một ngày chúng ta có thể mở rộng lòng để bao dung, cưu mang cho lầm lỡ của người khác thì cũng không bao giờ thay đổi được những gì đã xảy ra, có độ lượng tới đâu thì chúng ta vẫn sẽ nhớ, mọi chuyện dẫu qua đi nhưng không phải là sự quên vĩnh cửu, mà trở thành một vết nứt toác trong tâm trí, trong vòng phim tuần hoàn của trí nhớ, của tiềm thức. Và, sẽ luôn có những cái kết không thay đổi được, sẽ chẳng bao giờ tồn tại giữa đời thực này một nụ hôn để hồi sinh cái sống, có những cái giá phải trả bằng sự cô độc muôn miên, bằng nỗi ân hận muôn kiếp và thậm chí bằng chính một sự sinh khác.

Thế nhưng, cổ tích chỉ là trên trang giấy; nơi mọi nhân vật, mọi sự việc đều chỉ mang tính chức năng đơn thuần của nó, mỗi người như mỗi hình nhân gắn trên cây đèn kéo quân, xoay đúng vị trí của mình để cùng thắm sáng một ngọn lửa chung, ta không thể đem tất cả những gì có trong cổ tích để ghép lồng vào thực tế nhưng ta biết nhìn qua đó để chiêm nghiệm những vốn lẽ khác có thể suy ra được mà góp phần cải tạo chính cuộc sống và con người ta. Quả táo độc và mụ phù thủy không hẳn xấu, nó là một bài học, một thách thức nhỏ trong chuỗi sinh tồn vô tận của nhân loại, nụ hôn của hoàng tử cũng không hẳn tốt, nó khiến con người dễ dàng phụ thuộc vào sự tin rằng sẽ luôn có một con đường để đi tiếp sau những sai lầm ngu ngốc và nó khiến chúng ta lặp đi lặp lại sự ngu ngốc của mình mà không biết cách đổi thay.
Điều còn lại cho một cuộc sống và một trái tim khát sống là hãy sống bằng cả trái tim và lý trí, mỗi ngày hãy cho đi yêu thương và đặt niềm tin vào đúng chỗ đúc lúc đúng người, đúng trong khuôn khổ điều kiện của chính bản thân mình. Đừng bao giờ để bản thân ngủ say trong bất kỳ một điều gì dù cho nó có đẹp đẽ tới đâu, dù nó là hương vị ngọt ngào của một quả táo hay là chút dư nồng ấm áp của một nụ hôn dài, chung quy lại không có cái gì là tồn tại mãi mãi, mọi thứ trên đời dẫu cho cùng cũng chỉ là vật chất tầm thường được sinh ra và tự nhiên chết đi mà thôi.