Chẳng ai biết biển có tự bao giờ, vừa lớn dậy đã thấy biển một màu trong mát. Biển Sa Huỳnh là một trong những nơi tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng nổi tiếng ở Quảng Ngãi. Đẹp không kém gì Mỹ Khê, hễ nhắc đến Sa Huỳnh thì người ta nhớ ngay đến làn nước xanh trong và nhấp nhô những triền sóng bạc. Nhớ đến những đoàn tàu rẽ sóng ra khơi, nhớ đến những tiếng ồn ào, nhộn nhịp trên bến cảng mỗi sớm mai, nhớ những con thuyền nồng vị mặn của khơi xa.

Sa Huỳnh, tên gốc Sa Hoàng nghĩa là bãi cát vàng. Nhưng vì cái lệ xưa không được phạm húy, nên đến đời vua Nguyễn Hoàng, Sa Hoàng bất đắc dĩ phải đổi thành Sa Huỳnh, ấy vậy mà vẫn không đổi nghĩa. Nếu Ninh Thuận, những bãi cát trắng tinh đẹp lung linh thì màu áo vàng trong nắng lại càng làm cho Sa Huỳnh thêm xinh xắn hơn. Từ màu cát sinh ra cái tên, nên chẳng cần tận mặt đến nhìn thì người ta cũng có thể nhìn ra sắc màu lung linh của biển Sa Huỳnh. Gắn bó với biển quê hương, với sắc vàng như nắng, nhà thơ Trần Cao Duyên đã viết những câu thơ bằng tình yêu đậm đà.

“Ai đặt quê em hai tiếng Sa Huỳnh?

Để ai nhớ màu cát vàng kỳ lạ

Lòng đá cũ nghìn năm một nền văn hóa

Giữa chiều sâu mấy tầng vang tiếng cội nguồn xưa…”

Những con sóng dạt dào điệp điệp gợn giữa ngàn khơi, dẫu không xa nhưng sao lòng thấy nhớ, thấy thương. Đêm đêm, sóng hát ru những con người quê biển, tiếng sóng êm đềm như tiếng mẹ ru xưa. Hương biển mặn mà, tiếng sóng ngọt ngào như những tiếng ầu ơ…

Tuổi thơ của những con người nơi đây, không gì ngoài những chiều tà dương xuống biển ngồi xây những tòa lâu đài cát, nhảy ào xuống biển, hòa mình vào từng cơn sóng vỗ. Biển đẹp nhất có lẽ vào lúc bình minh và lúc hoàng hôn. Hẳn, đây là việc làm đầu tiên của những người dân ở bờ kè. Mỗi sớm mai tinh sương, đi dạo trên bờ cát, nhìn mặt biển xanh hòa màu nắng ban mai. Cơn gió biển sớm mát rượi, mặt biển sớm mai êm êm, sóng nhè nhẹ xô bờ. Chiều tà, biển lại thơ mộng hơn, sóng chuyện trò rôm rả cùng bờ cát. Ánh nắng chiều vương vương trên bờ cát làm cho khung cảnh trở nên hữu tình, nên thơ.

Những phiến đá xếp chồng lên nhau, tựa nhau mà đẹp, ai đã một lần đến đây rồi mới thấy được những kiệt tác của thiên nhiên. Thế mới vỡ lẽ, nhà kiến trúc tài ba nhất chính là thiên nhiên! Những tác phẩm mà thiên nhiên để lại bền bỉ với thời gian, dẫu qua bao nhiêu mùa nắng mưa vẫn cứ còn vẹn guyên như ngày đầu. Đã có nhiều du khách đặt chân đến đây, bất chợt họ đưa mắt nhìn những tuyệt tác rồi ngân nga câu hát trong bài “Lệ đá” của nhạc sĩ Trần Trịnh:

“Hỏi đá xanh rêu bao nhiêu tuổi đời?

Hỏi gió phiêu du qua bao đỉnh trời?

Hỏi những đêm thâu đèn vàng héo hắt

Ái ân bây giờ là nước mắt

Cuối hồn một thoáng nhớ mong manh…”

Chẳng ai biết đá bao nhiêu tuổi, đá có tự bao giờ. Chẳng phải đá vô tri, đá cũng biết tựa nhau mà sống. Những phiến đá in hằn dòng chảy của thời gian, lại điểm tô thêm cho sắc màu biển cả Sa Huỳnh.

Lòng biển như lòng người mẹ hiền, nuôi sống không biết bao nhiêu thế hệ. Tôm cá nặng đầy khoang, tiếng cười rộn ràng trên bến cảng, những tiếng búa đóng thuyền cũng làm xao động lòng ai. Ấy là những cái nghề truyền thống của Sa Huỳnh, có thể là những cái nghề mà biển dạy cho người để mưu sinh. Nước biển đổ về những vuông đất Tân Diêm, để giọt mồ hôi người hóa từng hạt muối mặn. Màu muối trắng trong như tình những con người đất Phổ Thạnh, chất phác, quê mùa quanh năm gắn bó với vùng biển quê hương. Nước da rám nắng càng làm cho vẻ đẹp của con người Sa Huỳnh được thể hiện rõ nét. Vẻ đẹp của những con người ngày đêm tần tảo, vẻ đẹp của những con người hăng say lao động và hơn bao giờ hết, chất muối của biển khơi đã ngấm vào con người họ. Bởi thế, nên người Sa Huỳnh dù có đi về phương nào cũng chẳng thể quên được vùng biển yêu thương.

Người ta bảo Sa Huỳnh bên làng, bên biển. Quả thật! Nếu từ trên cao nhìn xuống ta sẽ thấy hai màu áo của Sa Huỳnh. Một bên, ruộng lúa sóng lúa xanh rì nhấp nhô, cò bay thẳng cánh, một bên, biển xanh dạt dào, êm êm từng nhịp sóng. Bên những dòng xe bon bon là những đoàn tàu ra khơi tung lưới, chở về bến cảng quê hương rộn rã những tiếng cười. Biển cho muối mặn, biển cho cá tôm khoang đầy, biển nuôi sống từng người con sinh ra nơi đất Sa Huỳnh.

Biển Sa Huỳnh lúc nào cũng đẹp. Bởi thế khi đặt chân đến Quảng Ngãi, du khách thường hay đứng ngắm biển Sa Huỳnh. Ngắm màu nước xanh trong, ngắm những triền sóng dạt dào ru hàng dương xào xạc, ngắm những con tàu ra khơi tung lưới, nhìn bãi cát vàng thơ mộng trong màu nắng chiều hoe hoe.

Sa Huỳnh, xưa nay ai cũng biết đến du lịch biển. Thế nhưng, khi bước đến Sa Huỳnh, du khách mới biết rằng Sa Huỳnh có nhiều thứ để khám phá vô cùng. Nhiều năm gần đây, Sa Huỳnh đã tìm ra được rất nhiều những điểm du lịch mới. Có lẽ phải nán lại cả tuần lễ, du khách mới thấy hết cái đẹp, cái hay về thiên nhiên, văn hóa, con người và ẩm thực Sa Huỳnh. Ngày xưa, đến Sa Huỳnh, khách du lịch chỉ có thể dạo dài trên bãi cát, tắm biển, đến các quán ăn ven bờ để thưởng thức hương biển Sa Huỳnh. Bây giờ, khi đến với biển Sa Huỳnh, người ta còn có thể đến resort (KDL) Sa Huỳnh mua quà lưu niệm, đến làng đá cổ Gò Cỏ để nhìn ngắm văn hóa Sa Huỳnh, đến khu di chỉ Sa Huỳnh để nhìn những dấu tích xưa còn lại.

Mỗi ngày một phát triển, Sa Huỳnh mỗi lúc một tươi đẹp hơn, hiếu khách hơn. Sa Huỳnh dang tay chào đón kháchập phương, nhịp sóng êm êm là những khúc ca chào đón. Thấp thoáng con tàu xa, nhịp sống ngư dân mặn mà hương biển. Đến Sa Huỳnh rồi, lòng lưu luyến mãi không quên.