Sài Gòn lại đón tôi bằng một chuyến đi vội vã. Từ lâu lắm rồi, tôi không còn thích ồn ào và ngột ngạt nơi mảnh đất Sài Gòn nên chỉ chợt đến, chợt về. Dự tính sẽ về ngay trong đêm nhưng kế hoạch bị phá sản, tôi đành bấm bụng; ở lại Sài Gòn thêm một ngày nữa

Trời chuyển dần về khuya, tôi nằm một mình trên căn gác mà không tài nào chợp mắt được. Lạ nhà! Tôi thầm nhủ; cũng chỉ một đêm thôi. Sài Gòn không ngủ về đêm ngoài đường phố, trong những tụ điểm vui chơi giải trí. Nhưng đêm nay, tôi không ngủ, thức cùng Sài Gòn trong một con hẻm nhỏ khá yên tĩnh nằm ở Quận 8. Tôi gác tay lên trán chỉ mong thời gian trôi qua mau để ngày mới lại bắt đầu. Tôi hoàn thành công việc cho sớm để trở về nhà, bỗng nghe tiếng “ lốc cốc” vang lên. Hủ tiếu gõ chăng? Tôi cố ngóc đầu dậy để nghe âm thanh cho rõ ràng hơn. Đúng là hủ tiếu gõ rồi. Vậy là gần 20 năm tôi mới nghe lại âm thanh quen thuộc này mà tưởng chừng như không bao giờ mình còn được nghe nữa.

Ngày ấy, tôi là một sinh viên tỉnh lẻ lên Sài Gòn trọ học. Cũng như hàng ngàn sinh viên khác , tôi cũng chọn cho mình một căn phòng trọ trong một hẻm nhỏ ở Sài Gòn để ở ghép cùng vài người bạn vừa tiết kiệm chi phí, vừa thuận lợi trong việc học, đi làm thêm,…Cuộc sống của những sinh viên xa nhà như chúng tôi cứ xoay vần bằng những buổi lên giảng đường, đi làm, đi chơi, ôn bài và thường kết thúc vào lúc 11, 12 giờ đêm là chuyện bình thường. Nhiều đêm, chúng tôi ngồi học bài mà bụng lại sôi lên ùng ục khi đĩa cơm sinh viên với giá vài ngàn đồng ăn lúc chiều đã bay đi đâu mất. Khu nhà trọ đã đóng cửa, muốn ra ngoài cũng không thể. Đành chờ tiếng “lốc cốc” quen thuộc để gọi một tô hủ tiếu gõ mà ăn chống đói.

hủ tiếu gõ xịn xò 15k về hủ tiếu đường 79 | riviu.vn

Ngày ấy, những người bán hủ tiếu gõ đa phần là dân gốc Quảng Ngãi. Họ thường chọn cho mình một góc nhỏ đầu hẻm hay vỉa hè nào đó để đặt xe đẩy. Trên xe có trang bị bếp lò, một nồi nước lèo lúc nào cũng nghi ngút khói, tô, đũa, muỗng và các nguyên liệu cần thiết cũng như đôi ba chiếc bàn nhựa xung quanh. Thường thì sẽ là một cặp vợ chồng đứng xe để bán, cộng thêm thằng nhỏ phụ việc. Trời càng về khuya khi thực khách đã vắng dần thì cũng là lúc những bước chân của thằng nhỏ phụ việc rảo khắp hang cùng ngõ hẻm cũng đều đặn hơn. Tiếng “lốc cốc” được tạo ra từ hai thanh tre vang xa cả phố không thể lẫn vào đâu được. Tôi chẳng biết từ bao giờ mà những người bán hủ tiếu nghĩ ra cách này để mọi người nhận ra thứ âm thanh dành riêng cho mình. Mặc kệ! Tôi chỉ quan tâm đến cái bụng đang sôi của mình là đủ.

“ Ê nhóc! Cho tô hủ tiếu”

Chỉ cần nghe tiếng như vậy phát ra, chừng vài phút sau thằng nhỏ sẽ nhanh chóng bưng đến một tô hủ tiếu nóng hổi, thơm lừng mùi giá hẹ, tóp mỡ, hành phi,… còn miếng thịt mỏng như tờ giấy mà đến mãi tận bây giờ tôi vẫn khâm phục cách xắt thịt của họ. Cũng phải! Tô hủ tiếu hồi đó có giá hai ngàn đồng thì không thể đòi hỏi nhiều hơn được. Trả tiền, thưởng thức và đặt lại tô ngoài cổng thế là xong. Những tô hủ tiếu gõ đã đi cùng tôi trong suốt những năm tháng khốn khó thời sinh viên trên mảnh đất Sài Gòn này.

Theo dòng chảy của thời gian, mọi thứ đã thay đổi rất nhiều. Bây giờ người ta không còn đợi những âm thanh đó nữa mà chỉ cần nhấc điện thoại lên và đặt hàng, sẽ có người giao đến tận nhà mọi thứ mình cần, từ quần áo, giày dép,…đến thức ăn, đồ uống… Cuộc sống hiện đại làm con người ta cũng trở nên vội vã hơn, chẳng còn ai đủ kiên nhẫn để chờ những âm thanh “lốc cốc” như ngày xưa nữa. Âu cũng là quy luật của sự phát triển, cái cũ mất đi cho cái mới ra đời. Nhưng có những thứ tồn tại trong hồi ức chẳng bao giờ phai nhạt trong tôi; có một Sài Gòn với những tô hủ tiếu gõ về đêm.