Chòm mả nằm cạnh quốc lộ, hai dãy đối diện lệch nhau chừng năm mươi mét. Bên phía mặt trời mọc là chòm mả chung, đủ mọi thành phần, dân tộc, không cổng, không tên, ai chết cũng đều được vô đó nằm. Bên phía mặt trời lặn là chòm mả có cổng, có trụ tên, xây từ đầu thế kỉ 20 – Nhị tì Tiều.

Ấp tôi ở, tiếng là cập quốc lộ nhưng thưa nhà. Ngày đó, chạng mười hai, mười ba tuổi, chẳng có chỗ đâu mà chơi đùa. Thành ra, điểm tụ tập của bọn tôi là chòm mả. Chòm mả thường nhiều cây cối, bụi rậm, bóng râm. Lủi vô đó thì nắng mấy cũng hổng có sức mà rượt. Tán cây rộng, dày, còn che được mưa nhỏ, mưa rào, gặp mưa to thì trú dưới mấy cái kết của mả nhà giàu. Âm ấm và thú vị hông kém phòng khách sạn!? Vô chòm mả chơi, dĩ nhiên, hổng dám đi một, hai đứa, phải kéo đàn kéo đúm hơn năm, sáu đứa mới dám xăm mình. Vô đó, mặc sức chơi rượt đuổi, hò hét, chạy nhảy qua mả đất, mả xây, thú nhất là chơi trốn tìm. Đứa dỉm xùm thua phải đến gốc cây me to nơi mô đất cao mà nhắm “năm mười mười lăm hai mươi…”, mấy đứa còn lại chạy núp sau mấy cái mả. Rồi khom, bò hết lượt mả này đến lượt mả khác, len lỏi, luồn lách cho kỳ được đến cây nhắm năm mười để kịp tùng – sống – chiến thắng. Nói, cũng sợ mồ mả người khuất mặt, nhất là nghe người lớn nẹt con nít “tụi bây đi một mình trong chòm mả coi chừng bị ma giấu”, nên, nhiều phen chơi xong, tụ tập lại điểm quân số không đủ như hồi đầu chơi, phải tản đi kiếm, kêu rân inh ỏi khắp nghĩa địa. Lúc kiếm gặp, có thằng ngồi thu lu giữa bụi tre gai, mặt đỏ au “tau đau bụng quá, đang rặn, nghe tụi mày kêu mà đâu dám lên tiếng”. Cả nhóm cười bò lăn rồi một…hai…ba… dong lẹ.

Miền ký ức tuổi thơ

Đến đầu hè, chòm mả xôm tụ hơn nhiều, một ngày đến mấy nhóm trạc tuổi tụi tôi chia nhau vô trỏng. Rớt hột mưa, cây trái tạp trong chòm mả cho quả nhóc nhách. Bình bát. Nhàu. Trâm. Me. Ổi. Khoái nhất là leo bẻ hoặc lụm khúc cây liệng trái trâm. Trái nhỏ mà… có võ, hình dạng như trái olive, hình bầu dục tròn thon, xanh lúc ban đầu, rồi chuyển sang màu hồng, và cuối cùng màu tím đen bóng láng khi trưởng thành chín muồi. Có một điều, là trái trâm phải tách rời khỏi cuống quả, nếu không quả sẽ có vị đắng và khó ăn. Nạc thịt của trái mát, để lại ở lưỡi và miệng một màu tím đen khi ăn. Thằng nào thằng nấy ăn xong cứ lè lưỡi ra đọ, khắc biết ai ăn nhiều, ăn ít liền. Hết phá cây trái, chuyển sang đi bắt bù rầy, đào đuông, đào dế, đào trùn và thọc ổ trứng kiến về cắm câu. Hết nhóm này đến nhóm khác. Có nhóm hẹn vô chòm mả lúc tờ mờ sáng. Nhóm nào nhát ma hơn thì chờ trời sáng tảng mắt mới đi. Tụi nào đi học sáng thì đi sớm hoặc chiều, tụi học chiều thì hú hí nhau buổi sáng. Thiệt, vô nghĩa địa, thời điểm đó, vui như đi chợ!? Xung quanh mồ mả, mấy bông hoa dại mọc đầy: đồng tiền, sao nhái, mười giờ, tường vi, cúc, tóc tiên. Chợt nghĩ, chỗ yên nghỉ cũng vui nhộn và xinh đẹp lắm chứ bộ!

Đầu đường đi vào chòm mả, ở giữa, có cái giếng hộc to, đường kính hơn hai mét. Mạch nước ngầm tự nhiên nên nước dùng để tắm, giặt giũ gì cũng được. Mả đất mới chôn thường xách nước này để rưới lên khi hoàn tất, rồi rưới lên hoa cỏ trồng xung quanh, còn mả xây thì lấy nước trộn hồ. Về sau, bà con thấy tiện, thường đến gánh nước về xài. Bữa nào đông người gánh thì người đến sau phải chờ nước ra đến mực thảy gàu xuống múc được. Chòm mả, vì vậy, không hẹn mà nên, lặng lẽ trở thành chỗ kết nối thông hành giữa người sống và người chết.
Khoảng lặng lâu nhất không dám mon men vào chòm mả là lúc chòm mả có mả mới, chôn người vừa mới qua đời. Nghe đồn linh ghê lắm! Vậy đó, mà coi chứ ém quân được chừng một tuần, mười bữa, khi mấy cái chân muốn chạy nhảy và tim gan phèo phổi sôi ào ào là lúc tiếng hú hí nhau “tụi mày ơi…chòm mả thẳng tiến!”. Và, đi đâu xa về, thấy vắng bóng tụi bạn, muốn tìm gặp cho nhanh để chơi đùa, thể nào chạy vô chòm mả cũng gặp./.