Nép mình bên hạ nguồn sông Bồ nơi gặp phá Tam giang, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế. Quảng Thái, xã giáp ranh cuối cùng của huyện, nơi đây đồng ruộng phèn chua, với độn cát trắng ngút ngàn chỉ có cây xương rồng chiếm ngụ…Một nửa nông dân làm ruộng, một nửa ngư dân đánh bắt trên mặt phá, vùng đầm phá ngày trước ai cũng sợ : Sợ Truông nhà Hồ, phá Tam Giang…

Vài nét chấm phá, miêu tả cho sự sinh tồn khó nhọc của cha ông, để tôi có quê hương để kể, để ngồi trên bờ phá mỗi năm tiết thanh minh về chạp mộ, hướng về nguồn cội nghe man mác câu hò giã gạo, mái nhì, mái đẩy…

Sông Nịu chỉ là một sợi chỉ mảnh mai khó nhìn thấy trên bản đồ. Sông bắt nguồn từ một vùng sa mạc hóa là độn cát trắng ngút ngàn, chạy dài ven tỉnh lộ 4 đến quốc lộ1. Nước từ trong cát chảy len lỏi, quanh co tạo nên trằm Vịnh, trằm Sen, trằm Ngang, trằm Nẫy…Góp một dòng nhỏ nhoi hòa vào phá Tam Giang huyền thoại của đất thần kinh.

Cửa Lác đón nước ngọt vào ruộng đồng và đóng lại khi thủy triều lên ngăn mặn. Cây lác là loại cây người ta phơi khô, đem đan bện thành chiếu,thành giỏ xách. Nơi đây ngày xưa cây lác mọc um tùm nên có tên gọi bần hàn lạ lẫm, nhưng gần gũi không lẫn với nơi nào khác. Đó là nơi tôi sinh ra, chưa kịp lớn lên đã rời xa vì chiến tranh.

Huế: Biến tài nguyên nước thành tài nguyên du lịch

Đêm hạ tuần tháng ba vẫn còn sót lại cái lạnh của ngọn gió mùa đông bắc mới về hôm trăng tròn.Thằng em bà con bạn dì, dọn sẵn mâm cơm đãi khách về chạp. Nào cá bống thệ kho ruốc ttrìa xào măng chua,cá rô đồng chiên xù,canh rau me cá lóc…Ngồi ngoài sân nghe lành lạnh, nhưng được cái nhìn ra cánh đồng vụ đông xuân đã thơm mùi sữa làm đòng, thấp thoáng ánh đèn của thuyền chài như đốm than vung vãi trên mặt phá. Trời miên man, đất miên man giao hòa trong đêm tĩnh mịch. Ly rượu nồng có vị khê quá lửa cứ lưu vị ngọt trong cổ. Đứa em bạn dì ngày xưa khó khăn từng là một chủ đò vận tải chuyên chở vật liệu xây dựng về làng, sau này đường sá thuận tiện nên mua xe lên bờ chạy kinh tế cũng khá hơn. Mọi việc xây dựng, sửa sang mồ mả trong làng,xã gần như nhờ nó cả. Chính, tên đứa em kể cho tôi giai thoại về cửa Lác ngoài tên của loài cây lác, còn là tên của một người nông dân nổi dậy chống chính sách áp bức bóc lột. Ông tên Lác, chữ bẻ đôi không có, nhưng biết lý lẽ đứng lên bảo vệ ngư dân đánh bắt thủy sản ,Ông bị quan quân phục kích trên hói Lai Hà. Ông dìm thuyền lặn về sân chim Quảng Thái cố thủ ba ngày liền. Sức kiệt, thế cô tướng Lác bị bắt, bị đưa vào cửa sông cùm chân, trói tay bỏ đói cho tới chết. Dân làng Thượng hạ Phong Lai thương tiếc vị anh hùng đặt tên cửa Lác để tưởng nhớ con người bất khuất.Chuyện hư hư thực thực không ai trong làng không biết, nhưng không sử sách nào nhắc tới,thôi cứ tin như vậy để còn có tâm linh, còn có cái tự hào…

Giữa bữa ăn rượu chếnh choáng,trăng mười chín lên muộn, ánh vàng lung linh, từ xóm trên, nhà ai mở loa “kẹo keó” tiếng hát, tiếng nhạc loang xuống, một cảm giác ấm no thanh bình trên quê hương không còn lam lũ nghèo khó. Chính rủ tôi chạp xong ở lại một ngày chèo ghe ra phá thăm rừng ngập mặn,thăm sân chim Quảng Thái nơi đây có thời trú ngụ hàng chục loài chim và có cả loài Sâm Cầm quý hiếm tụ tập đến hàng ngàn con. Nghe đâu đây là nơi cung cấp của ngon vật quý cho cung đình triều Nguyễn. Nào ngỗng trời, vịt nước, cò vạc, rong câu, trai trìa, tôm cá, cái giống thủy cư ở đây ngon không đâu sánh bằng…Nhưng bây giờ trước sự tận diệt của con người, tất cả đã không còn như xưa, và sân chim rồi cũng không phải chỗ đất lành chim đậu.Nghe kể, tôi chợt buồn. Buồn vì hôm nay tôi mới biết quê mình có một sân chim trù phú, cá tôm đặc biệt như vậy, mình quá vô tâm, vô cảm quên cả lối về, buồn vì khi biết đến nó đã là ký ức, là chuyện kể.

Ngà ngà rượu với bữa cơm toàn đặc sản của đầm phá, Chính bật lò lửa, đợi nồi nước sôi bỏ vào chục con cá giếc còn sống, thêm mớ rau răm đợi nước sôi múc ra chén để mọi người húp cho giã rượu, đêm chưa khuya lắm, chúng tôi ngừng đũa. Chính gọi vợ châm bình trà, tôi bảo thôi, ngày mai Chính còn chạy xe sớm lên tận thượng nguồn sông Bồ chở cát sạn về xây nhà thờ họ, nghe đâu kinh phí tiền tỉ. Quê tôi nhà cửa tuy còn đơn sơ nhưng mồ mả nhà thờ họ nào cũng khang trang rộng rãi. Đó là sự trả ơn, bù đắp cho những vị tiền hiền ngày xưa khổ ải dựng xóm lập làng.

Đêm thiêng liêng giao cảm với nguồn cội,tổ tiên. Tôi ngủ nằm mơ thấy Tướng Lác to lớn vạm vỡ, quần nâu ngực trần, chân giao chỉ, tay cầm mái chèo đứng trên bờ phá, miệng ngậm điếu thuốc lá Phong Lai, đặc sản của làng, nhìn xa xăm …Tôi thấy ông nội từ ngoài phá chèo chiếc thuyền vào cửa Lác, miệng hò điệu hò mái nhì…

Hơ… ! Thuyền ai thấp thoáng bên sông đưa (hờ!) câu (hò) mái đẩy

(Hơ…!) mái đẩy chạnh (hờ!) lòng… hơ hơ hơ…!

Chạnh lòng nước non… (Hơ hơ hơ…!) …

Hàng ngàn chim sâm cầm mỏ trắng lông nâu quay về sân chim Quảng Thái, tôm cá quẫy mình xao động cả mặt nước Tam Giang …
Sông Nịu, cửa Lác quê nhà tôi đó. Trong tôi cả một bầu trời xanh mát với những địa danh dù khó nghe khó nhớ, nhưng với tôi là máu thịt là thiên đường là nẻo về day dứt. Đứng trên cửa Lác, chiều bên phá Tam Giang, trước hoàng hôn trầm lắng tôi lại nghe văng vẳng tiếng chim Sâm Cầm về tổ…Sông Nịu dùng dằng chảy như chờ như đợi kẻ tha phương .