Đất Thăng Long – Kinh Kỳ đã tròn 1011 tuổi với cả trăm lớp thế hệ truyền đời tiếp nối củng cố và xây dựng, có người đi, có người ở lại, song, trong tâm khảm của bất cứ ai từng sống ở mảnh đất lịch sử này cũng đều bồi hồi một niềm tự hào khó tả. Bom đạn, chiến tranh đã lùi xa, Thăng Long tuy có đổi mới nhưng vẫn giữ những giá trị cổ kính hiếm thấy ở thành phố khác, một chốn kinh thành nguy nga tráng lệ một thời vẫn còn vọng về. Đó là danh lam thắng cảnh Hồ Tây, là cột mốc số 0 hồ Hoàn Kiếm mộng mơ và cả những di tích văn hóa mà người đời tri ân. Trong số ấy, tứ trấn Thăng Long hiện lên như chứng tích về những huyền thoại che chở, dẫn lối cho người dân Kẻ Chợ muôn đời.

Tìm hiểu về tứ trấn Hà Nội, người ta không khỏi ngạc nhiên bởi vẻ đẹp lịch sử lâu đời, từ kiến trúc, vườn tược hay khuôn viên, mà còn thán phục những điển tích điển cố về những thần thoại được giữ gìn trong lòng thủ đô. Năm 1010, sau khi dời kinh đô từ Hoa Lư về Thăng Long, vua Lý Thái Tổ đã rất chú tâm đến việc bảo vệ và quy hoạch nội đô, đảm bảo sự an toàn cho đời sống của nhân dân. Bên cạnh những rào chắn thiên tạo như: sông Nhị núi Tản, sông Tô núi Nùng, những lực lượng bảo vệ kinh thần về mặt tâm linh bao gồm bốn ngôi đền trấn yểm bốn phía Đông, Tây, Nam, Bắc, cụ thể là Đông trấn “Bạch Mã tối linh từ” (đền Bạch Mã) thờ thần Long Đỗ – thành hoàng Hà Nội, “Tây trấn từ” (đền Voi Phục) thờ thần Linh Lang, Nam trấn “Kim Liên từ” (đền Kim Liên) thờ Cao Sơn Đại Vương, và cuối cùng là Bắc trấn “Trấn Vũ quán” (đền Trấn Vũ) thờ Huyền thiên Trấn Vũ. Đi cùng với tứ trấn Thăng Long là bốn kinh trấn, có nhiệm vụ che chắn, bảo vệ kinh thành ngay từ vòng ngoài khi kinh thành trực tiếp bị đe dọa. Đó lần lượt là trấn Kinh Bắc, Sơn Nam, Hải Đông và Sơn Tây. Ngoài công dụng trấn yểm long mạch, vượng khí của kinh thành, tứ trấn còn là nơi hoạt động văn hóa, tín ngưỡng sôi nổi những ngày đầu xuân. Vua Lý Thái Tổ mỗi độ đầu năm sẽ đích thân đến từng trấn dâng hương, chính vì vậy mà truyền thống đó được lan truyền và vẫn còn tiếp diễn cho đến ngày nay. Bốn ngôi đền cũng vì thế mà đi sâu vào tiềm thức người dân kinh đô, trở thành nét độc đáo của tâm linh Thăng Long và niềm tự hào lịch sử của cha ông của người dân Việt.

Đầu tiên là đền trấn Đông kinh thành – đền Bạch Mã, tọa lạc tại huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, nay là Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm. Được xây dựng vào thế kỷ IX, đây được coi là ngôi đền cổ xưa nhất trong tứ trấn Thăng Long. Trong đền thờ thần Long Đỗ, hiệu Quảng Lợi Bạch Mã đại vương (thần Long Đỗ chính là vị thần núi Long Đỗ hay còn gọi là núi Nùng). Tương truyền rằng khi Lý Công Uẩn dời đô ra Đại La năm Canh Tuất 1010, khi đến khu vực này đã quyết định xây dựng mới lại một phần thành khi xưa. Ấy vậy mà đổ dồn biết bao tâm huyết và công sức thì lần nào thành cũng bị lở. Thấy làm lạ, nhà vua mới sai người đến cầu đảo thì bỗng từ trong đền, một con ngựa trắng đi ra, rồi quay ngược lại trong đền. Linh tính mách bảo thần hiển linh chỉ dẫn, nhà vua sai người cứ theo dấu chân ngựa mà xây thì quả nhiên thành công, từ đó mới lấy tên là đền Bạch Mã. Cũng có một huyền tích khác kể rằng, năm xưa nước ta bị nhà Đường đô hộ, Cao Biền sai quân đắp thành Đại La, bỗng thấy trời tối tăm mù mịt, một vị thần cưỡi con rồng đỏ hạ phàm trên đám mây ngũ sắc. Thấy vậy, hắn dùng bùa chú trấn yểm thì đêm nằm mộng thấy thần hiển linh. Ngài đanh thép nói rằng: “Ta là tinh anh đất Long Đỗ, nghe nói ông sai đắp thành, cớ sao dùng bùa phép trấn yểm”. Sau khi tỉnh dậy và bàng hoàng khi thấy sắt thép nơi trấn yểm bị lật tung lên hết, Cao Biền mới biết đây là vị thần thiêng nước Nam mà không dám tái phạm, bèn lập đền thờ để xin phù hộ.

Qua nhiều lần sửa chữa, cho đến nay đền vẫn giữ được nét uy nghiêm tráng lệ. Đền quay mặt về hướng Nam, được bố trí hết sức hài hòa với nghi môn, phương đình, đại bái, cung cấm, thiêu hương, nhà hội đồng ở phía sau đền. Điểm đặc biệt ở đây là kiến trúc nội thất trong đền hoàn toàn làm bằng gỗ với hệ thống cột gỗ lim lớn, bộ đỡ mái được làm theo đúng kiểu “giá chiêng chồng rường con nhị”, nét chạm khắc tỉ mỉ, chắc và khỏe. Bên trong đền thờ một bức tượng con ngựa trắng và lưu giữ nhiều di vật cổ có giá trị, đặc biệt là 15 tấm bia ghi lại những điển tích, thần thoại trong việc xây dựng đền, những nghi lễ cúng thần và các lần trùng tu, tôn tạo lại đền rất chi tiết. Hằng năm vào tháng hai âm lịch, trước đây đền là tổ chức lễ hội đánh trâu rước xuân, với ý nghĩa tiễn đưa mùa đông qua và nghinh đón mùa xuân mới, mong cho mùa màng bội thu, cuộc sống nhân dân ấm no, hạnh phúc. Đặt trong không gian phố cổ Hà Nội, đền Bạch Mã đã trở thành một biểu tượng văn hóa không thể thiếu. Trải qua bao thăng trầm lịch sử mà ngôi đền ấy vẫn đứng vững, hiên ngang bảo vệ cho kinh thành xưa và cả một vùng Hà Nội sau này.

Tiếp đến là trấn Tây với sự hiện hữu của đền Voi Phục, nay ở tại phố Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội. Đền được xây dựng từ thời vua Lý Thái Tông (1028 – 1054), thờ hoàng tử Linh Lang, con của vua và vị vương phi thứ 9 tên là Dương Thị Quang. Tích xưa kể rằng vương phi trong một lần tắm ở hồ Dâm Đàm (nghĩa là Đầm tràn đầy nước, một tên gọi khác của hồ Tây), bỗng có rồng hiện lên phun nước thơm vào mình. Khi về nhà, bà dần nhận ra mình đã mang thai rồi 14 tháng sau sinh ra Linh Lang. Linh Lang lớn lên khôi ngô tuấn tú, thân thể cường tráng hơn người thường, trên người có 28 vết vảy rồng và 7 hàng chấm long lanh như ngọc trên ngực. Trong cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược, Ngài đã góp công lớn trong việc đột phá quân giặc tan tác. Sau chiến thắng không lâu, Linh Lang về lại khu vực Thủ Lệ năm xưa rồi lâm bệnh nặng. Biết mình không qua khỏi, Ngài mới tiết lộ thân phận mình là con của Long Quân thác sinh chuyển kiếp vào làm con vua, giúp vua dẹp giặc cứu nước, nay khi đã hoàn thành sứ mệnh thì muốn được trở về. Nói rồi Ngài hóa thành con thuồng luồng rồi trườn xuống hồ.

Từ đó nhà vua sắc phong cho Ngài là Linh Lang thượng đẳng phúc thần, lập đền thờ tại nơi Ngài hóa. Trước cửa đền bây giờ là tượng hai con voi quỳ gối, tương truyền chính là hình tượng hai con voi mà Linh Lang đại vương từng thu phục trước kia, nên nơi đây mới mang tên đền Voi Phục. Trong đền có hai pho tượng tạc bằng đồng và có hòn đá to có vết lõm, là nơi Hoàng tử năm xưa nằm gối đầu lên rồi hóa thành con thuồng luồng trườn xuống hồ. Mặc dù đã trải qua nhiều lần trùng tu, kiến trúc ngôi đền ít nhiều đã thay đổi nhưng vẫn sự được sự uy nghiêm, linh thiêng vốn có tự bao đời. Trải qua thời gian, ngôi đền cũng thấm đẫm sự giao thoa với tín ngưỡng văn hóa dân gian, dần xâm nhập vào các lễ hội, hoạt động của người dân ven hồ. Đến ngày nay, vào mùng 9, mùng 10 tháng Hai âm lịch hằng năm, du khách thập phương vẫn còn đổ về đây cầu bình an, tiền tài, danh vọng, hình ảnh lễ rước kiệu còn mang ý nghĩa kiệu thánh đi vi hành ban lộc ban phúc cho nhân dân. Trấn yểm ở phía Tây kinh thành, ngôi đền đã trở thành một phần của dòng chảy văn hóa bất tận, một phần của lịch sử cần được bảo vệ và giữ gìn.

Sang đến phương Nam, ngôi đền chủ chốt trấn yểm phương này là đền Kim Liên thuộc phường Phương Liên, Đống Đa, Hà Nội. So với ba ngôi đền còn lại, đền Kim Liên được xây dựng muộn hơn hẳn, vào khoảng thế kỷ XVII, thờ Cao Sơn Đại Vương. Theo tín ngưỡng dân gian, Cao Sơn Đại Vương vốn là một trong những người con của Lạc Long Quân và Âu Cơ, sau theo mẹ lên núi. Tương truyền rằng, thần Cao Sơn đã có công giúp vua Lê Tương Dực dẹp loạn và khôi phục nhà Lê. Sau nhờ ơn thần ngầm dẹp loạn ở Đông Đô, nhà vua đã xây dựng đền thờ Cao Sơn to đẹp ở Kim Hoa gần Thăng Long thời bấy giờ. Sau này, dân làng Kim Liên đã lập thêm cổng tam quan ở phía trước cổng ngay sát đền Kim Liên và bổ sung một số kiến trúc mới, tạo thành Đình Kim Liên. Ngoài Cao Sơn Đại Vương, đền thờ cũng có sự giao thoa tín ngưỡng thờ Tam Phủ, thờ Mẫu và thờ vị anh hùng dân tộc như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Xét về kiến trúc, đền được xây dựng trên một gò đất cao ở phía Đông, cổng đình hướng về phía Tây, bước từ sân lên phải qua chín bậc gạch, hai bên thềm có hai con sấu đá niên đại từ thời nhà Lê, tam quan được xây theo kiểu nhà hoàn chỉnh với bốn cột trụ ở bốn góc.

Kiến trúc của tam quan khá độc đáo và tinh xảo, bên trên có chạm khắc tứ linh thần thú vô cùng tỉ mỉ và mang đầy tính thẩm mỹ. Đình chính gồm Nghi môn, Đại bái và Cung cấm. Nghi môn là một nếp nhà ba gian, xây kiểu tường hồi bít đốc và mang hơi hướng kiến trúc họa tiết đặc trưng của triều Nguyễn. Đại bái thì có tổng năm gian, được tôn tạo vào năm 2000 với kiến trúc truyền thống. Hậu cung là một nếp nhà ba gian dọc, xây gạch trần mái lợp ngói ta. Nội thất trong nhà được bố trí như sau: gian ngoài cùng đặt hương án, gian thứ hai xây bệ gạch cao để đặt long ngai và các đồ tế khí, gian trong cùng là nơi thờ Cao Sơn Đại Vương và hai nữ thần phối hưởng: Tôn nữ Động Hồ Trưng Vương và công chúa Huệ Minh. Trong đền ngự một bia đá đen mang tên “Cao Sơn Đại Vương Thần từ Bi minh” ghi nên công trạng của thần Cao Sơn trong việc trợ giúp nhà vua đánh bại quân giặc cùng với 39 đạo sắc phong cho thần. Cho đến nay, tấm bia đá này được coi là hiện vật giá trị nhất còn sót lại, là minh chứng lịch sử thần thánh của cả ngôi đền này.

Cuối cùng trấn yểm ở phương Bắc là đền Quán Thánh, hay còn gọi là Quán Trấn Vũ, nằm ven hồ Tây – nút giao của đường Thanh Niên và đường Quán Thánh. Đền được xây dựng vào đầu triều Lý, nhưng đã trải qua vô số lần trùng tu, lần lượt vào những năm 1618, 1677, 1768, 1836, 1843, 1893 và 1941 (tất cả những lần trùng tu này đều được ghi chép rõ ràng trên văn bia). Trong đền thờ Huyền Thiên Trấn Vũ – một vị thần cai quản phương Bắc, đã nhiều lần hiển linh giúp nhân dân trừ tà ma, yêu quái trong vùng nên được người dân tôn sùng, các thời vua tin tưởng, mỗi lần hạn hán là dâng hương cúng bái cầu cho mưa thuận gió hòa. Trong những điển tích cổ còn sót lại, thần Trấn Vũ đã từng tiêu diệt cáo chín đuôi hung dữ ngay tại hồ Tây ngày nay. Trong thời vua Lý Thánh Tông, Ngài cũng từng hiển linh ngăn chặn quy tinh, hồ tinh và xà tinh đang có mưu đồ phá vỡ đê sông Hồng gây cảnh lụt lội cho dân chúng. Từ đó, đê sông Hồng được vững vàng, vua cho lập đền thờ được gọi là đền Trấn Vũ, chính là ngôi đền hiện nay. Trải qua những đợt trùng tu, các bộ phận kiến trúc của đền bấy giờ gồm tam quan, sân, ba lớp nhà tiền tế, trung tế, hậu cung. Các mảng chạm khắc trên gỗ nơi đây có giá trị nghệ thuật cao.

Bố cục không gian thoáng và hài hòa, kết hợp với hồ Tây ngay phía trước tạo nên một bầu không khí mát mẻ và thoáng đãng. Trong đền có đặt tượng thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ. Đây là một công trình nghệ thuật độc đáo, đánh dấu kỹ thuật đúc đồng và tài nghệ của các nghệ nhân Việt Nam cách đây hơn ba thế kỷ. Pho tượng nặng khoảng 4 tấn, cao gần 4 mét, mặt vuông, râu dài, mắt nhìn thẳng về phía trước, tóc xõa, đầu không đội mũ, mặc áo đạo sĩ nom dáng vẻ uy nghiêm, tay trái bắt quyết, tay phải chống gươm có rắn quấn và chống lên lưng vị rùa. Cũng giống như pho tượng ở Chùa Cầu Hội An, hình tượng thần Trấn Vũ hiện lên oai phong lẫm liệt, nhưng vẫn giữ được những yếu tố nhân dạng nhất quán, không có sự thêm thắt, thay đổi. Cùng với việc thờ cúng vị thần được coi là thành hoàng phương Bắc này, tín ngưỡng dân gian và lễ hội cũng được tiến hành ở nơi đây vào mùng 3 tháng 3 âm lịch hằng năm – là nơi tề tựu của du khách thập phương tỏ lòng thành kính tới người đã có công diệt trừ tà mà, đem lại cuộc sống yên ổn cho nhân dân.

Vén bức màn tâm linh bí ẩn đất Kinh Kỳ, có thể thấy tứ trấn Thăng Long không chỉ là những di tích lịch sử mang dấu ấn oai hùng của dân tộc, đây còn là nơi sự giao thoa tín ngưỡng văn hóa tiếp biến không ngừng, là một biểu tượng không thể thiếu cho sức sống Hà Nội hôm nay và mai sau. Tuy mỗi nơi thờ một vị thần riêng biệt và mang những nét độc đáo khác nhau, bốn ngôi đền ở tứ phương kinh thành đều hội tụ chung một nét đẹp văn hóa mang tính quy hoạch tâm linh ý nghĩa, vẫn ngày đêm trấn giữ để bảo vệ cho Thăng Long xưa và thủ đô Hà Nội ngày nay ngày càng yên bình và phồn vinh.