Mùa tháng ba, khi cơn mưa giông đã sắp tràn về trên những rặng mây chấp chới, lúa thì đã thôi phơi đòng và cúi đầu nặng trĩu. Những bờ mương đã cạn con nước rọt về mấy cái đìa giữa cánh đồng ngát hương. Ấy là lúc hối hả tát đìa bắt cá, chứ khi mưa giông về những con cá ức nước chui rọt theo để thoát ra khe ra suối. Mùa tháng ba những con cá ăn màu lúa chắc mẩy, thịt thơm ngọt, bụng còm ươm những trứng nhúc nhích bùi bùi. Mùa cá tháng ba hối hả, những chiếc đìa được chươm từ mùa mưa năm trước đã đến lúc thôi ngủ yên đã những mẻ cá rột roạt chạy vui trong náo nức…

Từ tinh mơ sáng mấy chủ đìa đã rủ nhau tát cá. Nếu bận này chừng mươi năm trước, mấy chiếc gàu dai úp trên giàn bếp được đưa xuống để phủi bụi những lớp bù hóng rồi quấn vô mấy sợi dây mây bện chặt mà tát nước đến trưa lơ trưa lắt mới xong mấy cái đìa chươm. Thì nay bà con dùng máy hút để nhanh tát cạn hơn. Mấy cái đìa ở giữa cánh đồng, lọt thỏm trong màu xanh cơ man vô tận của ruộng lúa xanh ngắt. Mùa nước đã rọt nên bao nhiêu cá đều đổ dồn về trong cái đìa chươm ắp nước. Mớ cá cấn chạy lách tách trên mặt đìa, tiếng chân người đi thình thịch trên bờ ruộng đã khiến mấy con cá tràu, cá trê chui tọt vô trong hang hay trốn dưới mớ bùn. Nước tát cạn phải khuấy lớp bùn lên, gỡ sạch mớ chươm đìa để mấy con cá cay mắt nổi lên thì mới bắt dễ dàng được.

Về miền Tây tát mương, bắt cá

Nước cạn mấy con tôm nhảy tanh tách, mấy con cá rô quẩy soạt soạt trong đám cỏ thia. Lần bắt thả vào trong cái rổ tre để trên mặt đìa, phát dọn đám cỏ bờ để lộ ra mấy cái hang sâu hóm, thò tay vô kéo ra cơ man là cá, từ rô, tràu đến trê, có cả mấy con lươn vàng ươm nữa. Mớ cá bắt hết thì lượm mớ ốc bưu, dộp dộp, lấy chân khõa lớp bùn là cá nhét (chạch) vàng rộm hiện ra, nhanh tay bắt để nó không lẫn lại trong đám bùn nhão.

Buổi tát đìa nào cũng đến tận xế chiều, mấy chủ đìa bắt xong thì đám trẻ nhỏ xuống vội bắt hôi để vớt vát lại mấy con cá trốn kĩ, có mẻ còn được mấy con cá to trốn sâu dưới lớp bùn. Rồi còn hò nhau ném bùn phủ đầy lên mặt. Dưới cái nắng hè bắt đầu gắt nụ cười giòn tan như quyện trong từng thớ lúa được mùa trĩu nặng.

Mớ cá bắt về đem chia ra từng loại, cá cấn, cá bạc, mấy con tép nhỏ thì kho trước với lá nghệ lá gừng rồi xúc bánh tráng sắn bùi thơm. Các loại cá lớn hơn thì để qua đêm cho sạch. Lươn, cá nhét thì để nấu mì Quảng, nước nhưn mì lươn thì ngọt thơm phải biết, chan trên tô mì trắng ngần gạo mới cho thêm nắm rau sống chuối cây thì không gì ngon ngọt bằng. Mấy con cá tràu thì đêm nấu lẩu, mấy con cá trê đem om tầm phục, nướng mọi cuốn cải. Cá trê mà om tầm phục thì hợp phải biết, cá bùi béo quyện trong cái bùi bùi của loại rau mọc ven rừng ven suối, hòa quyện đến khó tả như sinh ra để dành riêng cho nhau vậy.

Mùa lúa tháng ba mùa tát đìa bắt cá, mùa để tiếng cười giòn tan trên những gương mặt còn lấm lem bùn đất. Mùa để cả xóm cùng hòa chung niềm vui khó tả, để ngồi lại bên nhau cùng thưởng thức tô mì lươn, cuốn miếng cá nướng cho vơi đi nhọc nhằn. Mùa để súm sít con trẻ được vui hội bắt cá, để rồi mai này lớn lên đi ra với cuộc đời còn mang cái hương của bùn, cái nồng của đất mà lớn khôn. Để một mai đi ngang những chiếc đìa nghe rổn rang cá quẩy mà lòng vời vợi nhớ về những kí ức tuổi thơ nơi quê nhà đượm mong…