Khi Tết đã tràn về khắp nẻo đường Việt Nam, những người Việt xa quê như tôi vì nhiều lý do không thể trở về nhà đúng dịp mùa xuân, có lẽ cũng đang nhớ Tết đến ngẩn ngơ.

Ngồi nhìn tuyết bay đầy trời ngoài ô cửa kính giữa Bắc Âu lạnh lẽo, chợt nhớ sao là nhớ những gương mặt thân quen, nhớ côi mai già trước sân, mùi hoa vạn thọ, mùi quýt hồng, bánh tét, dưa kiệu… cứ tưởng tượng ra khung cảnh tết quê nhà và ước ao giá như giờ này, nơi ấy… có mình.

1001 bài thơ Xuân Xa Quê hay, thơ ngày Tết nhớ cha mẹ và gia đình | IINI  Blog

Có lẽ khi tuổi càng nhiều, thì niềm mong mỏi được trở về nhà đón Tết càng cháy bỏng, thiết tha. Khi mà quỹ thời gian của đời người ngắn lại, người ta càng trân quý hơn hai tiếng “gia đình” và những dịp sum vầy. Với tôi, mỗi cái Tết là một lần nhớ, một lần cúi đầu mặc niệm ba tôi.

Mất ba, Tết trong tôi đã mất đi một nửa mong chờ và niềm hân hoan vui sướng. Nhớ những ngày còn đủ đầy ba mẹ, Tết luôn mang đủ mùi vị và màu sắc. Nhớ ba với nụ cười hiền khô ngồi nhìn bọn tôi gói bánh tét, nướng bánh phồng hay chơi trò cá ngựa… cứ đi ra rồi lại đi vào, dù không nói lời nào nhưng tôi biết ba vui lắm.

Nhớ những đêm muộn về đến nhà khi bắt chuyến xe gần nhất có thể trong ngày làm việc cuối cùng trước khi nghỉ Tết, có lẽ ba đã chờ đợi rất lâu để lắng nghe tiếng xe ôm dừng lại ngoài ngõ và ra mở cửa cho đứa con xa nhà trở về đón mùa xuân sum họp. Lần nào cũng thế, chỉ cần xe dừng lại chưa đầy chục giây là đã nghe thấy tiếng bước chân ba ra mở cửa. Cảm giác ấy, thân thương và gần gũi lắm, nó khiến cho người xa quê cứ mong đợi ngày về.

Nhớ mẹ những ngày tháng chạp tỉ mẩn ngồi lặt lá mai, nhẹ nhàng và yêu thương như thể chỉ mạnh tay chút thôi là làm những nhánh mai đau. Mẹ bảo, mai cũng có linh hồn, cũng biết đợi mùa xuân mà thay áo mới, nên hãy yêu cây như thể yêu người. Giờ sống xa quê, cứ nhìn thấy một sắc hoa vàng là lại nghe lòng dâng sóng, nhớ những nhành mai nở rực cả góc trời quê.

Hôm nay là mùng 3 Tết Việt Nam, bần thần nhớ ba – người thầy vĩ đại nhất của đời tôi. Tôi vẫn nhớ ba hay bảo: Mùng 1 tết Cha, mùng 2 tết Mẹ, mùng 3 tết Thầy. Ngày xưa cứ sáng sớm mùng 3 tết là ba lại châm bình trà nóng và sửa soạn dĩa bánh mứt ngon ra ngồi trước sân nhà, dưới cội mai già, một mình với hai chiếc tách cứ được châm trà đều đặn. Đó là thời gian ba dành cho người thầy mà ba kính trọng nhất, người đã hun đúc ước mơ cho ba bước vào đại học chuyên toán.

Những ngày mùng 3 Tết nhà tôi lúc nào cũng đông khách. Đó là những thế hệ học trò của ba, những đứa con xa xứ về thăm người thầy giáo mà họ rất mực yêu quý. Có người là doanh nhân thành đạt, có người là ca sĩ nổi danh, đạo diễn tên tuổi, hay bác sĩ, kỹ sư… cũng có người là nhà giáo như ba tôi. Tất cả đều như những cô cậu học trò nhỏ ngày nào, lễ phép và thành kính vòng tay “thưa thầy, em/con mới về!”.

Ba nhận được danh hiệu Nhà giáo Ưu tú vào Ngày nhà giáo năm ấy. Và những tấm bằng khen, huy chương vì sự nghiệp giáo dục trải dài theo năm tháng như một “địa điểm tham quan” cho các thế hệ học trò vào mỗi dịp mùng 3 Tết. Họ đọc từng dòng, có người mắt long lanh nước, tự hào về người thầy, thần tượng của mình.

Sưu tầm