Tôi sinh ra ở một miền quê nghèo xứ Thanh. Ngày ấy bố mẹ chỉ lo chạy ăn tưng bữa,lo cho con cái tấm áo manh quần lành lặn cho khỏi xấu hổ với bạn bè là đươc. Bố mẹ làm gì mà có thời gian lo đến những việc khác. Chúng tôi lớn lên trong sự mộc mạc, giản dị của làng quê chưa có những tệ nạn. Chúng tôi thả diều bắt bướm, móc trộm khoai ngay chính ruộng nhà mình. Tuổi thơ hồn nhiên vô lo vô nghĩ.

Tôi nhớ nhất là huơng vị tết. Chính trong những ngày tết tôi cảm nhận được những điều đẹp đẽ. Cứ vào tháng 11 âm ông bắt đầu trồng hoa thược dược. Ông ươm từng củ thược dược rồi làm đất trồng hoa. Cháu thì nghịch cứ bốc đất vãi xũng quanh. Ông bảo: “ Ngoan, để ông làm”. Ông chăm vườn hoa một cách tỉ mỉ.Từ khi tôi biết nhớ là luôn thấy ông tết năm nào cũng trồng hoa . Ông tính khéo đến nỗi cứ Tết đến là vườn nhà ông rực rỡ màu hoa. Nhà chúng tôi không phải mua hoa tết bao giờ bởi vườn nhà ông thứ gì cũng có. Những cành đào phai nhỏ nhỏ xinh xinh được ông cắt vào đặt trên ban thờ ông bà, rồi những bông hoa thược dược đủ màu được cắm trên bàn uống nước. Những bông hoa làm bừng sáng không gian phòng khách. Khách đến chúc Tết cũng trầm trồ trước sự bày biện tinh tế của ông. Tôi lớn lên theo năm tháng theo sự chỉ dạy của ông bà, mùi hương trầm, mùi nước trà buổi sớm mai… Tôi hay gọi là mùi của ký ức.
Từ nhà tôi đến nhà ông bà khoảng một cây số, chị em chúng tôi dắt tay nhau đi bộ vào chúc Tết ông bà.

Những hình ảnh gợi nhớ ngày tết cổ truyền Việt Nam

Những cái Tết khi thời buổi đất nước còn khó khăn. Ông bà ngồi quay bên bếp lửa, trên bếp bao giờ cũng có một nồi cá kho dưa. Và chúng tôi sẽ đươc ông bà múc cho nếm thử. Cái mùi vị ngon đến tận bây giờ. Giờ đây có ăn bao nhiêu đồ ngon đi chăng nữa cũng không có gì sánh nổi mùi vị của món cá kho dưa năm ấy. Chúng tôi lớn lên trong tình yêu thương của ông bà, sự chăm sóc cả về vật chất lẫn tinh thần. Nhớ mãi hình ảnh cô bé tóc vành lũn cũn ôm bịch gạo ông cho mang về để mẹ nấu cơm. Nhớ làm sao cảnh ông bà và các dì ngồi lau lá, giã lá gai làm bánh để thắp hương. Luộc bánh xong, ông chia phần cho cháu mang về cho mẹ bày lên bàn thờ. Mùi khói bếp vẫn cay mắt cháu đến giờ…

Tôi nhớ những đêm giao thừa ông lại chuẩn bị bút mực để vẽ tranh. Những bức tranh thủy mặc dần hiện ra. Hình ảnh của ông gầy gầy nghiêm cẩn in sâu trong tâm trí tôi. Ông bảo khai bút đầu xuân cho may mắn cả năm. Cứ sáng mùng một ông lại gọi tôi lại và bảo: Đẹp không cháu? Đến sau này, tôi có gia đình riêng. Xa quê, ông đã mất từ lâu nhưng tôi luôn hướng về người với lòng biết ơn sâu sắc. Tôi viết những dòng chữ khai bút cho năm mới tri ân ông bà cha mẹ và cầu chúc cho mọi người một năm mới bình an. Tôi mới nhận ra rằng: Những thứ ông trao cho tôi lớn lắm. Ứng xử, nhận thức và cách ứng nhân xử thế của tôi ảnh hưởng rất nhiều từ ông. Cảnh ông vẽ tranh và mùi hương trầm luôn là điều tôi nhớ rõ ràng nhất về Tết. Tết với đứa nhỏ như tôi không phải là lì xì hay đồ ăn ngon. Mà Tết với tôi là vườn hoa rực rỡ, là nét mực đen, là mùi hương thoang thoảng trong không gian tĩnh lặng. Để bây giờ dù đi đâu tôi cũng nhớ về tết quê nhà với một sự bùi ngùi, da diết khôn nguôi.

Tôi mới nhớ ra rằng thiền sư Thích Nhất Hạnh từng viết: ” Tôi biết cái thân này không phải của riêng tôi mà nó là sự tiếp nối của mẹ,của cha, của ông bà, của cụ kỵ, của tổ tiên..”. Ông ơi, con đang nối tiếp những điều tốt đẹp trong cuộc đời này mà ông chưa kịp làm ông ạ.