Trong tâm thức của mỗi người dân Việt, hình như ai cũng có một giếng làng. Giếng làng là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt, tưới tiêu, duy trì sự sống cho dân làng, đồng thời còn là tấm gương phản chiếu những nét sinh hoạt thân quen của làng quê, là nơi lưu giữ biết bao kỉ niệm vui buồn, là mạch nguồn sâu thẳm khiến người ta thấm lâu, bền nhớ. Với những người con xa quê, sau một hành trình dài trở về, đơn giản chỉ là nghỉ chân, soi bóng mình, uống ngụm nước mát lành từ giếng đã mang đến cảm giác sảng khoái, an lành, bỏ lại những ồn ào, tất bật của cuộc sống thường nhật.

Giếng có nhiều hình dạng: tròn, vuông, chữ nhật, bán nguyệt… Riêng giếng làng tôi có hình bát giác, được đào rộng, xung quanh miệng giếng được xây cao lên tầm nửa mét bằng đá ong. Giếng nằm chếch về bên trái lối dẫn vào khu vườn nhà nội tôi, xung quanh là vườn tre xanh rờn đầy sức sống, tỏa bóng râm mát, che cho người có việc đi ngang qua buổi trưa nắng ngồi nghỉ chân; cho trâu bò đến nằm nhai uể oải, mắt khép hờ lim dim. Cứ đến mùa thay lá, thì toàn bộ tán tre xanh chuyển thành màu vàng nhạt. Chỉ một trận gió thoảng qua, tầng tầng lá nối nhau bay xuống rải vàng trên đất, trên giếng.
Không biết cái giếng có tự bao giờ, chỉ biết ngày tôi tập đi chập chững, đã níu áo theo chị ra giếng gánh nước. Tuổi thơ tôi cứ thế gắn bó với giếng làng bất kể thời gian, bất kể ngày mưa, nắng. Ông nội tôi nói rằng: “Giếng nước là nơi hội tụ nguồn sống, là nơi tích phúc để dân làng ăn nên làm ra. Giếng là đôi mắt tụ thủy của làng nên tự bao đời người ta truyền lại cho nhau phương pháp đào giếng là vào ban đêm lấy cái bát úp vào nơi định đào giếng, sáng ra thấy bát nào đọng nhiều hơi nước thì mạch nước ở đó tốt bởi là mạch dọc, vì mạch dọc thẳng đứng, nước nhiều và trong”. Tôi không rõ khi xưa cái giếng làng có được đào theo phương pháp trên hay không mà nguồn nước luôn dồi dào, xanh và trong vắt.

Mỗi sáng tinh sương, khi vầng đông chưa ló dạng, chị tôi đã quẩy đôi thùng thiếc có chứa nồi nước lá chanh, lá sả, hoặc hoa bưởi mà chị đã dậy nấu từ lúc gà gáy sang canh, tay cầm theo chiếc gàu ra giếng gội đầu, gánh nước. Thường thì buổi sáng chị đi một mình vì khi ấy tôi vẫn còn đang ngái ngủ, năm ba bữa tôi mới dậy sớm đi gánh nước cùng chị một bữa, đó là vào những hôm tôi thấy nhớ thằng Còi cuối xóm, cái thằng có đôi mắt tròn như hòn bi ve, khi cười lộ mấy cái răng sún, có lần nó tặng tôi chùm hoa dâm bụt khiến tôi nhớ mãi. Tôi giành cầm cái gàu rồi tung tăng chạy trước. Đường đi phải băng ngang khu vườn rộng, trồng đủ thứ cây ăn quả của nội, rồi xuyên qua hết khu vườn tre lúc nào cũng xào xạc lá và cuối cùng mới tới cái giếng.

Giếng làng mới sáng đã léo nhéo tiếng người, chủ yếu là các cô, các bà tranh thủ gánh nước, giặt giũ sớm để kịp ra đồng. Vài ba đứa nhóc độ tuổi tôi được mẹ dắt theo ra giếng để tắm gội. Tôi cũng được chị cho gội đầu ké bằng thứ nước thơm chị nấu. Mái tóc của chị em tôi nhờ được gội từ nước lá chanh, lá sả, hoa bưởi nấu từ nguồn nước nơi giếng làng trong trẻo nên luôn suôn mượt, óng ả, dìu dịu hương thơm. Gội đầu xong, chị thả gàu kéo nước, đổ đầy hai thùng sóng sánh rồi gánh về, gánh nặng mà đôi chân trần của chị cứ chạy đều thoăn thoắt. Tôi ở lại giếng chơi với lũ bạn, đến gánh cuối cùng chị gọi, tôi mới cầm cái gàu lẽo đẽo theo về. Buổi sáng chị gánh mười mấy đôi như vậy, nước được đựng đầy mấy chiếc lu sau nhà dùng để sinh hoạt và tắm cho đàn lợn.

Giếng làng – “báu vật” của mỗi làng quê

Buổi trưa nào tôi cũng cùng đám trẻ trong làng tập trung ở vườn tre cạnh giếng chơi rượt bắt, trốn tìm, chơi trò cô dâu chú rể. Chơi chán, mồ hôi nhễ nhại, tụi con trai xúm lại kéo gàu múc nước tắm, tạt vào nhau, đùa ầm ĩ cho đến khi ba thằng Còi xuất hiện với chiếc roi mây vung vẩy trên tay, ấy là lúc đám trẻ con không ai bảo ai, lấm lét tự giải tán.

Chiều đến, khi mặt trời ngả xuống, chuẩn bị khuất sau đám mía nhà thằng Còi là lúc mọi người trong làng lại lục tục từng tốp kéo nhau ra giếng. Đàn ông, đàn bà, trai gái, con nít có đủ. Họ gánh nước về sinh hoạt, cho trâu bò uống, một số người luôn tiện tắm, gội, giặt giũ tại giếng. Họ gặp nhau kể chuyện ngày mùa, chợ búa; chuyện thằng Bốn, thằng Quy sắp đi nghĩa vụ quân sự; chuyện con Tư sắp lấy chồng làm bác sĩ thú y ở làng bên… Tiếng thả gàu xuống giếng cái “tùm”, tiếng nước đổ vào thùng ào ào, tiếng trẻ con nghịch nước trong thau bì bõm, tiếng cười nói râm ran, vui vẻ như xua tan đi cái mệt nhọc sau một ngày làm việc vất vả. Những câu chuyện bên giếng làng cứ kéo dài mãi đến khi bóng tối nhá nhem mặt người, đàn đom đóm dưới đám lá tre bắt đầu bay lên lập lòe mới thôi.

Từ tối tới nửa khuya, nhất là những đêm rằm trăng sáng, giếng trở thành nơi hò hẹn lý tưởng của những đôi trai gái trong làng gặp nhau tình tự, kẻ trao khăn, người hẹn ước với giọng nói chân tình xen lẫn tiếng cười khúc khích. Chị tôi cũng đã nên mối duyên lành từ những lần gặp gỡ tại giếng làng. Tôi nhớ có lần chị đi “hò hẹn” và dắt tôi theo. Suốt buổi tối cạnh giếng, tôi ngồi đập muỗi và loay hoay chơi với mấy con đóm đóm bắt được trong vườn tre. Còn chị và anh Bình nói với nhau đủ thứ chuyện, anh còn tặng chị tôi cái kẹp tóc, chị cười vui ra mặt. Sau màn tặng kẹp, tôi tưởng sắp được về, ai ngờ anh Bình tiếp: “Trăng đêm nay sáng quá, Hương nhìn ánh trăng dưới giếng nè, đẹp ghê. Mình ngắm trăng thêm lát nữa được không?”. Chị tôi gật đầu, tựa vào vai anh bẽn lẽn. Tôi buồn ngủ lắm nhưng không dám giục chị về, gió đêm mát rượi, tôi ngủ luôn bên thành giếng lúc nào không hay. Mấy năm sau, chị và anh Bình cưới nhau.

Thời gian cứ thế trôi đi, lớp trẻ con chúng tôi lớn dần lên bằng nguồn nước giếng làng ngọt lành ngày ấy, giờ đã tản mát tứ phương. Những thế hệ sau chúng tôi sống ở thành phố đều dùng nước máy, vặn vòi là có nước nên khái niệm “cái giếng” dường như quá xa lạ với họ. Ngay ở làng tôi cũng vậy, tôi đi xa mới có mấy năm mà hệ thống nước máy đã thay thế hoàn toàn nước giếng. Ngày trở về, tôi đi ngang qua giếng làng, không một bóng người, không còn cái cảnh nhộn nhịp gánh nước, tắm gội ngày nào. Giếng vẫn ăm ắp nước nhưng nằm cô đơn, tư lự bên vườn tre ngập lá. Cái giếng dường như đã hoàn thành sứ mệnh của mình. Tôi nhặt chiếc gàu chỏng chơ ai bỏ lại, thả xuống múc nước. Mặt nước có một làn hơi mờ ảo bốc lên từ trong lòng giếng, những chiếc lá tre dập dềnh phủ kín gàu nước. Khoát nước lên mặt, tôi cảm nhận vị ngọt lành trong trẻo của hồn quê chưa bao giờ cạn, nghe như có cái lặng lẽ, khiêm nhường nhẹ nhàng, thấm vào lòng người cái mát lạnh của hơi đất, hơi làng.

Tôi bỗng ngậm ngùi, nuối tiếc khi mai này cái giếng sẽ trở thành thiên cổ, chỉ còn lại những nét mờ nhạt trong kí ức mỗi người. Nhưng đối với tôi, hình ảnh giếng làng đã ăn sâu, bám rễ trong tâm hồn. Dù vạn vật đổi thay nhưng tôi tin sự thủy chung, mộc mạc, ân tình của giếng làng vẫn sẽ thấm vào lòng người dân quê thuần hậu qua bao thế hệ.