Vào khoảng giữa những năm 50 của thế kỷ trước, có một người con Hà Nội đã trót nặng tình nặng nghĩa với đất thủ đô ngàn năm văn hiến, để rồi bằng ngòi bút tài hoa đã phác thảo nên những bức tranh sơn dầu độc đáo, tôn vinh nét quyến rũ lịch sử của mảnh đất này. Không ai khác đó chính là họa sĩ Bùi Xuân Phái, người đã tái hiện phố phường Hà Nội đầy xúc cảm với những nét thâm trầm kiêu hãnh. Tìm xem tranh của ông, ta thấy một Hà Nội đơn sơ, những gian nhà cổ nằm san sát nghiêng mình theo từng đợt gió, là những chiếc xích lô ngang qua phố cũ, là gánh hàng rong vất vả ngược xuôi. Một mảnh hồn người phải gắn bó thân thiết lắm mới có thể họa ra những bức tranh sống động đến như thế, để rồi khái niệm “Phố Phái” từ đó vẫn còn mãi trong hoài niệm thương nhớ của rất nhiều người cho đến ngày hôm nay.

Họa sĩ Bùi Xuân Phái (1920 – 1988) sinh ra tại xã Vân Canh, huyện Hà Tây, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội) và lớn lên trong một gia đình tiểu tư sản trung lưu trên phố Hàng Thiếc, sau chuyển về số 87 Hàng Bút hay chính là phố Thuốc Bắc ngày nay. Lớn lên giữa lòng phố cổ đầy hoài niệm với nếp sống vất vả ngược xuôi, ông đã dần thuộc lòng mọi con đường, ngõ ngách, và cũng chính vì hoàn cảnh sống như vậy mà ông được truyền cảm hứng để vẽ về những con phố thân thuộc ấy. Xuất thân là sinh viên tốt nghiệp khoa hội họa Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa 1941 -1945, ông đã từng tham gia kháng chiến và tham dự triển lãm ở nhiều nơi. Trong đó phải kể đến sự thành công của ông trong triển lãm ở Tokyo, đem về giải thưởng Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1946. Là những họa sĩ thuộc thế hệ cuối cùng của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương cùng thời với Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, ông nổi bật với đam mê mảng đề tài phố cổ với chất liệu sơn dầu. Trong thập niên 70, tranh của ông đã vô cùng nổi tiếng và được giới mộ điệu ưu ái đặt cho dòng tranh cái tên “Phố Phái”. Đó là bởi vì trong những năm tháng vất vả tiêu điều ấy, người Hà Nội mới nhận ra những góc phố tuy rất đỗi thân quen, đầm ấm nhưng cũng không kém phần thi vị vẫn hiện hữu tồn tại trong lòng thủ đô. Từ đó, họ nhìn tranh của ông mà thêm thấm, thêm yêu và trân quý từng mảnh đời người một thời và tấm tắc khen ông “như một mạch nước ngầm, ngày càng lan rộng và thẩm thấu chân thành đến tận cùng những tâm hồn xa lạ” (theo Thái Bá Vân).

Phong cách sáng tác của họa sĩ Bùi Xuân Phái được phát triển qua các thời kỳ, từ khi ông còn là sinh viên cho đến khi ông có một chỗ đứng vững chắc trong nền hội họa nghệ thuật nước nhà. Bức tranh vẽ phố đầu tiên của ông được vẽ vào những năm 1940, có tên là “Phố Hàng Phèn”. Bức tranh này sau đó đã được vinh dự tham gia triển lãm ở Tokyo và có người mua ngay lập tức. Trong suốt những năm sau đó đến tận năm 1960, ông vẫn chưa có một phong cách cụ thể, hay một đề tài nào chuyên sâu, ông thường vẽ những bức tranh mang tính thể nghiệm, đột phá theo trường phái hiện đại thời bấy giờ, tiêu biểu là những bức khỏa thân và tranh tĩnh vật được thể hiện theo trường phái lập thể. Đâu đó quanh thời điểm này ông cũng cho ra đời những bức tranh phố cổ, tuy nhiên giới mộ điệu cho rằng những bức tranh ấy so với thời kỳ sau này thì còn chưa đặc sắc, dù ông chăm chút rất nhiều về các chi tiết, khác hẳn với sự khái quát sau này được thể hiện trong tranh. Sang đến những năm sau 1960, người ta mới thấy được cái hồn Hà Nội trôi nổi trong tranh, từ đó mới chia mảng đề tài phố cổ Hà Nội của Bùi Xuân Phái ra làm ba giai đoạn chính: Thời kỳ Nâu (1960 – 1970), thời kỳ Ghi Xám (1970 – 1980) và thời kỳ Lam (1980 – 1988).

Đi vào cụ thể, có thể nói thời kỳ Nâu mang dấu ấn đặc trưng nhất về phong cách, tinh thần Bùi Xuân Phái. Đặc trưng những bức tranh của ông trong thời kỳ này nổi bật lên là những khung cảnh phố cổ Hà Nội còn nguyên sơ, chưa sửa sang, cơi nới. Cái tên “Nâu” được đặt cho thời kỳ này cũng không phải là không có nguyên do. Tranh ông bấy giờ thường bàng bạc đượm buồn, cô đơn và hoài cổ. Xem tranh ông trong thời kỳ này có thể dễ dàng nhận ra sự tiếc nuối bao trùm, những góc phố vắng người qua, những mái nhà thâm nâu yên ắng tạo nên sự tĩnh mịch phủ toàn con phố. Những ngôi nhà điểm các ô cửa sổ bằng vệt màu thẫm cũng phần nào thể hiện nỗi bi ai, bất lực và khốn khó của ông trong cuộc đời. Sang đến thời kỳ Ghi Xám, sự thay đổi của xã hội con người cũng có những ảnh hưởng nhất định lên những bức tranh, ở đó trên phố không còn những người đàn ông mặc áo dài nữa, những người bán rong được thay màu áo mới, các ô cửa sổ được vẽ kỹ hơn, xe bò kéo cũng không còn xuất hiện. Thời kỳ này, Bùi Xuân Phái vẽ tranh với gam màu ghi xám, nét vẽ tung tẩy, nhẹ nhàng, phong cách dần ngả sang theo hướng trừu tượng hóa. Tám năm cuối đời ông là thời kỳ Lam ghi dấu ấn với nét vẽ tươi vui, màu tranh trở nên nhẹ nhõm với gam màu ấm của nắng, của những vệt áo đỏ qua đường. Ông cũng bắt đầu tham dự nhiều triển lãm hơn, cả trong và ngoài nước. Đây cũng là thời kỳ mà tranh của ông được biết đến rộng rãi. Giới trẻ và người ngoại quốc yêu thích tranh ông trong thời kỳ này hơn cả.

Từng giai đoạn là từng mảng màu khác nhau tạc nên Hà Nội một thời khó khăn thiếu thốn mà vẫn rất nên thơ, cho thấy ông là một họa sĩ hiểu rất rõ về chủ đề nghệ thuật của mình. Con người thật thà chỉ biết vẽ sự thật, chỉ có thể biểu lộ những nỗi niềm thật. Bùi Xuân Phái sẽ không bao giờ vẽ những gì mà ông chưa thấu đáo. Nhiều lúc lang thang trên phố cổ nội thành, người ta còn hay bắt gặp một người đàn ông gầy gò với vẻ mặt tương đối lãnh đạm cùng một cuốn sổ nhỏ, bìa cứng và chiếc bút chì mòn vẹt trong tay. Ông tỉ mẩn ghi chép từng mái nhà, từng ô vuông cửa cho tới từng ngã ba, góc phố, người đi qua hay những ngôi nhà cũ lam nham khói bếp. Đến khi sáng tác, ông chỉ cần mở lại cuốn sổ của mình ra, hồi tưởng lại khung cảnh mình đã chép lại rồi đặt vào đó một dòng cảm xúc, một cái hồn phủ đượm lên tranh và tác phẩm ra đời. Chính nhờ cách làm việc ấy, tranh vẽ phố của Bùi Xuân Phái luôn hiện lên tính thẩm mỹ nhưng không kém logic. Những ô cửa, căn nhà,… được lắp ghép với nhau theo trật tự viễn cận hoàn toàn chính xác. Bên cạnh đó, “Phố Phái” còn đem đến những bố cục cắt cảnh đầy bất ngờ và tài hoa, những nét đen khỏe khoắn, mới mẻ vạch ra trật tự con đường Hà Nội đầy sống động. Thế mới thấy, sẽ là nói không ngoa nếu ta ca ngợi Bùi Xuân Phái như một người thợ cần mẫn tạo dựng nên diện mạo của phố cổ Hà Nội. Không phải ngẫu nhiên mà thuật ngữ “Phố Phái” tồn tại từ nhiều năm trước khi họa sĩ còn sống, đấy là những bức tranh mang tầm tư tưởng chứ không chỉ còn là tả thực. Dưới đôi bàn tay tài hoa, đó có thể là trong veo mơ mộng nghe tiếng xích lô qua, là những “phố thâm nghiêm rợp bóng cây”, là thưa thớt hàng liễu kéo dài đến Tháp Rùa xa tít tắp. Cái hồn của Hà Nội hiện lên không chỉ bằng màu sắc, bằng nét vẽ mà bằng cả tâm tình người con mảnh đất thủ đô ấp ủ trong đó. Bùi Xuân Phái yêu Hà Nội, Hà Nội và người Hà Nội cũng yêu Bùi Xuân Phái, chẳng có một ai yêu Hà Nội mà không mang trong tâm tưởng nỗi ám ảnh về phố cũ như trong tranh của ông. Chính tình yêu của ông đã thuyết phục người mua tranh chứ không nằm ở lý do nào khác. Người ta bị thuyết phục bởi chả có ai yêu phố cổ như cái cách ông yêu, chả có ai vẽ Hà Nội có hồn như cách ông vẽ. Người Hà Nội chia sẻ tình yêu của ông theo cách riêng, giản dị, không ồn ào và thầm chấp nhận ông là một phần rất tự nhiên trong cái đời sống văn hóa sâu lắng nhất, cùng với “Phố Phái” là nơi hội tụ những điều đẹp nhất còn được nhớ về ở đất Hà Thành.

Phố Phái xưa và phố cổ Hà Nội nay đã có nhiều sự đổi khác, những căn nhà xiêu vẹo trong lòng thành phố giờ được điểm tô bởi những ngôi nhà vững chãi hơn và hiện đại hơn. Dưới con mắt của giới trẻ, những bức tranh về phố cổ Hà Nội của họa sĩ Bùi Xuân Phái là một phần của lối sống nơi phố cũ, nơi những giá trị lâu đời và mới mẻ đan xen nhau, tôn nhau cùng phát triển. Nếu văn hóa đường phố độc lạ bây giờ được đại diện bởi các nguồn nghệ thuật ngoại lai, thì “Phố Phái” như một nét trầm lặng lẽ giữa thủ đô, ngày ngày được tôn vinh và nhớ về. Tìm về tranh của ông, là tìm về một dòng tranh có vị trí độc tôn trong kho tàng hội họa nước nhà, nơi ta thêm phần trân quý một thời Hà Nội đầy khó khăn nhưng tình yêu cho thủ đô thì vẫn luôn rực cháy. Với tất cả những giá trị như vậy, Bùi Xuân Phái xứng đáng được biết đến nhiều hơn nữa nhưng với tư cách một tượng đài yêu thành phố này da diết.