Ai trong chúng ta không biết đến câu chuyện về mối tình của nàng Mỵ Châu với Trọng Thủy (Trong truyền thuyết An Dương Vương và Mỵ Châu – Trọng Thủy, trích từ Truyện Rùa Vàng trong Lĩnh Nam chích quái – một sưu tập truyện dân gian ra đời cuối thế kỉ XV). Đó không phải đơn thuần là câu chuyện nói về tình duyên đôi lứa hạnh phúc hay khổ đau, bền lâu hay giữa đường đứt gánh; mà trong đó còn chứa đựng ẩn ý của người xưa về bài học giữ nước, về cách xử lí mối quan hệ giữa chung và riêng, giữa nước với nhà, giữa cá nhân với cộng đồng. Đất nước Âu Lạc rơi vào tay giặc do đâu? Trách nhà vua hay trách Mỵ Châu?

1. Với người xưa

Trong quan điểm của người xưa, An Dương Vương có công xây thành, chế nỏ để giữ gìn, bảo vệ cơ đồ Âu Lạc. Nhờ có lòng quyết tâm, kiên trì, cùng với sự giúp đỡ của thần linh (Rùa Vàng), nhà vua đã xây được thành cao, hào sâu; lại có nỏ thần trong tay nên đã đánh bại được quân Triệu Đà xâm lược, giữ cho đất nước được yên bình. Sau đó nhà vua đã nhận lời cầu hòa của Triệu Đà, nhận lời cầu hôn gả con gái yêu Mỵ Châu cho con trai Triệu Đà là Trọng Thủy. Không hề nhận ra rằng đây là âm mưu nham hiểm, quỷ quyệt của Triệu Đà, vua còn cho Trọng Thủy ở rể ngay trong Loa Thành mà không một chút mảy may đề phòng. Rồi lại chủ quan khinh địch, cậy có nỏ thần trong tay nên không hề lo lắng, chuẩn bị ngay cả khi quân Triệu Đà đã tiến đánh đến chân thành. Vua còn ngồi ung dung chơi cờ mà cười rằng: “Đà không sợ nỏ thần sao?” Sự lơ là, mất cảnh giác; chủ quan khinh địch của nhà vua đã khiến ông không kịp trở tay khi quân của Triệu Đà đánh vào thành. Nhà vua chỉ còn kịp nhảy lên ngựa và mang theo Mỵ Châu bỏ chạy. Đất nước rơi vào tay giặc. Chúng ta nhận thấy nhân dân xưa đã tỏ ý trách móc nhà vua bằng việc bắt ông phải trả giá qua hành động tự tay giết đi đứa con gái yêu, duy nhất của mình. Nhưng trong thái độ của nhân dân, nhà vua vẫn luôn nhận được sự kính trọng và biết ơn. Và đối với họ, ông trở nên bất tử: Vua cầm sừng tê bảy tấc, Rùa Vàng rẽ nước dẫn vua đi xuống biển.

Còn đối với Mỵ Châu thì sao? Nàng đóng vai trò gì trong việc giữ gìn vận mệnh Âu Lạc? Trách nhiệm của nàng nặng nhẹ ra sao khi cơ đồ Âu Lạc rơi vào tay giặc? Mỵ Châu ngoan ngoãn nghe theo lời chakết hôn với Trọng Thủy. Mỵ Châu khờ dại cho Trọng Thủy xem trộm nỏ thần mà không hề hay biết rằng người chồng bên cạnh luôn nói lời yêu thương mình kia là một tên gián điệp nguy hiểm. Mỵ Châu vô tư đánh dấu lông ngỗng dọc đường trốn chạy chỉ với một suy nghĩ ngây thơ là mong vợ chồng sớm được sum họp, đoàn tụ nhưng lại không hề nghĩ đến đó là hành động dại dột dồn vua cha vào con đường cùng. Mỵ Châu phải trả giá cho tất cả những hành động nàng gây ra bằng chính mạng sống của mình. Trong tâm thức của người dân, cuối cùng, Mỵ Châu vẫn được tha thứ. Lời khấn nguyện của nàng trước khi chết đã thành sự thật: “Thiếp là phận gái, nếu có lòng phản nghịch mưu hại cha, chết đi sẽ biến thành cát bụi. Nếu một lòng trung hiếu mà bị người lừa dối thì chết đi sẽ biến thành ngọc châu để rửa sạch mối nhục thù”. Máu của nàng chảy xuống biển, trai sò ăn phải đều biến thành ngọc. Nhưng dù tha thứ, nhân dân vẫn thẳng thắn trách tội Mỵ Châu, bắt nàng phải chịu trách nhiệm cho hành động sai trái, dại dột của mình.

MS19 - Kể lại câu chuyện "Truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy" bằng lời kể của Trọng Thủy - Viết văn học trò

Lời nói của Rùa Vàng: “Kẻ nào ngồi sau ngựa chính là giặc đó” chính là lời phán quyết cuối cùng đối với Mỵ Châu. Nhân dân đã mượn lời Rùa Vàng để thể hiện quan điểm của mình. Nhưng xét cho cùng, cơ đồ Âu Lạc “đắm biển sâu” đâu chỉ do mình Mỵ Châu?! Vậy mà tội danh đó, mình nàng gánh cả. Người xưa liệu có quá khắt khe với nàng?

2. Với người nay

Chúng ta – những con người hậu thế, nhìn về chuyện của người xưa hẳn có nhiều quan điểm, cách nghĩ khác nhau.Chính vì vậy, khi nhắc đến câu chuyện của cha con An Dương Vương, khi đánh giá về vai trò, trách nhiệm của họ đối với sự tồn vong của đất nước Âu Lạc, đã xuất hiện rất nhiều quan điểm khác hẳn với nhân dân thuở trước. Nhiều người lên tiếng tỏ ý cảm thông, bênh vực cho Mỵ Châu, cho những sai lầm mà nàng đã phạm phải; thương xót cho nàng khi phải chịu hình phạt từ lịch sử. Suy cho cùng, vì là người ngoài cuộc, chúng ta sẽ có cái nhìn đa chiều, cởi mở và cách đánh giá khách quan hơn về mọi việc.Cái lý để người đời sau bênh vực, cảm thông cho Mỵ Châu có thể xuất phát từ những khía cạnh sau:

Mỵ Châu, dù có là công chúa cành vàng lá ngọc thì cũng vẫn là người con gái sống trong chế độ phong kiến. Tất nhiên nàng cũng như bao người con gái khác phải chịu sự cương tỏa của lễ giáo xưa kia. Tất cả mọi việc đều phải tuân theo sự sắp đặt của cha mẹ: “tại gia tòng phụ”. Họ không có quyền quyết định cho số phận, hạnh phúc của mình.Có người may mắn được cha mẹ hứa gả cho người từ thời thanh mai trúc mã, tâm hợp ý đầu. Nhưng không ít người cho đến khi “Lấy chồng mới biết mặt chồng”. Trong đó có công chúa Mỵ Châu. Nhưng nếu Mỵ Châu được gả đi theo chồng như các công chúa khác trong lịch sử (Công chúa Huyền Trân được gả cho vua Chế Mân của Chiêm Thành; An Tư công chúa – con gái út của vua Trần Thái Tông – được gả cho Thoát Hoan; Công chúa Ngọc Vạn – con gái thứ hai của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên được gả cho vua Chey Chetta II;…) thì có lẽ nàng đã không phải mang tội danh là giặc.

Trong xã hội lúc bấy giờ, nữ nhi thường tình ít ai được can dự vào việc triều chính. Việc của họ là nữ công gia chánh, thêu thùa may vá. Có lẽ Mỵ Châu cũng là một trong số đó. Nàng vâng lời cha kết hôn cùng Trọng Thủy nhưng lại không hề hay biết Trọng Thủy là con của giặc. Là do Mỵ Châu thờ ơ với mệnh quốc hay do vua cha của nàng không dạy dỗ, chỉ bảo cho con biếtmối hiểm họa từ “kẻ thù xưa”? Mỵ Châu lấy chồng, lẽ tất nhiên “xuất giá tòng phu”. Một lòng thương yêu chồng, chân thành với chồng thì có gì là sai trái.Đã là vợ chồng thì sao lại đề phòng, giấu giếm nhau. Bởi vậy nên mới có chuyện Mỵ Châu cho Trọng Thủy xem trộm nỏ thần. Việc Trọng Thủy tráo nỏ là điều nàng không hề ngờ tới. Hơn nữa, nếu như ngay từ đầu, vua An Dương Vương coi trọng bảo vật quốc gia, cho người canh phòng, bảo vệ cẩn mật thì sẽ không có chuyện xem trộm cũng như đánh tráo nỏ thần. Trọng Thủy dù có dùng lời ngon ngọt thế nào để dỗ dành sự ngây thơ của Mỵ Châu thì nàng cũng không có cơ hội mắc lỗi.

Tình vợ chồng bao năm gắn bó, không ai muốn xảy ra sự chia ly. Bởi vậy, khi hai nước bất hòa, Mỵ Châu chỉ có một suy nghĩ giản đơn là làm thế nào để vợ chồng sớm được đoàn tụ, sum họp? Việc rắc lông ngỗng dọc đường trốn chạy không nhằm mục đích đánh dấu đường cho giặc đuổi theo để dồn cha đến con đường chết. Nàng chỉ muốn Trọng Thủy tìm được mình. Đó là mong muốn của bao người nhi nữ thường tình về một mái ấm gia đình trọn vẹn, về hạnh phúc lứa đôi viên mãn. Mong ước đó có gì sai?

Vậy nhưng sau tất cả, nàng đã bị người xưa kết tội là giặc – kẻ đã đẩy cơ đồ Âu Lạc rơi vào tay giặc, kẻ đã dồn vua cha tới con đường cùng. Tội danh đó phải trả giá bằng mạng sống. Dù sau khi trừng phạt, người đời xưa có thể hiện tấm lòng bao dung đối với Mỵ Châu bằng việc cho lời khấn nguyện của nàng thành sự thực thì trước khi chết nàng vẫn phải ôm nỗi đau với tội danh là giặc. Có thể, thỏa với người xưa nhưng sẽ không thỏa với người nay. Bởi vậy, không ít người đã lên tiếng bênh vực Mỵ Châu, cảm thương cho nàng. Nhiều thi nhân đã viết lên những lời thơ buồn thương cho số kiếp Mỵ Châu, trong đó nhà thơ Văn Trọng Hùng. Với lòng đồng cảm sâu sắc, tác giả đã hóa thân thành Mỵ Châu để nàng trò chuyện với vua cha An Dương Vương:

Gả con cho Trọng Thủy là cha
Hẹn hò với Trọng Thủy cũng từ cha
Vì cha không nói với con người con yêu là giặc
Người yêu nào khi chia xa mà chẳng hẹn ngày gặp mặt
Nên những chiếc lông ngỗng kia mới khắc khoải dọc đường

Con không trách cha trút giận một đường gươm
Dẫu là vua, cha cũng chỉ người trần mắt thịt
Kẻ đáng trách là thần Kim Quy
Đã tặng nỏ thần cho cha, sao không giúp cha cách gìn giữ nỏ
Lại bảo con là giặc?!

Con hóa ngọc trắng trong mà oan nghiệt
Cha ơi, con không cần người đời khen, chê, xót xa, thương tiếc
Chỉ muốn là Mỵ Châu thuở trước
Mỵ Châu bé bỏng của cha
Mỵ Châu chưa gặp Trọng Thủy bao giờ!
(Lời Mỵ Châu – Văn Trọng Hùng)

Hóa thân thành nhân vật, Văn Trọng Hùng thấu hiểu nỗi đau mà Mỵ Châu gánh chịu. Nhà thơ để nhân vật tự biện minh cho mình, tự bày tỏ nỗi niềm chứ ông không đứng ra nói lời bênh vực. Rõ ràng ở đây, Mỵ Châu hoàn toàn nghe theo ý vua cha trong việc quyết định hạnh phúc của cuộc đời mình. Hẹn hò với Trọng Thủy, kết duyên cùng Trọng Thủy cũng do vua định đoạt. Nếu như biết Trọng Thủy là giặc, liệu rằng Mỵ Châu có quá ngây thơ đem bí mật quốc gia ra tiết lộ, có khắc khoải rắc lông ngỗng dọc đường trốn chạy? Chắc chắn là không. Vậy mà không hề trách cha, bởi Dẫu là vua, cha cũng chỉ người trần mắt thịt, làm sao có thể nhìn thấu tất cả mọi việc trước – sau. Đây là cách nhìn khách quan, công bằng của thi nhân Văn Trọng Hùng trong việc đánh giá vai trò của An Dương Vương và MỵChâu đối với vận mệnh của Âu Lạc. Khi bị quy kết là giặc và mạng sống cũng không còn, Mỵ Châu đâu cần đến sự thương tiếc, xót xa của người đời, đâu cần đến việc hóa ngọc trắng trong đểxoa dịu đi nỗi hàm oan thiên cổ. Lời khấn nguyện trước khi chết của nàng chẳng qua chỉ là để tỏ rõ tấm lòng trung trinh của người con gái đối với vua cha, với nhân dân đất nước chứ chẳng phải mong gì được lưu truyền đến mãi mai sau. Chắc chắn nếu được chọn lại, Mỵ Châu chỉ muốn là đứa con gái bé bỏng của cha và chưa gặp Trọng Thủy bao giờ. Khi đó, Mỵ Châu vẫn được vua cha yêu thương, nhà vua cũng không phải đau đớn đến xé lòng rút gươm trị tội con mình. Khi không gặp Trọng Thủy, không làm vợ Trọng Thủy, mọi lỗi lầm Mỵ Châu đâu mắc phải. Nàng vẫn sẽ là cô công chúa sống bình yên bên vua cha. Dù Mỵ Châu không hề trách móc cha mình nhưng khi đọc những vần thơ của Văn Trọng Hùng, mỗi chúng ta sẽ như được mở ra cách nhìn nhận đa chiều hơn khi đánh giá về vai trò của mỗi nhân vật với vận mệnh đất nước.

Lịch sử đã lùi sâu vào dĩ vãng. Thành Cổ Loa kiên cốkia giờ cũng chỉ còn là nhữngdấu tích xưa. Vậy mà nỗi niềm xung quanh câu chuyện cổ ấy thì vẫn khắc khoải cho đến tận ngày nay. Mỵ Châu đã chết, nỗi oan của nàng đã được hóa giải qua hình ảnh viên ngọc trắng trong. Trong tiềm thức của nhân dân, nàng đã được tha thứ. Nhưng thử hỏi, nỗi đau bị chồng lừa dối, bị kết án oan“là giặc” kia liệu có lúc nào vơi bớt, nguôi ngoai?Có lẽ hiểu được điều đó mà người nay luôn lên tiếng nói hộ nỗi lòng của Mỵ Châu bằng những vần thơ đồng cảm.