Tôi sinh ra và lớn lên bên dòng Lam hiền hòa, quanh năm con nước lững lờ trôi. Đôi bờ sông bên bồi, bên lở đã cùng trải qua quãng đời tuổi thơ tôi với biết bao kỉ niệm vui buồn. Nhà tôi ở phía bồi, nơi những bờ bãi rộng dài tít tắp quanh năm được phù sa vun vào, bồi đắp. Từng nương ngô dài ngút tầm mắt rì rào trong gió, những vườn bí đỏ rộng thênh thang hiếm có năm nào mất mùa và bãi dâu xanh ngắt, tươi tốt trải dài…Tất cả như hòa quyện vào nhau tạo thành một bức tranh thiên nhiên đủ màu sắc mà nếu người họa sỹ nào có đủ tài năng để phác lại được thì chắc chắn sẽ trở thành một tuyệt phẩm hội họa…

Ảnh: Pixabay

Cứ đến mùa nuôi tằm lấy tơ là tôi lại có dịp được theo “mòng” cô tôi đi hái dâu ở bãi.

Dù là sáng hay chiều, những cơn gió từ dòng Lam đều thổi vào bãi dâu một thứ không khí mát lành, trong trẻo đến lạ. Đứng dang tay hít hà thứ mùi của nắng gió, đất trời quyện lại thấy tâm hồn mới khoan khoái, dễ chịu làm sao! Thường trong lúc chờ cô hái đủ dâu để chất đầy mấy bao “xác rắn” to uỳnh, làm thức ăn cho mấy nong tằm lớn ở nhà thì tôi hay nhân cơ hội để rong chơi và thả hồn vào khung cảnh đẹp như tranh hai bên bờ bãi.  Đất phù sa màu mỡ nên cây cối ở đây, từ những loài cỏ dại đến vài cây thân gỗ hiếm hoi mọc tự nhiên…tất thảy đều mơn mởn, tốt tươi. Tôi bị mê mẩn bởi những khóm hoa xuyến chi nở trắng hai bên bờ sông, trông xa hệt những cánh bướm nhỏ dập dờn trước gió. Cách đó không xa, vài hộ dân chài đang chầm chậm chèo thuyền thả lái mưu sinh. Mọi sinh hoạt của mấy gia đình này hầu như đều ở trên khoang con thuyền chật chội. Cuộc sống đói no của họ phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn thủy sản đánh bắt được trong những lần quăng lưới, giăng câu. Mớ cá, tôm, ốc…thu về sẽ được  mang lên chợ đổi lấy các nhu yếu phẩm cần thiết. Mấy đứa trẻ trên thuyền trạc tuổi tôi, đầu tóc lúc nào cũng rối xơ, mặt nhem nhuốc và ít đứa được đến trường.  Đôi lúc, dù là với tâm hồn của một đứa trẻ tôi vẫn cảm nhận được cuộc sống khốn khó của những con người đang lênh đênh ngoài kia để chạnh lòng cảm thương, xa xót…

Một trong những trò tôi thích nhất khi ra bãi dâu chơi là săn dế. Đất phù sa mềm xốp lắm nên lũ dế cứ thế mà mặc sức đào hang làm tổ. Không khó để tìm được những hang dế mọc san sát nhau trên những khoảng đất trống. Dụng cụ săn dế của tôi chỉ đơn giản là chiếc mũ nan đội trên đầu. Chỉ cần vục mũ múc nước sông dội vào cho đến khi nước tràn miệng hang thì các chàng dế, nàng dế phải lập tức chui ra. Cái cảm giác vui sướng khi tóm được một con dế béo mẫm, đang giương râu ngơ ngác trên tay thật khó có thể diễn tả hết bằng lời.

Tuy vậy, không mấy khi tôi quan tâm đến những chiến lợi phẩm thu được ấy quá buổi. Về nhà, tôi hứng thú với những nong tằm hơn. Tôi lăng xăng phụ cô tôi việc dỡ dâu cho tằm ăn, vui thích khi nhìn những con tằm trắng, bé xíu nằm bám san sát nhau trên những phiến lá dâu xanh. Chúng ăn một cách ngon lành và gấp gáp, tưởng chừng như đây là một cuộc đua mà chỉ cần chậm chân hơn một chút thì ngay lập tức sẽ bị đẩy lùi lại phía sau. Chả thế mà chúng cứ nhanh lớn như thể trông thấy được. Hôm nay mới chỉ bé xíu bằng đầu tăm tre, ngủ một giấc sáng dậy đã thấy lớn phổng ngang nửa đầu đũa.

Câu nói: “Nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng” quả không sai. Bận rộn, vất vả nhất của người nuôi tằm chính là giai đoạn “tằm ăn lên”. Chúng ăn nhiều và nhanh đến nỗi, trong đêm khuya tĩnh mịch có thể nghe tiếng rào rào như tiếng mưa từ những nong tằm phát ra. Lúc này, nhà tôi phải cùng lúc mấy người lớn đi hái dâu may ra mới đủ với sức ăn của chúng.

Khi thấy tằm lác đác ngả sang màu vàng, cả nhà sẽ gác lại mọi việc để lo “chọn tằm”. Những con tằm “chín” được bắt riêng, cho sang chiếc nong khác đã rải đầy các cọng củi khô nhỏ, có nhánh để tằm làm công việc ý nghĩa nhất của cuộc đời mình: nhả tơ quây kén. Tôi mê mẩn đến nỗi gần như quên cả đói khi ngồi ngắm những con tằm đang cần mẫn rút ruột nhả những sợi tơ óng ánh và dần quây lại thành chiếc tổ ấm áp…Trong quá trình chọn lựa, con tằm nào không đủ tiêu chuẩn nhả kén sẽ bị loại. Đây sẽ là một món nhậu khá “tốn mồi” cho những ai dạn ăn. Những con tằm sẽ bị bỏ đói chờ qua buổi để thải hết phân trong mình, sau đó được đem luộc sơ bằng nước sôi. Bắc chảo lên bếp phi hành mỡ cho thơm rồi đổ tằm vào rang. Đảo đến khi nào từng con tằm khô teo lại sẽ thêm mắm muối gia vị vừa ăn. Trước khi cho ra đĩa, cắt thêm ít lá chanh thái nhỏ rắc lên. Khi ăn, tằm rang sẽ được cuộn lại cùng các loại rau sống, lộc thơm… Ai thích đậm đà thì pha thêm bát nước mắm tỏi ớt. Món này ăn ngon không khác gì đặc sản “sâu chít” mà người ta đang tán dương đầy trên mạng xã hội…

Mất 2 ngày chờ tằm quây xong tổ và sau 6 ngày, cả nhà tôi sẽ tiến hành gỡ kén để mang giao cho nơi thu mua. Quay tơ xong, còn dư lại nhộng tằm những cơ sở này sẽ phân phối cho mấy bà bán hàng ở chợ. Nhộng tằm chứa nhiều đạm là một món ăn bổ dưỡng rất được ưa chuộng. Nhiều hôm ra chợ, dạo quanh các quầy hàng thực phẩm để tìm cho được một quầy bán nhộng tằm, con tằm mong tìm lại chút hương vị tuổi thơ thấy sao mà khó!

Quê tôi bây giờ nghề trồng dâu nuôi tằm gần như đã mai một. Chỉ còn lác đác vài nhà giữ lại nhưng chỉ với quy mô nhỏ. Một phần cũng là bởi những bãi bồi với từng hàng dâu xanh ngắt ngày xưa đã bị hao mòn và thu hẹp đi nhiều sau khi những trận lũ quét qua. Lũ dế  thuở xưa chắc cũng buồn lòng bỏ đi hết rồi. Trẻ con bây giờ mê các trò chơi trên điện thoại hơn là việc chang nắng, lấm lem bùn đất để đi săn dế như tôi thuở ấy.

Chiều mưa ở nơi xa, nhớ quê nhà lại thương những con tằm rút ruột nhả tơ…