Nghỉ hè lại dịch giã, ta chẳng dám đi đâu. Thôi thì ở nhà là yêu nước. Đang lang thang trên cõi mạng, lướt fb vào trang “Nơi lưu giữ những hoài niệm xưa” chợt bắt gặp những hình ảnh tuổi thơ thuở không có smartphone, không internet hiện lên cả một thế giới hồn nhiên, thần tiên mà chẳng thể mua được bằng tiền. Ta lại chợt rưng rưng thương nhớ về quá khứ tuổi thơ. Dẫu rằng, thuở ấy nhà mình, làng mình, quê mình còn nghèo khổ thì lấy đâu ra mà chụp lại được những bức ảnh như thế. Thế nhưng, kỷ niệm tuổi thơ luôn hiện hữu trong trí nhớ như một cuốn album, một bộ phim mà chỉ cần chạm khẽ vào một sự đồng điệu là chợt hiện hữu quay về.

Có người bảo: Tuổi thơ là tuổi thần tiên. Điều ấy ắt hẳn đúng. Thế nhưng thế giới thần tiên của mỗi thời mỗi khác. Tuổi thơ ngày xưa của cha là sự diệu kỳ bao chuyện cổ tích. Tâm hồn trẻ thơ vẫn tin vào những bà Tiên, ông Bụt. Tuổi thơ của cha là thời của bốn không: không mũ nón, không giày dép, không học thêm, cả không lệ thuộc vào những thiết bị thông minh. Vậy mà cái tuổi thơ lam lũ, nhọc nhằn, hồn nhiên ấy cứ sống mãi trong ký ức mỗi người. Tuổi thơ con, khi đất nước đang chuyển mình thời nay hồn nhiên mà chẳng bình yên. Bao cám dỗ từ thế giới ảo, bao tệ nạn rình rập chung quanh. Chẳng vất vả khó nhọc, chẳng phải nhiều lo nghĩ nên rồi mai chẳng còn hành trang kỷ niệm nào để mang theo. Thương con, lại da diết nhớ tuổi thơ xưa.

Rưng rưng nước mắt với những hình ảnh gợi nhắc lại ký ức tuổi thơ

Tuổi thơ của cha ngày xưa, thuở quê còn hàn vi, quanh năm gắn chặt với ruộng đồng, khoai lúa; thuở ánh đèn dầu leo lét ngồi học để vệt dầu loang khắp cùng trang vở; thuở trăng còn làm bạn với người; thuở lũy tre làng còn mát rượi gió nồm nam. Tuổi thơ của cha ngày xưa, tình làng nghĩa xóm vẫn còn tình nghĩa trong veo, chưa phân cách mặc cảm giàu nghèo. Con người dẫu có mặc áo quần rách vá chằng vá đụp mà tâm vẫn thiện lành, con cháu vẫn hiếu thảo với cha mẹ, kính bà thương ông và kính thầy yêu bạn. Tuổi thơ của cha ngày xưa, mọi đứa trẻ đều có thể vục đầu vào gáo nước lã trong chum mà không hề sợ đau bụng; lũ bạn có thể đến nhà nhau bất cứ khi nào mà chả cần có lời mời, đói thì gặp gì ăn nấy chẳng cần giữ kẽ. Tuổi thơ của cha ngày xưa, ít thấy đứa nào bị ốm dù suốt ngày chang nắng, tắm mưa hay mút chung cùng một que kem mát lịm đổi bằng lông vịt hay dép đứt quai. Nếu có lần nào bị ốm, dẫu là đau bụng hay nhức đầu sổ mũi vẫn là nạm lá sau vườn cùng lọ dầu cao Sao vàng thần thánh, và cốc nước đường mẹ pha trở thành món quà xa xỉ của tuổi thơ. Tuổi thơ của cha ngày xưa, ai cũng có những người bạn thực sự, cùng nhau chăn trâu cắt cỏ hay chia cùng trái ổi, trái na chứ không phải vời vợi trong thế giới ảo của fb, zalo.

Tuổi thơ của cha ngày xưa, thuở con người chưa bị mê hoặc bởi thiết bị thông minh của thời công nghệ số, cả một đám bạn tồng ngồng cả trai lẫn gái bất chấp hơn thua nhau một vài tuổi vẫn xưng mày – tao trong những cuộc chơi chung. Những trò chơi náo nức cả một bầu trời ký ức tuổi thơ giờ cha vẫn còn mường tượng rõ luật chơi. Những trò chơi mà các con chỉ biết lắc đầu ngơ ngác trước tên gọi. Những trò chơi đã trở thành dĩ vãng trong lăng lắc miền di sản dân gian… Nào là những trò đánh khăng, đánh đáo, đánh trận giả, dàn nấp bắn… của lũ con trai; nào là những đánh thẻ, chơi ô ăn quan, nhảy dây, chơi đồ hàng của bọn con gái; cả đoàn tập trung chỗ đầu làng hay nơi có lũy tre râm mát chơi đến quên cả mẹ mang roi nhao nhác đi tìm…

Ngày xưa, mùa lúa đã gặt xong; chiều chiều bọn trẻ lại lùa trâu lên đồng thả rông, còn người thì mê mẩn với những trò chơi. Với nùi rơm trên tay, những con cá con cua bỗng chốc cũng trở thành đại tiệc. Ngày xưa, lúc lúa đương thì con gái, chiều chiều bọn trẻ lại lùa trâu lên động lên đồi thả rông còn người thì túa ra, đứa đi tìm trái cây, đứa đi nhặt củi, có mấy đứa lại dạy cho nhau tập bơi nơi góc đập Bàu Ganh. Ngày xưa, có phải bởi gia đình nào cũng nghèo khó nên cha mẹ nào cũng yêu thương con bằng sự nghiêm khắc chứ chẳng nuông chiều, dạy con biết quý trọng những giá trị tinh thần chứ không phải bằng phù du vật chất. Những đứa trẻ ngày ấy lớn lên hồn nhiên và tự nhiên dẫu không công thành danh toại thì cũng có được mái ấm để yêu thương; không thấy đứa nào hư hỏng nghiện ngập cả.

Miên man nhớ, bồi hồi thương. Đôi khi vì guồng quay mưu sinh chóng mặt, cha mẹ chợt quên bẵng đi tuổi thơ con, chẳng hay con lớn tự bao giờ. Ngoảnh lại rồi tiếc nuối khi thời gian không quay lại. Lại ước được quay về với trẻ thơ nông thôn niềm vui cùng rơm rạ. Những trò chơi thành di sản dân gian. Nhớ khúc sông tuổi thơ đã tắm. Giờ tập vùng trong nỗi nhớ mênh mang. Rồi lũ nít ranh ngày ấy với ngồ ngộ những cái tên sẽ già đi. Những câu chuyện thần tiên và những mộng ước xa vời tuổi thơ cũng sẽ nhạt nhòa trong miên viễn bóng thời gian. Rồi có ai mai sau lại kể cho cháu con nghe, còn gác ngôi đền xưa cổ tích với kỷ niệm trong như nước giếng làng để rồi “Vơ vẩn ước đời như con gọng vó/ Mỗi hoàng hôn ngồi kéo tuổi thơ mình”.