Ngày xửa ngày xưa, xa xôi đến mức mà những câu chuyện có thật dần đi vào truyền thuyết, rồi lại từ truyền thuyết biến thành thần thoại, người ta kể rằng ở vùng đất Tây Sơn (Bình Định) có cất giữ một long mạch cực phát với thế “long bàn, hổ cứ”.
Mang tâm trạng tò mò, nhân dịp nghỉ Tết, chúng tôi quyết định xuôi theo quốc lộ 19 để ngược dòng lịch sử tìm về miền hạ đạo, ghé ngang vùng đất thuộc địa phận xã Bình Tường, huyện Tây Sơn – nơi cách trung tâm tỉnh Bình Định tầm 40 km.

Từ đường chính, theo chỉ dẫn của người dân, đoàn rẽ vào nhánh nhỏ bên tay trái, gần đối diện Quán Á, nơi có đề biển “Khu du lịch tâm linh Ấn Sơn”. Tiến vào càng sâu, không khí càng thanh u, trầm lặng. Hai bên đường lác đác vài nhà dân, ôm ấp xung quanh là dãy núi Hoành Sơn vốn được công nhận là đại địa trong phong thủy. Thế núi dài và tỏa rộng về phía đường quốc lộ, nơi hậu tẩm có hòn ông Bình, cạnh bên là hòn ông Đốc với kiểu đầu hổ ngó sang. Nơi triền bắc của dãy núi là một ngôi chùa cổ lâu đời tên Lê Sơn, hợp với địa thế nơi đây tạo thành dáng “hổ cứ”. Muốn lên chùa cần phải đi qua đoạn đường đất núi, dốc đứng cheo leo. Những phượt thủ đam mê “xê dịch” thường chọn cách bộ hành để tự trèo lên tới đỉnh nhằm trải nghiệm toàn cảnh cái vẻ thâm sơn cùng cốc chưa được du lịch khai phá. Không gian chùa vốn được tu bổ lại từ trên nền cũ, đa số là những khoảng rộng hoang sơ giữa bao la đất trời, cây cỏ, chim thú.

“Vậy còn long bàn” – Tôi tò mò hỏi người hướng dẫn viên trong đoàn. Anh ấy tâm đắc giải thích: “Hai nhánh của Sông Côn hợp nhau tại Phú Phong, đầu rồng ở đập Vân Phong, tựa như đang dang hai tay ôm lấy dãy núi Hoành Sơn kì bí: nào Bút, nào Nghiên, nào Ấn, nào Kiếm, nào Cổ, nào Chung, tọa hai bên tả, hữu.” Vừa nói, anh ấy vừa vươn tay chỉ các hòn núi xung quanh. Nghe phân tích, một cảm giác thành kính lạ kì trào dâng trong lòng tôi. Chút da gà nổi cả lên khi nghĩ đến bản thân đang đặt chân trên đất “long mạch” huyền bí. Tim, đột nhiên đập loạn xạ vì những truyền thuyết xa xưa cùng không khí uy nghiêm, u tịch.. Phía đối diện ngọn núi đặt chùa, cách một cái hồ nước “không bao giờ cạn” là ngọn Ấn Sơn khá bằng phẳng – nơi đặt đàn tế trời đất. Đối diện khu đàn tế là các ngọn núi như thế hổ cúi quan chầu, quỳ phủ phục phía trước để đợi lệnh.

Học văn 9: HÌNH TƯỢNG NGƯỜI ANH HÙNG QUANG TRUNG - NGUYỄN HUỆ TRONG HỒI THỨ  14 "HOÀNG LÊ NHẤT THỐNG CHÍ" - Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

Tháng 11/2011, đàn tế được khởi công xây dựng lại trên nền di tích cũ để tưởng niệm 220 năm ngày mất Vua Quang Trung, và đến 2012 thì chính thức đưa vào hoạt động. Công trình gồm các hạng mục: đàn tế, đền Ấn, và nhiều tháp, miếu phụ trợ theo trục đạo thần Nam-Bắc trên diện tích rộng 46 ha. Trước cổng lớn (nghi môn ngoại – ngăn cách khu tâm linh với ngoại giới) là một hồ bán nguyệt rộng tạo thế “tựa sơn hướng hải”. Xung quanh hồ được bao bởi rào chắn để tạo an toàn cho du khách tham quan. Vào cổng, đi qua một cây cầu ngắn bằng đá cong như con tôm là con đường cũng bằng đá với hàng trăm bậc cao liên tiếp dẫn lên khu chính điện đàn tế như cái thang nối liền đất-trời. Nếu ai đã xem qua những bộ phim thời xưa về giai đoạn phong kiến sẽ dễ dàng nhận ra kiến trúc nơi đây hệt như đường lên triều mỗi buổi chầu sáng của vua quan. Nhưng mà để đi bộ lên hết, cần một thể lực không hề nhỏ chút nào. Vượt qua quãng đường bậc thang trùng điệp sẽ tới một cánh cổng mái cong đề chữ “Bảo Sơn Thiên Ấn.

Muốn vào được đàn tế cần bước qua cánh cửa Bảo Sơn Thiên Ấn. Trên lầu 2 của mái cổng có đặt một chiếc chuông bằng đồng khá lớn. Tiến sâu vào bên trong, đập ngay vô mắt ta là tầng dưới cùng với dạng hình vuông. 4 lối theo 4 hướng, lấy Nam làm phương chính với cổng tam quan. 3 hướng còn lại kiểu nghi môn tứ trụ thẳng, bên trong bày một bức bình phong bằng đá, làm ta có cảm tưởng nơi này đang bố trí một cục diện phong thủy nào đó cực huyền bí. Đi tiếp lên là tầng giữa cũng hình vuông, tượng trưng cho đất, gọi là Phương Đàn bao quanh với 4 lối gồm 9 bậc mỗi đường, tọa theo 4 hướng Đông-Tây-Nam-Bắc. Khi tế lễ, các lối này sẽ bố trí các áng thờ nhiều vị thần như: sông, núi, biển,…

Phương Đàn xây bằng đá, có lan can màu vàng bao quanh. Tầng trên cùng hình tròn, tượng trưng cho trời, gọi là Viên Đàn, được xây bằng đá ong, một lối lên từ hướng nam có 5 bậc, phía giữa đặt một sập đá và nhang áng đá để tế trời. Xung quanh là các ô tròn nhỏ dưới đất, thỉnh thoảng vẫn có vài khách hành hương đặt nhang ở các ô nhỏ tỏa tròn này song song với việc bái lạy ở nhang đá chính như muốn thông báo cho khắp nẻo bao la đều biết về điều cầu nguyện. Tương truyền, lúc chuẩn bị dấy binh ra Bắc, khu vực này chính là đàn tế mà vua Quang Trung lập ra để cáo kính với trời đất. Câu sấm truyền “Tây khởi nghĩa, Bắc thu công” đến ngày nay vẫn còn vang vọng toàn núi sông về một huyền thoại với những chiến công hiển hách đánh đuổi quân Thanh xâm lược. Từ trên đàn tế nhìn ra phía cổng bên tay phải, chính là nơi tọa lạc của đền Ấn. Phía trước đặt một áng nhang đá. Đằng sau là 3 cụm kiến trúc: nhà tiền tế (thờ các vị tướng lĩnh, quân sĩ Tây Sơn), Phương Đình (nơi giao hòa thông thiên trời đất, đặt ấn lệnh nhà Tây Sơn), gian trong cùng là nơi thờ bài vị ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. Nơi đây xây dựng theo kiểu như sân chính điện của cung vua với phía trước là hai hàng tượng quan viên và voi, ngựa bằng đá cẩm thạch chầu sẵn. Ngoài hai cụm kiến trúc quan trọng này ra, trong khu tâm linh còn xây dựng rất nhiều đền, miếu, tháp bút, chòi nghỉ mát,..đậm chất cổ xưa.

Mỗi dịp mùng 5 Tết khi nơi này có lễ hội Đống Đa kỉ niệm chiến thắng của vua Quang Trung, người dân từ khắp mọi miền lại kéo đến đàn tế trời để dâng hương cùng cầu nguyện mong cho một năm mới an lành, may mắn. Họ truyền tai nhau rằng nơi đây cực kì linh thiêng, và chỉ cần thành tâm, tử tế, thì những sở cầu sẽ được đất trời chứng giám. Khu đàn tế trời đất Ấn Sơn hợp với bảo tàng Quang Trung (Phú Phong) thành một cụm di tích lịch sử tâm linh, níu chân không ít du khách mộ danh mà đến. Đi về rồi mà lòng tôi còn không ngừng tấm tắc, quả là: “Một vùng núi Bút non Nghiên/Trời giao ấn kiếm cho miền Tây Sơn”.