Tuổi thơ tôi lớn lên qua những cơ cực, đói nghèo nơi miền quê Bắc Bộ với bao bạn bè cùng trang lứa. Ngày đó, nhà nhà vẫn còn cách nhau bởi những bờ giậu chứ chẳng kín cổng cao tường như bây giờ. Hầu như nhà nào cũng có một, hai cây sung trước cổng hoặc ở góc vườn. Cây mọc cao, to, cành lá xum xuê, xanh tốt.
Tôi lớn lên với bao kỉ niệm gắn với cây sung, quả sung. Những năm trời làm mất mùa, thóc chưa đến mùa đã cạn hòm, cạn cót. Giống như nhiều gia đình khác trong làng, nhà tôi ngoài món chuối xanh luộc, bố còn chế thêm món sung luộc. Cây sung ở góc vườn quả sai lúc lỉu được tận dụng triệt để. Bố hái từng chùm xuống, lấy dao cắt ra từng quả và cho vào chậu ngâm với nước vo gạo, nước muối để cho bớt nhựa, quả sẽ đỡ chát hơn. Sau khi rửa lại nhiều lần mới cho vào luộc. Chấm mắm cáy, thế là có món ăn thay cơm cho ngày đói. Hay là do ngày đó đói mà chị em tôi chẳng cảm nhận được vị chát của sung? Chỉ thấy bây giờ còn nhớ mãi – sung như món ngon của thời thơ ấu.
Mỗi khi đi chăn trâu, bọn trẻ chúng tôi còn phân công nhau, đứa hái theo sung, đứa mang muối ớt. Vị mặn của muối, cay của ớt, ngọt ngọt của bột ngọt và vị chát của sung hòa quyện với nhau hấp dẫn chúng tôi đến lạ kì. Ăn cho chán chê rồi thì đứa nào cũng kêu khát nước, lại thi nhau vục tay xuống dòng nước mương trong mà ngụm từng ngụm ngọt lịm.
Sung xanh thì ăn với muối, với mắm cáy. Sung chín thì cứ thế bẻ ra ăn. Những quả sung chín đỏ mọng, căng tròn, thơm thơm luôn hấp dẫn chúng tôi. Bẻ đôi quả sung ra, những con muỗi nhỏ (ít ra nhìn nó giống vậy nên chúng tôi hay gọi là muỗi sung) lại yếu ớt bay ra. Chờ cho chúng bay ra hết, đưa miếng sung lên miệng cắn và cảm nhận vị ngọt dịu dịu mới thấy sung sướng làm sao. Có đứa chẳng đủ kiên nhẫn chờ bọn muỗi sung bay ra, đưa lên miệng ăn tuốt nuốt. Không chỉ trẻ con mà người lớn cũng thích ăn. Những ngày nông nhàn, người lớn ngồi trò chuyện, chuyện mùa màng, chuyện làng nước và bên cạnh ít khi thiếu rổ khế hoặc rổ sung và bát mắm cáy. Bọn trẻ con chúng tôi cũng quây vào hóng chuyện nhưng chủ yếu là để ăn sung.
Mẹ tôi hay muối sung. Món sung muối vừa chua chua, vừa chát chát lại có vị cay cay của ớt, riềng, thơm của tỏi luôn đưa cơm. Chỉ cần có thế, chị em chúng tôi có thể đánh chén no nê mà chẳng cần thịt, cá. Cũng có khi, bố bắt được mớ cá rô đồng, mẹ cho sung muối vào kho cùng, cá thì ít, sung thì nhiều, vậy mà bao giờ sung cũng hết trước. Sau này khi đi học, tôi lại được gặp lại món sung muối của mẹ ngày nào ở những quán ốc vỉa hè. Những quán ốc này luôn đắt khách nhờ có đĩa sung muối đi kèm. Có khi bọn chúng tôi ăn chưa hết đĩa ốc đã xin thêm đĩa sung. Chủ quán lại vui vẻ múc thêm sung vào đĩa và không quên kèm theo lời dặn: “Lần sau lại đến nhé!”
Ngoài ra quả sung còn có tác dụng chữa bệnh sỏi thận. Năm bố tôi bị sỏi thận, mẹ nghe một ông cụ trong xóm mách, đã hái những quả sung xanh về, ngồi tỉ mẩn thái mỏng ra rồi đem phơi thật khô, phần thì tán thành bột để ăn, phần thì sắc lấy nước để uống. Chẳng biết bao lâu, nhưng cuối cùng bố tôi cũng khỏi.
Ngày đó, người dân quê tôi còn dùng lá sung khi đi đưa ma. Có người hái vận cạp quần, có người giắt vành tai, nói là để khỏi bị lạnh khi đi đưa người chết. Còn bây giờ, người ta dùng lá sung non để ăn với nem chạo (được làm từ bì lợn thái chỉ trộn với thính gạo rang vàng thơm), thịt ba chỉ luộc. Nhiều người còn bẻ lá sung để nuôi dê, nuôi bò nữa.
Cuộc sống càng ngày càng sung túc, quả sung chẳng còn xuất hiện trong bữa cơm của mọi nhà nhưng cây sung lại trở thành kiểu cây làm cảnh được ưa thích bởi ý nghĩa của nó: thể hiện sự sung túc. Với sự khéo léo của người làm cây cảnh, những cây sung được chăm sóc, uốn tỉa thành những hình độc đáo, có quả, có lá và được trồng trong những cái chậu cảnh vừa phải để gia chủ trưng trong nhà, hoặc ngoài hiên, ngoài sân. Cây sung càng nhiều quả, càng thể hiện sự sung túc của gia chủ.
Vào sống và gắn bó với miền quê hương thứ hai này, tôi còn được biết thêm, quả sung cũng là một loại quả được trưng bày trong mâm ngũ quả ngày Tết (Bao gồm: mãng cầu (na), dừa, đu đủ, soài, sung) với ý nghĩa Cầu vừa đủ sài sung, mong một năm sống no đủ, sung sướng. Bởi vậy, những phiên chợ Tết, không khó để bắt gặp một vài người bày bán những chùm sung sai quả bên cạnh những thứ hoa quả cần thiết cho ngày Tết.
Đối với nhiều người, quả sung rất khó ăn nhưng với tôi đó là cả một kỉ niệm đằm đằm thời thơ ấu. Trong những món ăn có quả sung gói ghém cả tình thương của cha và sự tảo tần của mẹ. Để ngày hôm nay nhớ lại trong vị chát của sung lại thấy chứa chan ngọt ngào tình cảm gia đình.