Chỉ cần mọi người ngưng phán xét và chỉ trích thì đó chính là cách đem lại bình yên của người trầm cảm rồi…

Em không biết mình bị trầm cảm từ lúc nào. Ngay từ khi còn bé em đã không ít lần phải chứng kiến cảnh bố mẹ đánh nhau đến toác đầu chảy máu. Bố em là một người cần cù, chịu khó nhưng lại có tật xấu là thích uống rượu, mỗi lần say xỉn ông đều về nhà trong trạng thái của một con quỷ dữ. Ông ta hết đập phá đồ đạc lại chuyển sang đánh mẹ con em, có lần em bị đánh đến mức chân tay chảy máu rất nhiều, phải đi viện khâu hơn 10 mũi và không thể đến trường trong hai tuần.

Không lâu sau đó, vì không thể chịu đựng được cảnh suốt ngày phải sống trong bạo lực, mẹ quyết định ly hôn và đưa em ra sống riêng. Tưởng rằng cuộc sống tươi đẹp sẽ bắt đầu từ đây nhưng cái ý nghĩ đó của em đã bị dập tắt ngay từ những ngày đầu tiên. Khi không còn chỗ dựa tinh thần nào ngoài con cái, mẹ bắt em phải thật hoàn hảo. Tất cả kế hoạch cuộc đời của em đều do mẹ sắp xếp, từ việc ăn gì, uống gì và thậm chí là sống như thế nào đều do mẹ quyết định.

Chỉ vì thi rớt trường chuyên cấp 3 mà mẹ ngày càng kiểm soát chặt hơn quyền riêng tư của em, mẹ luôn tức giận mỗi khi em xem ti vi hay chơi game. Cho đến hiện tại mẹ đã cấm hoàn toàn, kể cả lúc ăn trưa cũng không được tranh thủ xem, mẹ luôn gay gắt và buông ra những câu nói lạnh lùng đến đau đớn, mẹ cho rằng em học lực của em không tốt nên không thể xem phim.

Ngày qua ngày em chỉ có đi học rồi về nhà, mỗi lần bị điểm kém mẹ lại bắt em thức khuya để học, nếu kết quả không được cải thiện em sẽ phải hứng chịu những trận đòn. Mẹ luôn đặt ra những mục tiêu và bắt em phải thực hiện, em sống chỉ giống như đang tồn tại.

Ở bên ngoài, em lúc nào cũng luôn là đứa con ngoan ngoãn. Là người có thành tích học tập xuất sắc ở lớp, mọi người ai cũng ngưỡng mộ. Họ luôn nghĩ rằng em hạnh phúc như thế thì lấy đâu ra áp lực cuộc sống. Nên khi em tìm đến mọi người xung quanh để tâm sự thì chẳng một ai mảy may quan tâm. Họ chẳng bao giờ biết, thực chất em chính là một chú chim sơn ca trong lồng bị tước mất tự do trên đôi cánh của mình. Người thì chửi em bị điên, kẻ mang nó ra làm trò cười, xã hội cho rằng em đang làm lố mọi thứ lên. Hóa ra nước mắt không thể đổi lấy sự bình yên mà chỉ là trò cười cho người khác.

Áp lực ấy dần làm em cảm thấy trống trải, mất phương hướng trong cuộc sống. Em bắt đầu nghi ngờ về hạnh phúc, và nghi ngờ về cả khả năng của bản thân mình. Hệt như chú chim sơn ca bị nhốt và giam lỏng quá lâu, em dần dần đã hình thành nên một ý nghĩ về xã hội ngoài kia. Nguy hiểm và đáng sợ. Đáng buồn hơn là cuộc đời em đã có quá nhiều đau khổ là thế, nhưng cả mẹ, người duy nhất bên em và có thể lắng nghe em cũng chẳng buồn đoái hoài đến cảm xúc của em.

Mẹ không quan tâm, bạn bè không một ai chơi cùng đã khiến cho em cô độc, em luôn nghĩ mình không nên tồn tại trên đời này, em chán ghét mọi thứ. Những gì em phải chịu đựng nó quá kinh khủng, mọi thứ cứ dồn đến một lúc, vết thương cũ chưa lành thì lại thêm vết thương mới. Em chẳng thể suy nghĩ tích cực nổi. Em sợ mỗi buổi sáng khi thức dậy, em không muốn phải đeo mặt nạ để sống cuộc đời của người khác nữa, và em sợ cả cảnh phải làm bài tập đến tận khuya, chẳng khác gì một con robot lập trình sẵn mỗi ngày.

Trầm cảm giống như hơi thở dành cho những kẻ cô đơn, nỗi cô đơn ấy như trút hết hơi thở của em. Em dần quen với cảnh sống trong bóng tối, em lười biếng mỗi khi phải dậy đi học. Em chẳng muốn làm gì ngoài tìm cách kết thúc cuộc đời đầy tăm tối của mình. Có đôi khi con người ta tìm cách kết thúc cuộc đời, chẳng phải vì họ hết yêu cuộc sống này. Đơn giản là họ muốn đau thương dừng lại. Những gì mà chúng ta có thể làm chính là đừng phán xét hay chửi bới họ, họ đã rất đau khổ với nỗi sợ mang tên trầm cảm.

Trong cuốn sách Tôi từng nghĩ mọi thứ sẽ ổn khi trở thành người lớn, tác giả đã viết như thế này: “Trầm cảm là căn bệnh mà nếu không mắc phải, không ai có thể hiểu được nỗi đau đớn nó mang lại. Nó đẩy ta đến giới hạn tận cùng của thống khổ.” Đúng là như vậy, bạn không sống cuộc đời của người khác thì làm sao biết được nó như thế nào. Bên ngoài vui vẻ chẳng nói lên được điều gì cả. Thế nên nếu không thể dành cho họ sự cảm thông thì cũng đừng buông lời chỉ trích, miệt thị!

Chúng ta luôn tự đưa ra cho người trầm cảm nhiều phương thuốc để chữa trị như bắt buộc phải suy nghĩ tích cực, phải sống vui vẻ. Nhưng lại quên mất rằng, chỉ cần bạn không chửi bới mà lắng nghe họ thôi là đủ rồi. Hy vọng rằng mọi người không xem thường trầm cảm và đồng hành cùng họ vượt qua.