Năm mươi tư dân tộc Việt Nam là năm mươi tư mảng màu văn hóa khác nhau, đóng góp chung vào bức tranh văn hóa toàn cảnh đầy rạng rỡ và giàu chiều sâu. Dù so với dân tộc Kinh đông dân, số lượng người trong cộng đồng các dân tộc của nước ta đang thừa dần, hoặc đã bắt đầu sáp nhập với các dân tộc khác, những giá trị truyền thống mà họ để lại không thể bị xem nhẹ và thờ ơ để thời gian làm cho mai một. Cùng với chữ viết, tiếng nói, phong tục tập quán hay đơn giản chỉ là những trò chơi dân gian, những câu vè truyền miệng, trang phục cũng góp phần không nhỏ trở thành phương tiện cấu thành và thể hiện bản sắc dân tộc rõ nét. Ở bài viết này, tôi xin được giới thiệu với bạn đọc nét độc đáo trong trang phục của phụ nữ người Mường – một đặc điểm nhận dạng văn hóa Mường đặc sắc.

Dân tộc Mường có dân số khá đông, tính đến năm 2019 thì số dân đã lên tới hơn một triệu tư người. Họ tập trung ở các thung lũng hai bờ sông Đà (Hòa Bình), và khu vực trung lưu của sông Mã, sông Bưởi (Thanh Hóa). Họ được cho là có mối quan hệ mật thiết với người Kinh, có cùng nguồn gốc chung là người Việt – Mường cổ. Trong giai đoạn hơn một ngàn năm Bắc thuộc, bộ phận người Mường ở vùng núi xa xôi ít bị Hán hóa, nên văn hóa, tập tục và lễ nghi của họ vẫn được bảo tồn nguyên vẹn mà không bị đồng hóa hay xâm nhập. Bộ phận còn lại sống ở đồng bằng thì dần bị pha trộn văn hóa phương Bắc, hoặc sau này chuyển thành người Kinh. Quá trình này được cho là đã diễn ra từ khá lâu, bắt đầu từ khoảng thế kỷ VII-VIII và kết thúc vào thời nhà Lý. Sau này, người Mường bắt đầu di cư vào sâu hơn ở miền trong (Thanh Hóa, Đăk Lăk, Đồng Nai) và các khu vực lân cận ngoài miền Bắc (Điện Biên, Sơn La, Ninh Bình). Ở mỗi khu vực khác nhau trang phục của người phụ nữ Mường có thay đổi đôi chút để phù hợp với khí hậu vùng miền, song những nét cơ bản truyền thống thì vẫn vô cùng dễ dàng nhận ra.

Quay trở lại với trang phục của phụ nữ người Mường, có thể thấy, nét đẹp tinh tế, không quá sặc sỡ nhưng vô cùng kín đáo là tiêu chí được đặt lên hàng đầu trong mỗi bộ quần áo. Một bộ trang phục đầy đủ ở xứ Mường sẽ bao gồm: khăn đội đầu, áo cánh ngắn, áo dài, khăn thắt áo, yếm, váy và thắt lưng. Khăn của người Mường làm bằng vải thô, màu trắng, rộng chừng một gang tay, khoảng 15 cm, dài khoảng 50 – 60 cm và không thêu thùa. Trong trang phục của người Mường, khăn quấn đầu tuy đơn giản là vậy nhưng ẩn chứa nhiều lớp nghĩa sâu sắc. Người Mường thường quan niệm màu trắng là màu của sự tinh khôi, trong trẻo, màu của sự thanh mát. Ngoài ý nghĩa của việc che nắng che mưa, tránh nhiệt độ thời tiết thì chiếc khăn quấn đầu ấy còn gắn liền với một truyền thuyết đầy lãng mạn giữa một chàng trai người con đất Mường tên Khỏe và một cô gái nhà làng tên Út Dô. Chính vì sự khác biệt về gia thế, không môn đăng hậu đối, mối tình này đã vì thế mà tan theo mây trời, để cho Út Dô ôm một nỗi nhớ mong mà tìm cách ra đi. Khi mất, thân thể nàng biến thành những bông hoa Clăng mọc đầy ven suối. Để tưởng nhớ người con gái ấy mà phụ nữ Mường sau này từ già đến trẻ đều lấy một mảnh vải nguyên gốc từ sợi bông hoa Clăng đội lên đầu. Từ ấy mà màu trắng của khăn còn là màu của sự chung thủy, trong trắng của người con gái Mường.

Đi cùng với chiếc khăn trên đầu là các lớp áo thướt tha của người phụ nữ. Áo ngắn hay còn gọi là áo pắn là một nét đặc trưng trong số đó, thường được may bằng vải màu trắng, xanh hoặc hồng, chỉ ngắn đến eo người mặc. Áo pắn có tổng cộng 4 thân áo, 2 thân sau ghép liền, giữa lưng có sống áo, 2 thân trước nẹp liền từ cổ xuống mép áo. Áo dài thì lại xẻ ngực, không có khuy cài, dài đến chấm eo lưng. Tay áo không may nối vai mà cắt liền giống áo bà ba. Để thêm phần kín đáo nhưng cũng vô cùng quyến rũ, người phụ nữ Mường còn mặc thêm một chiếc yếm bên trong với thiết kế khá giống yếm của người Kinh nhưng chiều dài lại có phần ngắn hơn. Đây thực chất là một miếng vải mộc vuông màu trắng, góc trên cùng được khoét tròn là cổ có đính dây buộc, 02 góc kế tiếp đính dây để khi mặc sẽ buộc lại phía sau lưng, góc dưới cùng khi mặc sẽ giắt trong cạp váy. Trong một vài dịp lễ hội, người Mường còn sử dụng loại áo dài mặc trùm phía bên ngoài, được may theo kiểu chiết eo, không có khuy cài, mép dưới hai vạt trước và vạt sau có hình elip. Loại áo này dài đến đầu gối, cổ được thiết kế như nẹp vải rộng chừng 5cm quấn quanh cổ.

Gắn liền với những tà áo của người phụ nữ chính là những bộ váy đen, dài, hình ống và được trang trí bằng những hoa văn thổ cẩm do chính người con gái Mường khéo tay thêu dệt nên. Khi kết hợp với những lớp áo, tất cả như tôn thêm vẻ đẹp, sự duyên dáng và e ấp của người phụ nữ Mường. Tuy nhiên, điểm nổi bật và đáng chú ý hơn cả khi nhắc đến bộ váy truyền thống thì phải là phần cạp váy. Đây cũng chính là một trong những đặc điểm riêng biệt của người phụ nữ khiến họ không thể bị nhầm lẫn với những dân tộc khác. Cạp váy thường là một miếng vải mộc hay lụa tơ tằm, gồm ba băng vải có tên gọi riêng xếp chồng lên nhau, gọi là rang trên, rang cao và rang dưới. Trên đó, người phụ nữ Mường khéo léo trang trí bằng những hình thêu hoa văn, hình khối, con vật với nhiều nét giống với hoa văn trên trống đồng Đông Sơn. Nếu hai phần rang trên và rang cao được trang trí bởi những dải màu sắc ngang dọc, hoa lá cách điệu với hai tông màu chủ yếu là đen và trắng thì phần rang dưới lại được thêu thùa tỉ mỉ với những nét chỉ đỏ, vàng, hiện lên những hình rồng, hươu, nhện, bướm,… những loài vật gắn liền với đời sống của dân tộc và đã đi vào truyền thuyết, huyền sử của đồng bào. Theo chị Quách Thị Lan sống tại huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, mặc dù có hơn 40 loại hoa văn khác nhau nhưng đa số người phụ nữ Mường vẫn ưa thích hình con rồng. Chị chia sẻ: “Điều khó nhất là trước hết chúng ta phải tính toán, ví dụ làm con rồng thì gồm bao nhiêu cái chùm để chúng ta biết có bấy nhiêu sợi tạo thành cái đầu. Hoặc như cái râu, cái mình của nó hay cái đuôi uốn lượn là mình phải nhặt ra để làm cái co. Mỗi hoa văn lại có một cái co để sau này nhấc lên, rồi xuyên chỉ để nó có màu trắng, màu đen hoặc màu đỏ để nó kết hợp làm nổi bật con rồng bay”. Có thể thấy, người con gái đất Mường đã dồn hết tâm sức và tài năng để tạo ra những chiếc váy vô cùng độc đáo. Chính vẻ đẹp ấy cũng góp phần không nhỏ trong việc tìm đôi, tìm lứa lập gia đình sau nay khi những chàng trai người Mường kén chọn sẽ thường nhìn vào phần cạp váy để chọn vợ. Đối với họ, cạp váy nào càng tỉ mỉ, chi tiết, những nét chỉ nào càng thắt chặt và bắt mắt thì chứng tỏ người con gái đó là một người cần mẫn, khéo tay.

Ngày nay, xã hội phát triển, toàn cầu hóa và hội nhập đa văn hóa đã dần len lỏi vào từng ngóc ngách đời sống của người Mường khiến cho những bộ trang phục truyền thống đáng quý dần mai một. Phụ nữ Mường ngày càng giản đơn hơn trong cách ăn mặc, đôi khi, họ chuộng những trang phục hiện đại hơn nhiều. Đâu đó quanh các bản làng của người Mường, chúng ta chỉ còn thấy số ít người mặc trang phục truyền thống thể hiện sự nâng niu và bảo tồn. Tuy nhiên, những trang phục này cũng không hoàn toàn giữ được những nguyên liệu cấu thành như trước kia. Nếu như ngày xưa người Mường tận dụng tối đa màu sắc có sẵn chế biến từ thiên nhiên thì ngày nay, màu vải càng ngày càng dễ phai nhạt do việc áp dụng công nghệ nhuộm màu hóa học. Chính vì ảnh hưởng không nhỏ của sự phát triển đời sống xã hội, việc cấp thiết ngày nay là phải tuyên truyền và vận động người dân giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc cũng như mở những chương trình về văn hóa nhằm góp phần quảng bá trang phục của người Mường, vừa là một phương tiện truyền thông giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng người Mường nói riêng và người Việt Nam nói chung, vừa là công cụ bảo tồn, lưu truyền văn hóa đến mãi về sau.