“Tháng ba về hoa gạo trổ đầy bông
Vương nắng nhạt ủ hương nồng trước ngõ”

Mỗi độ xuân về, khi đất trời lất phất những hạt mưa bụi cũng là lúc cây gạo làng tôi bắt đầu trổ bông. Những bông hoa đỏ rực như một ngọn lửa hồng sáng rực cả một khoảng trời đã làm xao xuyến trái tim của những người trót tương tư vẻ đẹp thôn dã của làng quê thương mến!

Yêu hoa gạo, người ta yêu cái vẻ đẹp rực cháy hết mình của sắc hoa và cái dáng vẻ uy nghiêm nhưng rất đỗi nên thơ của nó. Cây gạo cứ ở đó khiêm nhường chứng kiến bao biến đổi thăng trầm cùng người làng như một điều tất yếu chẳng có gì thay thế nổi. Chẳng biết ai đã trồng cây gạo chỉ biết rằng khi các cụ cao niên trong làng sinh ra thì cây gạo đã đứng sừng sững từ lúc nào. Mùa đông cây gạo trút hết lá để lại những cành cây gầy guộc trần trụi đến cô liêu thế nhưng ẩn sau lớp vỏ có phần ảm đạm đấy là một sức sống đang chảy tràn mãnh liệt. Cứ thế cây gạo lặng yên trầm mình trong giá rét để âm thầm nhen nhóm sự sống đợi xuân về được bung nụ trổ bông.

MÙA HOA GẠO

Khác với những loài hoa nở dai dẳng quanh năm suốt tháng, chẳng giống như những loài hoa chóng nở tối tàn, hoa gạo dâng hiến trọn vẹn vẻ đẹp giữa đất trời trong vòng một tháng ròng. Chừng ấy thời gian ấy không quá dài nhưng đủ khiến người ta trầm trồ, tấm tắc mãi không thôi. Bất cứ ai đi ngang qua cánh cổng làng dù là rất vội, dù đi xe hay đi dạo lang thang cũng không quên ngước lên để chiêm ngưỡng loài hoa đỏ đang say sưa phô diễn giữa đất trời. Nhưng có lẽ, tuyệt vời nhất là đứng từ trên đỉnh đồi cao phía sau làng hướng tầm mắt nhìn xuống, cây gạo chẳng khác nào nét chấm phá nổi bật giữa bức họa đồng quê diệu vợi, thanh bình.

Tôi chào đời vào mùa hoa gạo nở đỏ rực. Cứ mỗi năm đến mùa này là mẹ lại kể chuyện năm xưa, tôi nghe nhiều đến mức thuộc lòng trong trí óc. Ngày hôm ấy mẹ đẻ rơi tôi dưới gốc gạo già đầu làng, chính gốc cây cổ thụ sần sùi ấy đã cùng mẹ chào đón một sinh linh bé bỏng đến với nhân gian bằng tất cả yêu thương ấm nóng. Từng cánh hoa gạo đỏ rực xoay tròn trong gió an nhiên đáp xuống đất như tiếp thêm động lực giữa lúc sinh tử cho người phụ nữ miền quê bắc bộ tảo tần. Chính nhờ cái “sự tích” này mà tôi thêm yêu cái nguồn cội, gốc rễ của bản thân và từ sâu thẳm, hoa gạo đã trở thành một phần máu thịt của tôi bằng một cách tự nhiên, hồn hậu nhất.

Những đứa trẻ sinh ra từ làng rất háo hức mỗi độ gạo trổ bông. Tụi trẻ thường nhặt những bông hoa gạo để kết thành những vòng hoa đội lên đầu chơi trò cô dâu chú rể. Kỷ niệm thời thơ bé còn là những buổi trưa trốn ngủ cả lũ bạn rủ nhau thả cánh hoa gạo trôi dập dềnh trên sông mang theo những ước mơ thời thơ ấu trong veo. Những ký ức tuổi thơ dưới gốc cây gạo cứ vẹn nguyên trong ký ức những đứa trẻ ngày nào, dẫu đi vạn dặm vẫn nghe thấy tiếng chuông ngân vang vọng, mơn man trong tiềm thức…

Vào những ngày lộng gió, cây gạo điềm nhiên soi bóng xuống con sông Lô hiền hòa. Dưới sắc đỏ tươi của những chùm hoa gạo, chuyện tình của đôi trai gái miền quê được gieo hạt, ươm mầm. Những cánh hoa gạo cứ thế nghịch ngợm mơn man trên mái tóc thề của người thiếu nữ lần đầu biết thương, biết nhớ một dáng hình. Tình yêu đôi lứa được nảy nở từ những buổi chiều dạo bước dưới bóng cây gạo ngắm hoàng hôn, từ những cái nắm tay thật vội cho đến một ngày chàng trai nói lời từ biệt lên thành phố. Ngày chia ly hoa gạo rụng vơi đầy, dùng dằng luyến thương cho một mối tình thật đẹp. Người yêu đi rồi, chỉ còn những cánh gạo lã chã, chênh chao như an ủi một tâm hồn đang vụn vỡ đến thắt lòng:

“Cơn gió chiều xuôi ta về dĩ vãng
Hẹn ước ngày nào năm tháng chia xa
Ta cô đơn trong bóng xế chiều tà
Bông gạo rụng, khiến lòng ta hoang vắng”

Hoa gạo vốn mộc mạc, đơn sơ như thế chẳng thể nào so sánh được với những loài hoa kiêu sa, trăm sắc vạn hương chốn đô thành. Ở nơi xa ấy liệu có khoảnh khắc nào chàng trai xưa còn nhớ đến những cánh đỏ “mộc miên”?

Hoa gạo đã gợi bao thổn thức, nhớ mong đối với những kẻ trót say mê loài hoa nơi đồng nội. Mỗi năm tiết xuân sang dù bận rộn đến đâu tôi cũng vẫn không quên khấp khởi chờ đợi những bông hoa gạo đỏ rực giữa đất trời như một thói quen không thể ngó lơ… Xuân tràn trề, yêu lắm cánh gạo ơi!