Khi đề cập đến việc học trong các thế kỷ trước, người ta thường đề cập đến Quốc Tử Giám hay hệ thống các trường địa phương do nhà nước quản lý. Đây được coi là hệ thống giáo dục chính thống của nhà nước quân chủ. Các trường này chỉ thu hút một bộ phận học sinh rất nhỏ, phần đông là con cái các tầng lớp trung lưu trở lên.

Trong dân gian, việc học do gia đình tự lo liệu, không liên quan tới nhà nước. Gia đình đủ ăn, nhà nào cũng muốn cho con đi học để biết dăm ba chữ Hán dùng trong việc tế tự. Nhà khá hơn cho con đi học để làm “ông làng”, “ông xã”; nhà khá hơn nữa thì cho con đi học để lều chổng đi thi ra làm quan, nếu rớt thì trở về nhà làm thầy cúng, thầy thuốc, thầy địa, thầy đồ…

Thuở trước, việc mở trường lớp không bị một ràng buộc nào, từ đó hình thành nên những ngôi trường làng tự phát không chính thức. Thầy giáo dạy ở các trường này thường thuộc hai loại: những người đã có học vị nhưng muốn sống ẩn dật không ra làm quan, và những người mặc dù rất có tài năng, nhưng vì nhiều lý do không đỗ đạt qua các kỳ thi. Muốn làm thầy đồ ít nhất phải là anh Khóa (khóa sinh). Tùy theo chỗ trong kỳ thi Hương: nếu đỗ kỳ thi thứ nhất, thứ hai, thứ ba, thì gọi là khóa sinh trường nhất, trường nhì, trường ba. Nếu đỗ Tú tài thì gọi là ông Tú. Có nhiều người đỗ Tiến sĩ nhưng không làm quan mà trở về làng dạy học, thường học trò rất đông, lên đến hàng trăm.

Trường làng có nhiều dạng: nếu nhà thầy đủ rộng thì đây được dùng làm nhà học. Còn nếu thầy nghèo, thầy sẽ ở nhờ một người giàu có hơn và dạy cho con cái chủ nhà, cũng như con cái của những nhà khác.

Công việc tổ chức một lớp học khá đơn giản, nhưng vẫn nằm trong khuôn khổ lễ giáo và người thầy luôn được kính trọng đúng như câu “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”.

Thủ tục xin học được tiến hành giữa thầy và cha mẹ học trò. Khi trẻ em đến sáu, bảy tuổi, cha mẹ sẽ dẫn đến xin thầy cho thụ giáo. Người thầy sau đó xin phép chủ nhà để nhận thêm các học trò khác ngoài con cháu nhà chủ. Thường thì chủ nhà chấp nhận, bởi lẽ điều này làm vinh dự cho nhà họ. Cha mẹ cậu bé góp một con gà luộc, một đĩa xôi, một chai rượu trong Lễ nhập môn. Trong bữa cơm, thầy giáo, chủ nhà, cha mẹ cậu bé bàn về tính cách cậu học trò và đặt  cho cậu một cái tên mới thay cho tên cũ.

Trong những tháng đầu tiên bao giờ cũng là những bài học về đạo đức. Trước tiên trẻ được học “sải tảo, ứng đối, tấn thối”, nghĩa là phải học cách cư xử cho phải phép với người lớn và làm những việc như quét sân, quét lớp hay mài mực cho thầy. Nếu mắc lỗi, cậu học trò sẽ bị đánh đòn. Sau các bài học đạo đức; thầy bắt đầu dạy cách đọc và viết chữ Hán. Học trò sẽ được tập viết bằng thanh tre nhỏ chấm nước lã viết lên miếng gỗ bằng bảng con, hoặc viết lên khay cát hay viết lên lá chuối. Bao giờ viết thuận và quen tay mới được tập viết lên vở. Các thầy đều dạy theo chương trình chung do nhà nước quy định, sử dụng các tác phẩm kinh điển của Nho giáo bằng chữ  Hán và sách văn vần do tác giả người Việt Nam soạn. Thầy còn chuẩn bị cho học sính đủ trình độ dự các kỳ thi ở vùng hoặc ở kinh đô. Những trường tốt nhất còn thu hút được học sinh các làng khác.

Trên lớp, thầy ngồi chiếu hoa, xung quanh là tráp, bút, nghiên, điếu. Học trò ngồi đối diện với thầy trên những chiếc chiếu nhỏ hơn, trò bé ngồi hàng trước, trò lớn ngồi đàng sau.Tuổi tác học trò trường làng rất chênh lệch, từ trò nhỏ cho tới những anh chàng có vợ, chuẩn bị thi Hương. Thầy giảng xong nhóm này thì quay sang giảng cho nhóm kia. Ở những lớp học đông, để thực hiện kỉ luật, thầy sẽ cử hai học trò lớn ngoan ngoãn, học giỏi làm trưởng tràng để giúp thầy coi sóc mọi việc, cậu trưởng tràng nội thì lo mọi việc trong phạm vi trường lớp, cậu trưởng tràng ngoại thì lo những việc bên ngoài.

Học trò đến trường từ 6 giờ sáng để nộp bài tập cho thầy, sau đó về nhà ăn sáng, 9 giờ, trở lại trường, rồi ở lại học một mạch cho đến 3 giờ chiều. Học trò tuân thủ thời gian biểu này hằng ngày. Không có ngày nghỉ cuối tuần, nhưng hằng năm học trò được nghỉ ba kỳ dài để giúp cha mẹ trong công việc đồng áng, đó là vào tháng 5; tháng 10 âm lịch và hai tháng trước, sau Tết Nguyên Đán.

Cha mẹ trả công cho thầy mỗi năm một hoặc hai lần; ngoài ra còn chung nhau sắm cho thầy hai quần dài, hai áo dài, ba áo cộc. Trường hợp thầy giáo ở nhà xa, cha mẹ còn biếu tiền, quà cáp cho thầy về nhà mỗi kỳ nghỉ. Có khi học trò lớn còn được phái đi hộ tống thầy về tận quê nhà.

Mỗi khi người thân trong nhà thầy mất, các trò đều quyên “tiền đồng môn” giúp thầy. Cậu trưởng tràng nội chuẩn bị một bảng ghi số tiền mỗi trò, cả trò cũ lẫn trò đang học phải đóng góp, căn cứ vào hoàn cảnh từng người; rồi nộp cho  trưởng tràng ngoại để cậu này đi thu. Ngày xưa hành vi trốn thuế triều đình còn có thể được dư luận châm chước, chứ hành vi trốn đóng góp “tiền đồng môn” thì bị coi là một sự trốn tránh nghĩa vụ mang tính đạo đức. Trong trường hợp thầy mệnh một, học trò phải để tang như cha mẹ.

Có thể nói rằng, dù sự học có nhiều bất cập, nhưng chế độ học tập thời xưa đã tạo nên một dân tộc yêu quý văn học và rất ham học. Và mặc dù chương trình học khá sơ sài, nhưng công việc dạy học rất được quý trọng, tất cả đều tôn trọng tinh thần “tôn sư trọng đạo”; đó là một truyền thống tốt đẹp, hình thành nên nền tảng đạo đức của dân tộc qua bao thế hệ.