Phải nhìn nhận kỹ không phải chỉ những truyện dân gian có xuất hiện Bụt, Phật thì mới là truyện có màu sắc hoặc chịu ảnh hưởng của Phật giáo sâu đậm. Nhiều lúc trong các truyện không hề xuất hiện bóng dáng Bụt, Phật, hay là có nhắc đến một nhân vật để làm nổi rõ cốt truyện. Nghĩa là nổi trên bề mặt câu chuyện không thấy những nhân vật phù trợ hoặc trừng phạt người gian xuất hiện, nhưng nếu xét về bề sâu tư tưởng tác phẩm thì truyện ấy lại chịu ảnh hưởng rất sâu sắc của tư tưởng Phật giáo.

Truyện sự tích sông Nhà Bè hay Truyện Thủ Huồng là một trong những truyện dân gian thể hiện được ý vừa nêu trên. Thủ Huồng tên thật là Võ Thủ Hoằng, người Gia Định, xuất thân làm thơ lại. Trong hai mươi năm luồn lọt trong các nha, các ty, Thủ Huồng đã làm cho bao gia đình tan nát, bao nhiêu người bị oan uổng. Tiền bạc, nhờ đó, hắn vơ vét được rất nhiều. Một số đem chôn cất, một số đem tậu ruộng, cho vay lãi,… khi thấy cuộc sống quá thừa thãi, hắn bèn thôi việc về nhà, sống cuộc đời trưởng giả. Thủ Huồng là người yêu vợ. Mà vợ hắn chẳng may mất sớm . Hôm nọ, có người mách cho Thủ Huồng biết ở Quảng Yên có chợ Mãnh Ma là chỗ người sống và người chết có thể gặp nhau vào nửa đêm ngày một tháng sáu hằng năm. Thu xếp việc nhà xong xuôi, Thủ Huồng quyết lên đường tìm vợ. Khi gặp nhau họ ngỡ ngàng nhận diện và kể cho nhau nghe hoàn cảnh sống từ lúc âm dương cách biệt. Rồi Thủ Huồng muốn theo vợ xuống âm phủ chơi, vợ đồng ý dẫn đi. Qua mấy dặm đường tối mịt, chẳng mấy chốc vợ chồng đã đến cõi âm. Thủ Huồng thấy rùng mình trước cảnh trừng phạt mà bao nhiêu hình phạt cõi âm đang bày ra. Hắn thấy nơi đây quả là nơi trả báo của con người trần thế đúng như lời đồn đại của người đời. Đi một hồi, Thủ Huồng đến một kho gông, trong đó có một cái gông đặc biệt vừa to vừa dài làm bằng những thanh gỗ lớn. Qua hỏi thăm, nghe đâu cái gông dành cho một người tên Võ Thủ Hoằng trên dương thế chuyên làm chuyện thất đức. Nghe đúng tên mình kèm theo những lời kể tội rành rành những việc oan nghiệt, ác độc mà mình đã làm, Thủ Huồng sợ tái mặt, rụng rời tay chân. Thế ra những hành vi tội lỗi hắn làm trong hai mươi năm qua, những việc từ nhỏ đến lớn, dưới cõi âm đều rõ mồn một. Lại nữa, cai ngục đã dành sẵn cho hắn một cái án mà hắn đang mang trên dương thế, và chính cái gông đặc biệt kia là hình phạt hắn tự chuốc khi lìa thế gian. Tưởng yên ổn thảnh thơi sau hai mươi năm làm việc ác, Thủ Huồng giờ mới nhận ra tội lỗi tày trời của mình. Có lần vào năm Ất Sửu hắn sửa hai chữ “ngộ sát” thành “cố sát”, làm hai mẹ con Thị Nhàn bị chết oan, để người anh họ chiếm gia tài. Việc này Thủ Huồng được 10 nén vàng, 10 nén bạc và 100 quan tiền. Cũng năm đó, hắn làm cho ông Ngô Lại ở thôn Bình Ca bị hai năm tội đồ chỉ vì trong nhà có cái áo vải vàng để đoạt không của ông ta mười hai mẫu ruộng.

Luật nhân quả : Nhân quả báo ứng: Chuyện ông Thủ Huồng xuống âm gian và sự  tích bến Nhà Bè

Những việc làm của Thủ Huồng đã gieo cho hắn một cái họa về sau. Cái giá phải trả cho những tội ác mình làm là tư tưởng sâu sắc mang ý nghĩa nhân sinh của nhà Phật. Không ai làm thay đổi được bản tính của Thủ Huồng bằng chính Thủ Huồng. Cảm thấy cuộc sống này không chỗ dung thân cho kẻ ác, cũng không thể ỷ vào quyền thế ăn trốc, ngồi trên hiếp đáp, bóc lột xương máu người dân. Cảnh tượng cõi âm, cái gông đặc biệt mà chính mắt Thủ Huồng thấy, cũng như qua lời hạch tội của người cai ngục, Thủ Huồng đã kịp suy nghĩ và ý thức được việc mình làm. Của người phải trả cho người, về dương thế hắn hết lòng làm theo lời cai ngục: “Đã vay thì phải trả! Nếu hắn muốn hối cải thì phải đem những thứ của cải cướp được đó bố thí cho hết đi!”. Thủ Huồng mạnh tay bố thí, tập hợp người nghèo khó trong vùng phát cho họ lúa, tiền. Hắn đem ruộng đất cúng cho làng, cho chùa, chia cho họ hàng thôn xóm, mời hầu hết sư sãi các chùa quanh vùng tới để cúng cơm. Lần ấy, sau ba năm, tính ra hắn đã phát tán được ba phần tư cơ nghiệp. Nhớ lại lời hẹn với vợ, Thủ Huồng tìm đến chợ Mãnh Ma, nhờ vợ đưa xuống cõi âm lần nữa. Mục đích chính là muốn đến chỗ cũ xem cái gông , vì qua lời cai ngục nếu trên dương thế Thủ Huồng làm nhiều việc thiện, ban phát bố thí của cải cho dân nghèo thì cái gông to của hắn sẽ teo lại ít nhiều tùy theo công đức của hắn. Trở lại nhà ngục, quang cảnh vẫn như xưa, lão cai ngục vẫn vậy. Duy chỗ kho để gông có thay đổi, bên cạnh những cái còn nguyên hình như cũ, có những cái trước nhỏ nay lại lớn lên. Đặc biệt cái gông dành cho Thủ Huồng lúc trước thì bây giờ teo lại nhiều. Thủ Huồng lân la hỏi cai ngục thì nhận được câu trả lời “Có lẽ gần đây trên dương thế, thằng cha ấy (tức Thủ Huồng) biết chuộc lỗi, nên nó đã nhỏ lại. Nếu hắn gắng nữa thì sẽ có phúc lớn”. Qua sự việc này, Thủ Huồng như nhận chân rõ hơn về quy luật vay trả của cuộc đời. Cái gông to, qua ba năm Thủ Huồng trang trải công nợ, teo lại như càng củng cố niềm tin của hắn vào quy luật ấy. Triết lý trả báo tội lỗi từ trong bề sâu tác phẩm khiến người đọc nghĩ ngợi, đắn đo. Trong thực tế không phải không thường xuyên xảy ra những chuyện như thế. Quá khứ ác gian đeo đẳng con người ta suốt trọn một đời, kẻ gieo gió ắt thời gặt bão. Trở lại trần gian lần này, Thủ Huồng tiếp tục bố thí, bán cửa, bán tất cả những gì còn sót lại để bố thí. Hắn dựng một ngôi chùa lớn để cúng phật ở Biên Hòa, rồi xuôi sông Đồng Nai để làm việc nghĩa cuối cùng. Thủ Huồng quyết định dừng ở ngã ba sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, cho kết một cái bè lớn, trên có dựng nhà, có chỗ nghỉ, có nồi niêu, đồ dùng, gạo củi, mắm muối,…Những thứ ấy hắn dùng để tiếp rước người qua lại, khốn khó lỡ đường.Hắn cho họ trú ngụ tại bè năm ba ngày mà không lấy một cắc bạc. Và hắn làm công việc đó mãi cho đến ngày hắn chết.

Truyện không nhắc đến sau khi Thủ Huồng chết thì cái gông ấy có teo lại nữa không, nhưng đoán chắc một điều rằng, những tội lỗi xưa kia gần như Thủ Huồng đã hóa giải hết. Việc làm về sau của Thủ Huồng là muốn lấy ân đức để đắp bù những tội lỗi trước kia mà hắn gây nên. Triết lý “nhân – quả” vay trả của nhà Phật không phải ngẫu nhiên hiện lên mà khi chúng ta đi sâu vào các chi tiết trong truyện thì mới phát hiện ra điều đó. Cái gông to là hình phạt cho những người như Thủ Huồng. Cố tu nhân tích đức chuộc lại lỗi xưa là tự mình giúp cho người thoát ra vòng khổ não. Thủ Huồng chết, nhưng công ơn, lòng tốt còn được mọi người ghi nhớ như đã giảm nhẹ phần nào tội lỗi ngày trước Thủ Huồng gây nên. Chiều sâu câu chuyện khiến ta nghĩ nhiều về luật “nhân – quả” của triết lý nhà Phật, về sự vay trả của thường nhật cuộc đời. Tư tưởng Phật giáo – vì thế – bao trùm toàn bộ câu chuyện. Chợ Mãnh Ma, nơi hai vợ chồng gặp nhau có cái gì đó huyền ảo. Nhưng chính nó tạo nên một cái nền vững chắc cho nhân vật chính bước từ thế giới thực vào thế giới phi hiện thực, để từ đó mà đường dây câu chuyện tiến triển không gượng ép, có sức lôi cuốn thực sự.

Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Hữu Hiếu – Truyện kể dân gian Nam Bộ – NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1992.
2. Nguyễn Phương Thảo – Văn hóa dân gian Nam bộ, những phác thảo (in lần thứ hai) – NXB Giáo dục, 1997.