Rosie Nguyễn từng chia sẻ trong cuốn sách “Tuổi Trẻ Đáng Giá Bao Nhiêu”: “Những ngày tuổi trẻ tưởng dài rộng mênh mông nhưng kỳ thực lại rất hữu hạn ngắn ngủi. Nên nếu bạn còn trẻ, hãy học cách để biến tuổi trẻ của bạn thành vô giá.”. Tuổi trẻ vô giá khi chúng ta biết dùng nó một cách đúng đắn nhất nhưng tuổi trẻ cũng là “vô giá” khi chúng ta dùng nó sai cách. Phần đa những bậc tiền bối, thế hệ đi trước đều dặn rằng “tuổi trẻ, đừng chọn lười biếng”. Nhưng có phải lúc nào lười biếng cũng là một cách sử dụng sai lầm tuổi xuân của mình?

Tại sao phần đa người lớn ác cảm với sự lười biếng của giới trẻ

”Một cuộc đời thoải mái và một cuộc đời lười biếng là hai chuyện khác nhau. Khi xuống mồ rồi sẽ tha hồ mà ngủ”- nhà khai quốc vĩ đại của Hoa Kỳ đã từng nói như thế và dường như đến bây giờ nó vẫn còn nguyên một giá trị giáo dục sâu sắc và thẳng thắn. Ta có thể thấu hiểu được lý do người lớn luôn cho rằng trẻ thì đừng bao giờ chọn chây lỳ và nhớn nhác. Sự tiến bộ vượt bậc của khoa học công nghệ, sự phổ biến của đồ dùng thông minh, sự mạnh mẽ phát triển Internet, điện thoại, di động, các ứng dụng… tất cả làm giàu có và thỏa mãn đời sống tinh thần của con người mà đi đầu là giới trẻ. Thế hệ trước chưa tiếp xúc nhiều với công nghệ, họ thích dùng thì giờ để ra đường đi chơi, trò chuyện, kết thân hơn là đắm chìm trong màn hình máy tính, điện thoại như một bộ phận thanh thiếu niên. Và lúc này, trước mắt họ sự lười biếng đang ăn mòn, gặm nhấm thời gian của chính con cái, con cháu mình như một kẻ giết người thầm lặng, bào mòn tinh thần, thể chất dần dần ảnh hưởng tới chính kết quả học tập và nếp sinh hoạt đời sống cá nhân.

Mặt khác, xét trên phương diện sinh học, chuyên trang sức khỏe Boldsky đã nghiên cứu rằng ”Những người lười biếng thường gặp phải các vấn đề liên quan đến sức khỏe hơn các đối tượng khác.Cơ thể con người cần vận động để giúp máu lưu thông. Bởi vậy, nếu lười biếng, bạn sẽ phải đối mặt với các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như mất ngủ, stress, tăng cân…”. Dựa trên tất cả những sự biểu hiện lười biếng tiêu cực buộc người lớn tự hình thành những suy nghĩ tiêu cực và gán ghép ”lười biếng” lên những con người kém cỏi, không có tiền đồ và thích phụ thuộc.

Phụ nữ thông minh phải biết lười biếng khi muốn, siêng năng khi cần | Phụ  Nữ Sức Khỏe

Thời hiện đại, người ta biểu dương những con người chăm chỉ, lười biếng sẽ trở thành những người lạc hậu và bị thụt lùi. Sự bận rộn và siêng năng sẽ gắn con người vào cộng đồng, lười biếng thì sẽ luôn bị né tránh và phán xét.

Chúng ta có đang hiểu sai khái niệm của hai từ “lười biếng’’

Thực tế đã chỉ ra rằng, ý tưởng và tư duy luôn xảy đến khi ta “lười nhất’’. Năng suất hoạt động và làm việc hiệu quả không quan tâm đến vị trí ta ngồi để có thể cầm bút suy nghĩ như một căn phòng rộng với một xấp đề án, với khung cảnh thoáng đãng, một khu vườn yên ắng hay một chiếc bàn học. Nó nằm ngay lúc những căng thẳng, stress, âu lo được giải phóng. Nhà vật lý thiên tài của hy lạp Archimedes đã phát hiện ra lực đẩy khi ông ngâm mình trong phòng tắm, Jame Watt đi bộ ngoài sân golf mới nảy ra ý tưởng thiết kế bộ ngưng tụ hơi nước.

Theo một nghiên cứu của Karen Gasper, những người lười biếng thường có điểm sáng tạo cao hơn rất nhiều so với người chăm chỉ trong các bài kiểm tra. Khi cho phép mình được lười, người trẻ phần đa tự chủ với cuộc sống, buông bỏ và không quan tâm bất kì một âu lo hay suy nghĩ nào, họ nuông chiều bản thân và không đặt nặng sức ép công việc hay áp lực cuộc sống và có một sự lạc quan nhất định với trách nhiệm, bài tập của mình. theo như định nghĩa của Wikipedia, lười biếng là trạng thái ”không muốn làm việc” chứ không phải là cách hiểu ”không làm gì” như rất nhiều người vô tình đánh đồng hai cái giống nhau để rồi chỉ nghe sự lười biếng của giới trẻ bằng một tâm thế tiếp xúc tiêu cực và đôi khi là sự phán xét phiến diện. Chính lúc lười lại là lúc mà tâm trí tự nhiên hoạt động trơn tru nhất và rõ ràng nên được vinh danh là thời điểm hữu dụng nhất để khởi phát những ý tưởng thiên tài.

Lười biếng sẽ tốt nếu ta biết cách lười

Nhà văn nước Mỹ Robert Heinlein đã nói: “Sự phát triển không xuất phát từ những người chăm chỉ mà từ những con người lười biếng muốn tìm kiếm cách dễ dàng hơn để thực hiện công việc”. Ta có thể dễ dàng nhìn thấy tính đúng đắn của triết lý đó trong xã hội hiện đại. Giới trẻ ngày nay thậm chí có những chiêu trò phát minh vô cùng quái đản hay khó đỡ nhưng vô cùng đáng nể chỉ được để tiếp tục khoảng thời gian lười biếng của mình có thể kể sơ như dùng bình phun lửa để dọn tuyết thay vì cật lực dùng xẻng để xúc, chiếc khay có sẵn những chỗ bám ngón tay tiện lợi cho những người phục vụ bàn, chổi phát sáng để quét bụi trong góc tối, xe đạp gấp để chống trộm và tiện xách đi…

Mọi trang sách bài vở, bài báo, hay ti vi điện thoại đều nhắc ta không được lãng phí thời gian hạn hẹp và luôn luôn cân nhắc để tận dụng tối ưu, triệt để từng phút từng giờ. Thế nhưng, gen Z năng động nhưng không có nghĩa là không được lười. Chúng ta cần có những khoảng lười biếng để làm giãn sức căng của các dây thần kinh khi suy nghĩ và tập trung quá nhiều cũng như giảm thiểu, giải phóng stress sau một ngày làm việc vất vả để lắng nghe bản thân, không quá cảm thấy bị chèn ép hay áp lực đè nặng và vẫn giữ được sự nhiệt huyết, tận tâm thay vì chán chường và mệt mỏi.

Phần đa, trong thời gian biểu của mỗi cá nhân bao giờ cũng có thời gian để nghỉ, lười chỉ đúng cách khi ta sử dụng thời gian rảnh rỗi một cách hữu ích. Thay vì vùi đầu trong các trò chơi, lướt mạng xã hội một cách vô chủ đích hãy tập các bài thể dục nhẹ nhàng như yoga, đi bộ ngoài ra nghe nhạc, xem phim, đọc sách, làm bánh, pha trà… cũng là một trong những cách giảm thiểu căng thẳng rất được khuyến khích bởi những người thành công.

Thêm nữa, chúng ta nên phân định giới hạn rạch ròi giữa lười biếng và trì hoãn. Hãy cho mình lười trong một khoảnh khắc, có thể biến nó thành một thói quen cố hữu trong ngày nhưng trì hoãn là sự kéo lê bất tận, đừng để lười biếng biến thành sự trì hoãn thực sự bởi khi đó chính bạn là người vừa đánh mất chuôi và con dao hai lưỡi mang tên lười biếng sẽ quay ra làm hại chính bạn. Tuổi trẻ được phép sai lầm nhưng lười biếng mà cộng với chủ quan mãi mãi thì sẽ thành mãi mãi sai lầm. Lười biếng nếu cộng phụ thuộc, thụ động, ỷ lại sẽ làm cho bộ máy tư duy trở nên giét gỉ, vô giá trị và không thể tạo nên thành tựu.

Hãy để người trẻ tự mình lựa chọn phương thức sống và sáng tạo

Tuổi trẻ có được lười hay không ư, hãy mạnh dạn nói có, chúng ta trẻ và chúng ta được phép lựa chọn một sự lười biếng có kiểm soát, chuẩn mực để tự nâng cấp cuộc sống đang mỗi ngày càng chật hẹp, bon chen bởi định kiến và những gán ghép mang tính cá nhân, một chiều. Bởi lẽ làm việc chăm chỉ mà không có tư duy sáng tạo và đổi mới thì cũng như đi đường mòn, đồng ý rằng sẽ chậm mà chắc nhưng không tạo ra bước ngoặt và đột phá hay những giá trị xã hội tích cực, thiết thực. Làm việc lười biếng nhưng thông minh sẽ tốt hơn nhiều, chúng ta không đủ thời gian để đi chậm khi thế giới từng giây, từng phút vẫn đang thay đổi.

Hãy lười biếng nếu đó thực sự là điều bạn cần và bạn muốn. Lười chứ không dừng lại, lười một bước để siêng năng hai, ba bước thì đó là điều rất đáng ghi nhận.

Sau cùng, mọi sự răn dạy, lời khuyên cũng chỉ là để thế hệ đi sau có thể phát triển và đi đầu, tiên phong. Chúng ta có thể tiếp thu hoặc không tiếp thu, có thể thấy hợp lý hay thật vô lý nhưng cũng nên biết rằng không có một sự thừa thãi nào nếu ta biết sàng lọc và tiếp nhận thông tin một cách hữu ích. Dẫu cho cùng thì muốn nghe, muốn học, muốn hiểu hay không thì là do mỗi người quyết định. Còn trẻ, hãy học cả cách yêu thương bản thân, bỏ qua dèm pha và tự định nghĩa nên tiếng nói của mình.