Trước nhà tôi là một chiếc ao làng rộng chừng bảy, tám mẫu. Lý do ao rộng là vì quê tôi ao liền ao. Đến thời hợp tác xã nông nghiệp, người ta mới phá các bờ ngăn thành ao lớn.

Hồi ấy, nước ao là nguồn nước duy nhất để dân làng ăn, uống, tắm, giặt, rửa ráy… Cái ao cũng là quê hương của các loài cá, tôm, cua, ốc, ếch… Cá to thì có trắm, chép, trôi, mè, măng… Vừa vừa thì có chuối sộp, chuối hoa, cá rói, cá ngão, rô sù… Nhỏ thì có rô dằm, rô don, diếc hoa, diếc cốm… Bé nhất thì có đòng đong, cân cấn, mài mại… Trên mặt nước có mương nổi. Dưới sâu có cá trê, cá bống và lươn, trạch…Cái ao còn là địa chỉ “du lịch ảo” của nắng vàng, trăng vàng, trời xanh, mây trắng…

Có đến mấy chục nhà xung quanh ao bắc cầu ao để rửa ráy, tắm giặt.  Chiếc cầu ao là một tấm gỗ (hoặc một dàn tre cả cây) được bắc một đầu vào bờ ao, một đầu vào cụm cọc bắc chéo chôn dưới nước ở phía ngoài. Có bao nhiêu gia đình xung quanh ao là có bấy nhiêu chiếc cầu ao. Cũng có nhà xây cầu ao bằng gạch có nhiều bậc để khi nước cạn vẫn có thể rửa ráy, giặt giũ được.

Những buổi trưa, buổi chiều hàng ngày, cầu ao nào cũng tấp nập. Cầu ao này thì vo gạo, rửa bát đĩa, xoong nồi. Cầu ao kia thì mổ lợn, mổ gà, giết ngan, thui chó… Có thể cầu ao bên đông giặt giũ quần áo, cầu ao bên tây lại giặt chiếu, giặt mùng. Bên cầu ao phía nam mấy đứa trẻ trần truồng lặn hụp. Bên cầu ao phía bắc,  có thề là mấy cô thôn nữ thả cái “tòa thiên nhiên” tráng lệ của mình xuống làn nước ao làng leo lẻo mát trong…

Tiếng lanh canh loảng xoảng của muôi thìa, bát đĩa, xoong nồi. Tiếng bì bũng đập nước. Tiếng ồm ồm của đàn ông.  Tiếng thanh thanh của phụ nữ. Tiếng ríu rít của con trẻ. Tiếng rúc rích của bọn con gái mới lớn… Tất cả những âm thanh ấy từ bên này ao vang sang bên kia ao, từ bên kia ao lại vang sang bên này ao…

Không chỉ có âm thanh, mà còn có những ánh mắt. Những ánh mắt đồng cảm, những ánh mắt thân tình, những ánh mắt tình tứ, những ánh mắt yêu thương từ cầu ao bên này “gửi” sang cầu ao bên kia, từ cầu ao bên kia “gửi” sang cầu ao bên này. Những ánh mắt của những con người ở làng quê nghèo khó nhưng tấm lòng thì rất đỗi thảo thơm.

Những âm thanh ấy, những ánh mắt ấy từ giữa những năm sáu mươi của thế kỷ hai mươi cứ làm xao động trong lòng tôi suốt những năm dài của cuộc kháng chiến chống Mỹ cho đến những năm hòa bình và cho mãi đến hôm nay…

Đinh Ngọc Diệp tả tơi ra sông… giặt áo , ngoc diep

Hồi ấy, nhà tôi và nhà Nhung ở gần nhau. Hai nhà đều có chung cái ao làng trước cửa. Vì cái ao làng hình bán nguyệt cho nên cầu ao hai nhà sớm sớm nhìn sang nhau, chiều chiều cũng nhìn sang nhau. Năm ấy tôi mười chín, đang học năm cuối cấp ba (lớp 10/10). Còn Nhung mười bảy. Nhung học hết lớp bảy thì ở nhà vì nhà Nhung có đến một tiểu đội mười hai người. Nhung là chị cả. Dưới Nhung còn có chín đứa em lít nhít. Nhung phải ở nhà phụ giúp cho bố mẹ.

Tôi mười chín nhưng còn dại khờ, ngờ nghệch lắm. Trong trường, trong lớp, trong xóm, trong làng khá nhiều con gái. Ấy thế mà tôi chưa dám sờ vào cổ tay con gái bao giờ. Nếu có tình cờ đứng gần con gái thì cũng chỉ dám lặng thầm hít hà cái hương thơm ngất ngây quyến rũ trên mái tóc của họ mà thôi.

Còn Nhung mười bảy nhưng Nhung đã ra dáng một thiếu nữ xinh đẹp. Nhung cao gần bằng tôi, nhưng Nhung có thân hình eo thon và gợi cảm vô cùng. Nước da Nhung trắng ngần. Đôi mắt Nhung đen tròn lúng liếng. Mái tóc Nhung dài qua đầu gối và đen nhánh, mềm mại như một dòng suối chảy. Nhiều hôm Nhung chải tóc ngoài sân tôi thường ngắm trộm. Nhiều đêm tôi mơ thấy mình đang hít hà cái hương thơm trên mái tóc đen dài óng mượt của Nhung… thì bất thình lình thấy chó đuổi, ma đuổi… Nói chung lần nào tôi cũng thấy giấc mơ đẹp về Nhung của tôi bị gián đoạn. Lần nào tỉnh dậy tôi cũng tiếc ngơ tiếc ngẩn trong người.

Buổi trưa nào, buổi chiều nào Nhung cũng ra cầu ao rửa bát, giặt giũ. Hê cứ thấy bóng Nhung ra cầu ao là tôi lại cũng ra cầu ao. Có những hôm đi đâu về, Nhung ra cầu ao khỏa chân xuống nước. Ôi, đôi chân trần của Nhung mới trắng ngần, thon thả làm sao!

Những buổi trưa, buổi chiều, những buổi tối sáng trăng, tôi thường ra cầu ao bên này ngóng sang cầu ao bên ấy. Và cũng thời gian ấy, Nhung cũng ra cầu ao. Chắc hẳn là Nhung biết tôi vẫn thường dõi theo Nhung. Ngày ngày hai đứa vẫn trao cho nhau những ánh mắt tình tứ và những nụ cười.

Thế rồi, tôi thành kẻ nghiện. Tôi nghiện thật rồi! Tôi nghiện hình bóng Nhung. Tôi nghiện ánh mắt Nhung. Tôi nghiện nụ cười Nhung. Tôi nghiện chiếc cầu ao có người con gái tên Nhung ngồi giặt ngày ngày…

Thế rồi tôi làm thơ. Tôi làm thơ như thế này:

Ao làng trong vắt giếng khơi

Nhà nàng bên ấy, nhà tôi bên này

Nhà ai có cầu ao xây

Hai nhà vẫn bắc đôi cây tre vàng

Tre vàng chẳng dám bắc sang

Nên tôi chỉ đứng trông nàng xa xa…

Cầu ao bên ấy trăng ngà

Nàng ngồi giặt ánh trăng và ánh trăng…

 

Thế rồi, tôi lên đường ra mặt trận.

Trước ngày lên đường, tôi sang tạm biệt Nhung và gia đình Nhung. Trước khi tôi ra về, Nhung nhìn tôi với ánh mắt đỏ hoe chờ đợi. Đến bây giờ tôi vẫn tự trách tôi, vẫn tự rủa thầm tôi rằng sao lúc ấy tôi khờ khạo đến thế, ngu si đến thế ? Tôi không biết nói một lời nào. Chỉ nhìn như muốn nuốt lấy bóng hình Nhung để rồi mang đi. Nhưng không biết nói câu gì…

Cầu ao bên ấy đương rằm

Tôi đi đằng đẵng mười năm, còn gì?

Mười năm sau. Sau ngày hòa bình. Tôi khoác ba lô về quê.

Cái ao làng bảy, tám mẫu vẫn là nơi “đăng ký hộ khẩu thường trú” của nhiều loài cá, tôm, cua, ốc, ếch…, vẫn là địa chỉ “du lịch ảo” của cô Trăng vàng xinh đẹp và các nàng Mây… Buổi trưa, buổi chiều ngày ngày, những âm thanh thân thương vẫn vang lên, những ánh mắt đồng cảm, thân thiện, tình tứ, thân tình vẫn gửi trao bên những chiếc cầu ao quen thuộc xung quanh ao làng…

Những chiếc cầu ao xưa kia vẫn còn đấy. Chiếc cầu ao được bắc bằng đôi cây tre vàng nhà Nhung xưa kia vẫn còn đấy. Đàn mương nổi, mương chìm, rô dằm, rô ron, diếc cốm, diếc hoa, đòng đong, thủ mã… vẫn tung tăng bơi lội bên cầu ao bến nước như những ngày nào… Ánh trăng vàng vẫn sóng sánh, sóng sánh trôi trên sóng nước cầu ao…

Nhưng đâu còn ánh trăng xưa nữa?

Ánh trăng xưa đâu rồi? Và, người ngồi “giặt ánh trăng và…ánh trăng” ngày xưa ấy – bây giờ không biết ở nơi nao?

Tôi ước ao:

Ước gì trở lại năm nao

Để tôi lấy chỉ buộc vào ánh trăng…

 

Vâng! Giá mà… Giá mà ngày ấy, tôi lấy chỉ buộc vào ánh trăng… thì làm chi nên nỗi …?