Tre xanh/xanh tự bao giờ”? (Nguyễn Duy)

Cho đến tận bây giờ và mãi tới mai sau, tre vẫn xanh màu dịu dàng dù mưa đông dầm dề hay nắng hè gay gắt. Các nhà thơ, nhà văn đã hình tượng hóa cây tre bằng tình yêu và niềm tự hào da diết, để tre thành hiện thân của vẻ đẹp con người Việt Nam. Đẹp trong nỗi lam lũ. Đẹp trong sự kiên cường bất khuất và cả đức hy sinh. Đẹp trong bất tận sinh sôi…

Trong muôn ngàn vẻ đẹp của tre, tôi yêu nhất là hình ảnh lũy tre đong đưa kẽo kẹt tiếng nhạc trong nắng gió của làng mình. Bên cạnh những nét riêng của ngôi làng cổ Lộc Yên như nhà gỗ, ngõ đá chè tàu hay hàng cau vươn cao vút, tre cũng là người bạn chung thủy của con người. Dường như vườn nhà ai cũng có bụi tre hoặc cả hàng tre. Tre là phần không thể thiếu của nhà nông. Cái kèo cái cột bằng tre, cái nuột lạt cũng là tre. Phên tre, giường tre. Nong nia thúng mủng giần sàng… tất cả đều đan bằng tre. Những đứa trẻ nhà quê thì ghiền mấy “món” tre như đó, đuột, nơm, chụp… để tranh thủ đẵm bùn bắt cá trong lúc chăn trâu, mót lúa. Nhất là mùa tháng Mười. Những cơn lũ đến, cá diếc, cá lúi bơi ngược từ sông suối lên đồng đẻ trứng. Dùng đó để đơm lên hay cản ruộng, lấy nơm, rổ để xúc cá. Sáng sớm ra đồng thăm đó, cá tôm cua đầy cả hom. Xiết bao là thú vị.

Soạn văn Cây tre Việt Nam (Thép Mới) – Trang 99 sgk ngữ văn 6 tập 2

Tre hiện diện trong niềm vui tuổi thơ. Tre là chiếc nôi ru tưới tắm hồn người. Tre lao xao vui cùng bao trò chơi dân dã. Tre xanh ngắt làm dịu giữa những trưa hè oi nồng. Thân thiết quá nên trở thành máu thịt. Người nhà quê yêu tre như yêu đất yêu người. Người xa quê, một ngày bỗng dưng bắt gặp hình ảnh cây tre, cảm giác như ôm được bóng dáng quê nhà. Vậy đó, tre đã thành tình yêu sâu thẳm nơi tâm hồn mỗi người tự bao giờ.

Miên man với khoảng trời hoài niệm về tre, tôi không khỏi tiếc nuối khi lũy tre làng vắng bóng dần, phai mờ dần ở trên chính quê mình. Cuộc sống hiện đại quá. Những mái ngói đỏ tươi và đường bê tông đã thay đổi diện mạo các làng quê. Những vật dụng bằng thủy tinh, nhựa và các phương tiện hỗ trợ nhà nông đã thay thế gần như hoàn toàn vai trò của tre. Không thể phủ nhận giá trị của chúng, nhưng tôi vẫn khao khát rằng: hãy cho tre một vị trí phù hợp để góp phần bảo vệ môi trường. Hàng mỹ nghệ từ gốc, thân và cành tre. Rổ tre, giỏ tre, ống hút tre, lạt tre… có thể thay thế đồ nhựa, túi nilon. Bờ rào lưới B40 sẽ là những bờ tre… Và con đường làng Lộc Yên lại xanh ngắt màu tre.

Làng tôi xanh bóng tre…”, nghe lại giai điệu dặt dìu của bài hát Làng tôi (Văn Cao), một chiều hè, tôi về ngồi dưới bờ tre nhà mình mà nhớ, mà ước. Mà thêm một khát khao cháy bỏng là phiên bản làng nghề nhà nông truyền thống được khôi phục ở nhiều làng quê, để lớp trẻ bây giờ không còn ngỡ ngàng trước những câu thơ:
Cái kèo cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay giã giần sàng…” (Nguyễn Khoa Điềm)