Nếu để nói đến một trong những nền văn hóa cổ xưa nhất từng tồn tại ở dải đất hình chữ S thì chúng ta phải kể đến nền văn hóa Đông Sơn. Sau hơn 90 năm khai quật và nghiên cứu, tầm quan trọng của nền văn hóa này ngày càng được củng cố khi các tài liệu, chứng cứ đều cho thấy đây là tiền đề cơ sở vật chất cho việc hình thành nên hai nhà nước đầu tiên Văn Lang – Âu Lạc, nơi ngự trị của các vua Hùng và những huyền sử, những bản sắc văn hóa vẫn còn lưu lại đến mãi sau này.

Khởi nguồn của sự khám phá nền văn hóa Đông Sơn bắt đầu từ những năm đầu của thế kỷ XX , vào năm 1924, một người câu cá tên Nguyễn Văn Lắm đã vô tình tìm thấy một số đồ đồng ở làng Đông Sơn (Thanh Hóa). Những cuộc khai quật đầu tiên cũng đã được tiến hành trong khoảng thời gian này đến năm 1932 dưới sự điều khiển của L. Pajot, một viên chức thuế quan và cũng là người sưu tầm cổ vật ở Thanh Hóa. Đến năm 1934, thuật ngữ “ Văn hóa Đông Sơn” được nhà khảo cổ học người Áo R.Heine-Geldern đề xuất lần đầu tiên, thay thế cho “Thời đại đồng thau ở Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ” vốn được gán cho nền văn hóa khảo cổ mới được khám phá này bởi V.Goloubew – một học giả người Pháp vào năm 1929. Đã có rất nhiều giả thuyết được đưa ra về nguồn gốc của nền văn hóa Đông Sơn, tuy nhiên, những lập luận ban đầu đến từ những học giả người châu Âu đều cho thấy sự đánh giá sai lầm khi cho rằng nền văn hóa Đông Sơn du nhập từ nền văn hóa Hán và xa hơn nữa từ Tây Phương, được gọi là nền văn minh Hallstatt. Có thể thấy ở đây, từ văn hóa Phùng Nguyên có niên đại hơn 1000 năm, văn hóa Đông Sơn đã kế thừa và phát triển rực rỡ và là một nền văn hóa bản địa chứ không hề có sự du nhập từ bên ngoài. Từ đó, việc nhìn nhận lại nguồn gốc văn hóa của chúng ta cũng đã dẫn đến những khả năng mới: đó là người Đông Sơn thuộc chủng tộc Mongoloid, vốn có vùng cư trú rộng lớn ở phía Nam Trung Quốc – lãnh thổ của Nam Việt sau khi Triệu Đà đánh chiếm Âu Lạc. Cho đến nay, sau hơn 90 năm kể từ khi được khám phá, đã có hơn 200 di tích và hàng vạn di vật Đông Sơn được khai quật và nghiên cứu. Một số hiện vật đã và đang được trưng bày trong những bảo tàng lịch sử lớn trên toàn quốc. Việc khám phá và tìm hiểu nền văn hóa Đông Sơn đã mở ra một cánh cửa mới cho nền khảo cổ học trong quá trình đi tìm lại những giá trị cội nguồn.

Văn hóa Đông Sơn được chia làm 3 lọại hình khác nhau, được đặt tên theo tên 3 con sông trong phạm vi tồn tại của nền văn hóa này gồm: sông Hồng, sông Mã, sông Cả. Từ đây, ta có thể nhận ra rằng, nền văn hóa cổ đại của dân tộc Việt Nam xưa đã gắn liền với sông nước. Mỗi loại hình đều có địa bàn, đặc trưng khác nhau góp phần tạo nên một văn hóa Đông Sơn rực rỡ. Trước hết là sông Hồng, chủ yếu ở vùng miền núi phía Bắc, vùng Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, với trung tâm là làng Cả (Việt Trì). Đặc trưng của loại hình này là sự phong phú đa dạng, mang nhiều sắc thái địa phương rõ rệt. Tiếp đến là sông Mã với địa bàn phân bố chủ yếu thuộc lưu vực sông Mã, ranh giới phía Bắc tiếp giáp với địa bàn của văn hóa Đông Sơn loại hình sông Hồng, trung tâm là làng Đông Sơn. Đặc trưng của loại hình sông Mã mang đặc trưng của văn hóa Đông Sơn điển hình. Đặc biệt, nhưng đồ đồng thuộc trung tâm Đông Sơn là tiêu chí để nhận biết cho đồ đồng thuộc các loại hình địa phương khác hay để phân biệt giữa Đông Sơn với các nền văn hóa khác. Và cuối cùng không thể thiếu là loại hình ở sông Cả được phát hiện lần đầu năm 1972 với trung tâm là làng Vạc (Nghệ An). Đặc trưng cơ bản của loại hình này là sự giao lưu với các nền văn hóa, tiêu biểu là văn hóa Sa Huỳnh (miền Trung) và văn hóa Điền (Vân Nam, Trung Quốc), đồng thời vẫn giữ được những nét riêng biệt và đặc sắc vốn có của văn hóa Đông Sơn.

Nền nông nghiệp văn hóa Đông Sơn từ sớm đã gắn với văn minh lúa nước. Cũng chính nền văn minh ấy đã len lỏi vào đời sống của người dân Đông Sơn, thấm nhuần vào mọi khía cạnh của nền văn hóa Đông Sơn bấy giờ. Người Đông Sơn là những người làm ruộng nước một cách thành thạo. Chúng ta đã được cung cấp nhiều bằng chứng liên quan đến sự phát triển của nền nông nghiệp này. Ngay từ giai đoạn Tiền Đông Sơn, chứng tích của hạt gạo cháy đã được tìm thấy ở Đồng Đậu (Vĩnh Phúc). Đến thời Đông Sơn thì các dấu tích thóc lúa trở nên phổ biến hơn. Nổi bật phải kể tới cuộc khai quật Làng Cả năm 1976 đã phát hiện một số khuôn đúc bằng đất nung có thành phần sét trộn bã thực vật lẫn dấu tích vỏ trấu. Ở địa điểm Làng Vạc, mấy đợt khai quật cũng tìm được nhiều vỏ trấu lẫn hạt thóc chưa bị cháy trong thạp đồng. Những tài liệu về nền nông nghiệp Đông Sơn cũng được phản ánh trong Giao Châu Ngoại Vực Ký (thế kỷ IV) cho biết: “Đất Giao Chỉ xưa khi chưa chia thành quận huyện, ruộng đất có ruộng Lạc, ruộng đó theo nước thủy triều lên xuống, dân khẩn ruộng đó mà ăn nên gọi là dân Lạc”, hay một bằng chứng khác đến từ sách Thủy Kinh Chú của Lục Đạo Nguyên có viết về việc đất Giao Chỉ, Cửu Chân có ruộng lúa hai mùa.

Từ đây, có thể thấy người dân Đông Sơn xưa kia đã tiếp cận với cây lúa từ rất sớm. Điều này lại có phần khẳng định thêm phần nào sự chính xác của những sự tích vẫn còn truyền đến đời nay như truyền thuyết “Bánh chưng bánh giầy” với sự tồn tại của lúa nếp và sự phát triển của nền nông nghiệp khi dân ta đã biết tìm đến cây lúa nước với năng suất lúa cao hơn để đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm bấy giờ. Về chăn nuôi, người dân Đông Sơn đã biết thuần dưỡng và sử dụng trâu bò làm sức kéo sản xuất nông nghiệp. Những chứng tích khắc trên rìu đồng gót vuông ở Gò De, Làng Cả cũng cho thấy hình ảnh những chú chó gắn bó với người dân từ rất sớm. Voi là động vât được người Đông Sơn thuần dưỡng phục vụ cho chuyên trở và vật dụng. Tài liệu khảo cổ học đã cho thấy hình ảnh của voi trên nhiều tác phẩm nghệ thuật. Ngoài ra, người Việt cổ cũng có khả năng nuôi những loài động vật khác như lợn, gà, dê. Các nguồn tài liệu cho thấy chăn nuôi thời văn hóa Đông Sơn chủ yếu là quy mô nhỏ, làng xã là chủ yếu chứ chưa hoàn toàn tách ra khỏi nông nghiệp như một số vùng khác trên thế giới.

Cùng với nông nghiệp, công nghệ luyện kim và đúc đồng cũng ngày một phát triển. Miền Bắc nước ta từ ngàn xưa đã được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho vô số tài nguyên giá trị, trong đó phải kể tới các mỏ vàng, bạc, đồng, chì, sắt,.. Vào thời kỳ tiền Đông Sơn, người dân đã biết đến luyện đồng, khi đó họ đã pha chế được hợp kim đồng thiếc. Bước sang thời kỳ văn hóa Đông Sơn, những người thợ kim hoàn lại thật tài ba khi cho thêm thành phần chì vào tạo nên hợp chất đồng-chì-thiếc. Đây cũng chính là yếu tố góp phần gây ra sự đột biến trong kỹ thuật luyện kim. Chì được cho thêm với mục đích làm hợp chất dễ nung chảy hơn, từ đó hợp chất được dễ dàng đổ vào các khuôn mẫu. Tại một số di chỉ Đông Sơn, các nhà khảo cổ học đã tìm ra nhiều những khuôn đúc đồng bằng sa thạch hay đất nung. Nhiều khuôn đúc dao găm, giáo mác, vật dụng, đồ trang trí đã được tìm thấy ở Làng Cả, Làng Vạc, Làng Ngâm. Nhắc đến luyện kim, ta không thể không nhắc tới sản phẩm vĩ đại nhất, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc nhất của người Việt ta, đó chính là trống đồng. Quan sát chiếc trống Đông Sơn tiêu biểu như trống Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Sông Đà, Cổ Loa, ta không thể không thán phục sự khéo léo tài ba của thợ đúc Đông Sơn xưa từ góc độ kỹ thuật đến mỹ thuật. Có thể nói, chủ nhân văn hóa Đông Sơn đã đạt đến đỉnh cao của nghề luyện đồng.

Trống đồng Đông Sơn còn là một kiệt tác mang đậm hơi thở cuộc sống, hơi thở văn hóa người dân Việt Nam. Đặc biệt, điều này được thể hiện rất rõ qua các họa tiết trên trống đồng, như một chứng tích tái hiện lại cả một thời kỳ rực rỡ, từ những hoạt động sinh hoạt hằng ngày, lễ hội, trang phục, nhà,…Nhìn vào chi tiết, ta có thể rút ra một vài nhận xét về ý nghĩa các biểu tượng trên trống đồng. Trên mặt và thân trống đồng có hai loại hoa văn: một là hoa văn hình học, một loại là hoa văn hiện thực. Ở trung tâm mặt trống đồng là hình ảnh ngôi sao 14 cánh tương ứng là mặt trời, vốn là yếu tố quan trọng đối với cư dân trồng lúa nước, khoảng cách giữa các ngôi sao là hình lông công, có tài liệu còn cho rằng giữa các cánh sao là hình tượng sinh thực khí nam và sinh thực khí nữ biểu trưng cho tín ngưỡng phồn thực, nam nữ hòa hợp. Về hình người thì có cả nam và nữ. Người có thể đang mặc váy dài, có hai vạt tỏa ra hai phía, vừa đi vừa múa, có người tay cầm rìu, người thổi khèn, người cầm giáo, v.v. Bên cạnh đó còn có hình nhà với hai loại hình kiến trúc là nhà mái cong và nhà mái tròn. Nhà có hai cột chống ở phía đầu nhà và ở giữa có kê thang để lên sàn. Nhà mái tròn thường có một người, có nhiều tư liệu cho rằng đây có thể liên quan đến tín ngưỡng và tạm gọi là “nhà thờ”. Một vài tư liệu khác cho rằng nhà của người Việt cổ lấy hình tượng con rùa, với mái là mai rùa, chân chống là chân rùa và cầu thang đi lên chính là đầu rùa. Cuối cùng là hình thú nổi bật là hình chim hạc và hình hươu xen kẽ nhau, có thể cho rằng đây là sự hòa hợp của con người và thiên nhiên, muông thú.

Về tập tục và tín ngưỡng, ở thời kỳ này tồn tại 3 tín ngưỡng chính, đó là: Tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng sùng bái tự nhiên và tín ngưỡng sung bái con người. Con người cần phải được sinh sôi, mùa màng, cây cối cần phải được tươi tốt phát triển, nên nảy sinh ra ở người dân Đông Sơn tín ngưỡng phồn thực, thể hiện qua việc thờ sinh thực khí nam và nữ và thờ hành vi giao phối. Điều này có thể dễ dàng nhận thấy qua các họa tiết trên những cổ vật Đông Sơn. Người Việt còn tôn sùng các loại cây cối, các loại cây lương thực chính. Các sản phẩm như bánh chưng, bánh giầy , và các loại bánh làm từ gạo còn được lưu truyền cho đến ngày nay. Có thể nói, nền văn minh lúa nước không chỉ đi vào sinh hoạt, mà còn đi vào đời sống tâm linh của người dân. Người Việt còn có truyền thống thờ cúng ông bà tổ tiên, những người có công với đất nước, với dân tộc, một nét đẹp văn hóa vẫn được gìn giữ và phát huy. Đặc biệt, nghệ thuật mai táng người chết bằng mộ thuyền cũng đã được tìm thấy rải rác trên toàn bộ vùng Bắc Bộ và tới miền Trung như một minh chứng cho cách chôn cất độc đáo của người Việt cổ.

Ngoài ra, có rất nhiều dấu tích cho thấy sự xuất hiện của kỹ thuật quân sự, chiến tranh trong thời kỳ này, điển hình là việc khai quật được những thứ vũ khí và thành quách đã tồn tại hơn cả ngàn năm. Vũ khí Đông Sơn đa dạng về chủng loại, ngoại hình và phong phú về số lượng. Có thể kể ra đây những loại vũ khí đã được tìm thấy như mũi tên Cổ Loa loại hình cánh én, hình lao, hình ba cánh có chuôi dài hay những lưỡi giáo, dao găm, lưỡi rìu đồng với vô vàn kiểu dáng, thiết kế và họa tiết khác nhau, giúp đỡ người dân trong công việc hằng ngày và việc chống giặc ngoại xâm, trong cả thời bình và thời chiến. Đặc biệt, nỏ đồng bắn ra nhiều mũi tên đã trở thành loại vũ khí hữu dụng và hiệu quả nhất thời bấy giờ. Nó cũng chính là phần thực tế trong truyền thuyết nỏ thần của An Dương Vương, khiến tướng xâm lược Triệu Đà phải khiếp vía kinh hồn. Điểm thú vị của thứ vũ khí này chính là có thể cùng một lúc bắt ra rất nhiều mũi tên, hoạt động hiệu quả hơn hẳn những thứ vũ khí còn lại.

Người dân ta gán cho nó tên “nỏ thần” cũng vì lí do ấy, không chỉ nói lên tính hữu dụng của nỏ mà còn có phần ca ngợi đầu óc sáng tạo cũng như đôi bàn tay tài ba, công phu của người Việt cổ khi chế tạc được thứ vũ khí này. Những cuộc khai quật sau này đã phát hiện ra cả kho chứa hàng vạn mũi tên đồng, càng thêm phần khẳng định được đỉnh cao vũ khí quân sự mà người dân Đông Sơn đạt được bấy giờ. Về thành quách, nhân chứng còn sót lại phải kể đến thành Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội). Đây chính là kinh đô của nhà nước Âu Lạc dưới thời An Dương Vương vào khoảng thế kỷ thứ III trước Công Nguyên và của nhà nước phong kiến dưới thời Ngô Quyền thế kỷ X sau Công Nguyên. Thành Cổ Loa được các nhà khảo cổ học đánh giá là “tòa thành cổ nhất, quy mô lớn vào bậc nhất, cấu trúc cũng thuộc loại độc đáo nhất trong lịch sử xây dựng thành lũy của người Việt cổ”. Truyền thuyết kể lại rằng thành có chín vòng, nhưng trên thực tế tìm hiểu và khai quật, thành chỉ có ba vòng thành chính: Thành nội, thành trung và thành ngoại. Ở đây, con sông Hoàng được dùng làm hào thiên nhiên cho thành ngoại về phía Tây Nam và Nam, phần hào còn lại có năm con lạch nhỏ, nước chảy thông vào hào thành nội. Tương truyền là An Dương Vương khi xưa thường dùng thuyền đi khắp các hào rồi ra sông Hồng.

Cuối cùng, cũng như bao nền văn hóa, việc phân hóa xã hội cũng là một thành tố tạo nên sự đặc trưng của văn hóa Đông Sơn. Kinh tế phát triển, sự trao đổi sản phẩm và nguyên liệu giữa các địa phương nhờ đó mà ngày càng được mở rộng, dẫn đến việc tăng thêm nguồn của cải xã hội. Sản phẩm thặng dư đã tạo cơ sở để phân hóa xã hội. Chế độ tư hữu xuất hiện dẫn đến sự chuyển biến quan trọng là xã hội phân hóa kẻ giàu, người nghèo. Các nhà khảo cổ đã phân tích những cổ vật thu được, cùng với các hiện vật trong các khu mộ táng thời Hùng Vương cho thấy các tầng lớp rõ rệt được hình thành trong thời kỳ văn hóa Đông Sơn. Người Việt cổ có tục mai tang người chết cùng với đồ tùy táng. Dựa vào số lượng đồ tùy táng trong các khu mộ táng, có thể phân biệt được kẻ giàu, người nghèo. Đi cùng với hiện tượng phân hóa giai cấp là sự ra đời của nô lệ gia trưởng, từ đó hình thành nên các tầng lớp như: Quý tộc (tầng lớp cao nhất gồm tộc trưởng, tù trưởng bộ lạc, thủ lĩnh liên minh và những người giàu có khác), nô tì, tầng lớp dân tự do của công xã nông thôn (lực lượng sản xuất) và tầng lớp trên của xã hội (giàu có, giữ các cương vị quản lí công việc công cộng của chiềng chạ).

Với tất cả những yếu tố được nêu ra ở trên, có thể nói, nền văn hóa Đông Sơn đã phát triển đến độ thịnh vượng, khi mọi mặt của đời sống vật chất và tinh thần của người Việt cổ đều được đủ đầy và mang một nét riêng biệt không thể lẫn với các cộng đồng dân tộc khác. Ở đó, nền văn hóa Đông Sơn là đại diện cho bản sắc bản địa của người Việt, là một trong những thời kỳ hào hùng, rực rỡ và đã góp phần không nhỏ cho việc hình thành nên những triều đại kiêu hùng, sánh vai với các cường quốc trong khu vực thời bấy giờ. Thấu hiểu tường tận nền văn hóa Đông Sơn, ta nhận ra rằng bản thân mỗi người con đất Việt, dù ở nơi đâu trên toàn thế giới cũng đều có trách nhiệm trong việc tiếp biến văn hóa lâu đời của dân tộc, phổ biến và củng cố thêm những giá trị cốt lõi đi đôi với việc bảo tồn và phát huy để những giá trị ấy trường tồn mãi với thời gian.