Quê tôi là một xóm biên giới nghèo nằm bên con sông Tiền quanh năm chảy cuồn cuộn, mang phù sa từ dòng Mê Công về với đồng bằng màu mỡ. Người dân quê từ bao đời nay đã quen gọi con sông với cái tên thân thuộc là sông Cái. Hai bên dòng sông là hai bờ bồi lở, xóm của tôi nằm ngay bên lở. Vậy là mỗi năm, xóm nhỏ lại bị thu hẹp đi một ít. Thế mà dân xóm tôi vẫn sinh sống, cất nhà quanh sông Cái, chẳng phải vì họ không sợ mà là vì từ trước tới giờ, họ đã quá quen sống với sông nước, với những mảnh đất rẫy quanh nhà. Đất lở tới đâu, dân xóm tôi lại dời nhà xích vào trong tới đó. Phía trước nhà, người ta trồng rau màu, nhiều nhất vẫn là bắp và sắn, hai loại cây gần gũi nhất ở quê tôi. Gần với mé sông là lối đi nhỏ dành cho xe máy và xe đạp. Tôi nhớ mãi cảm giác mỗi lần được mẹ chở theo lên rẫy, ngồi trên chiếc xe đạp đòn dông kêu cót két mà lòng tôi thấp thỏm, mắt chẳng dám mở còn tay thì siết chặt lấy mẹ. Kế bên là vực sâu toàn nước là nước, hỏi làm sao không sợ cho được. Mẹ tôi từng kể, có một bác kia say rượu đi về ban đêm, xe đương chạy thì bỗng dưng bờ đất nứt ra rồi lở, kéo theo cả bác ấy rớt xuống sông. Bác vừa bơi, vừa la lên giữa đêm khuya. Nghe tiếng kêu thất thanh, thế là bà con ở phía trong mới hớt hải chạy ra vớt bác lên, còn bác ấy thì một phen hú vía, mặt cắt không còn giọt máu. Mỗi lần đi với mẹ và nhớ lại chuyện đó, tới được khoảnh đất rẫy xa sông là tôi lại thở phào nhẹ nhõm.
Cứ độ tháng bảy, quê tôi lại vào mùa nước nổi. Dân xóm tôi đổ nhau ra sông giăng câu, thả lưới. Hầu như nhà nào cũng có một chiếc xuồng và đôi ba mẻ lưới. Tôi rất thích mỗi lần nước lên vì không những được ăn cá linh thỏa thích mà tôi còn được tắm sông mỗi ngày. Nhưng mùa nước cũng là lúc đất lở nhanh và nhiều nhất. Nước càng lên đất lại càng lở. Dòng sông Cái đục ngầu chảy cuồn cuộn, cuốn trôi biết bao công sức của bà con xóm tôi. Đêm về, tiếng đất lở xuống sông nghe ầm ầm. Bà con chạy ra hết khỏi nhà, lấy đèn pin rọi xung quanh, nhìn khoảnh đất vừa rồi còn đầy hoa màu nào sắn, nào bắp, nào cà, lở hết cả xuống sông mà lòng ai cũng xót. Dạo đó, tôi nhớ ngày nào cũng có một khoảnh đất lở xuống sông, nhưng dân xóm tôi vẫn quyết bám đất, bám sông.
Ở chỗ khoảnh đất đã bị vùi xuống dòng nước, lâu ngày hình thành nên một gò đất cao thẳng đứng với mặt nước, dân xóm tôi gọi đó là doi đất lở. Đấy là nơi lũ trẻ chúng tôi tụ tập chơi đùa vào mỗi buổi chiều, mặc cho những lời răn đe của cha mẹ. Tôi nhớ một buổi chiều hôm nào, cha tôi bất chợt xuất hiện, trên tay là cành tre non cha bẻ bên đường. Ông quát lên một tiếng, thế là lũ trẻ chạy tán loạn hết về nhà. Chiều hôm đó, tôi bị cha đánh một trận vì cãi lời. Thế mà tôi vẫn trốn cha tụ tập cùng đám bạn vì lúc đó chẳng hiểu sao tôi cảm giác rằng, doi đất lở sẽ… không bao giờ lở. Ngộ thay, từ đó về sau, những khoảnh đất khác ven sông cứ tiếp nối nhau hòa tan vào dòng nước sông Cái còn doi đất lở của lũ trẻ chúng tôi thì vẫn ở đó. Thời gian qua đi, bọn trẻ lớn lên và những cuộc chơi trên doi đất lở cũng chẳng còn như ngày trước nữa. Có một bận tôi chợt nhớ và hỏi mẹ doi đất lở đã lở hay chưa, mẹ bảo nó vẫn còn đó, chẳng ai hiểu tại sao?
Năm tháng qua đi, sau những ngày học hành vất vả, tôi trở về quê như một vị khách lạ ghé chơi. Dòng sông Tiền giờ chẳng còn dữ dội như ngày nào mà nay âm thầm, hiền hòa chảy từng dòng. Trên bờ, hàng xóm của tôi giờ cũng đã dọn nhà đi đâu mất, chỉ còn lại những hàng bắp, hàng sắn và vườn cà bên những túp lều dựng tạm. Doi đất lở của lũ trẻ chúng tôi cũng chẳng còn đó nữa, thay vào đó là một bến tàu dành cho những vị khách nước ngoài đến thăm xóm nghèo. Rồi đây, tiếng đất lở vẫn ầm ầm nhưng làng quê tôi sẽ ngày càng đổi mới, sẽ chẳng còn doi đất lở đầy ắp những tiếng cười vô tư của lũ trẻ con nữa…