Được mệnh danh là vùng đất võ trời văn, từ lâu Bình Định đã là điểm đến lý tưởng của bao người phương xa. Và có lẽ khi tạm biệt nơi đây, không ít người còn đem lòng vương vấn bởi đất và người đều hiền hòa, chân chất.

Đặt chân đến Bình Định, có lẽ khách phương xa luôn ao ước mình có nhiều thời gian hơn những gì đã định để được du hí bước chân đi khắp những địa danh làm nên cái riêng của vùng đất này. Ai đã từng đến với Bình Định chắc hẳn đều một lần đến khu du lịch Ghềnh Ráng để được tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ của Bãi tắm Hoàng Hậu, thăm Đồi Thi Nhân và chắc chắn sẽ lưu lại vài tấm hình bên mộ nhà thơ Hàn Mặc Tử với bao niềm thương mến, để rồi thì thầm đọc lên dòng chữ khiêm nhường: “Đây an nghỉ trong tay mẹ Maria: Hàn Mặc Tử, tức Phêrô Phanxicô Nguyễn Trọng Trí”.

Đến với Bình Định để được ngắm nhìn những tháp cổ – dấu tích của người Chăm xưa. Đó là Tháp Đôi, tọa lạc tại thành phố Quy Nhơn, trên đường Trần Hưng Đạo. Đó là Tháp Cánh Tiên, tháp Phú Lốc ở An Nhơn, tháp Bánh Ít, tháp Bình Lâm ở Tuy Phước,… Những ngôi tháp này, ít nhiều đều đi vào trong thơ bằng niềm tự hào của người dân bản địa và niềm ngưỡng mộ của du khách. Vậy nên, có người đã từng viết về vẻ đẹp của Tháp Cánh Tiên với nét đẹp nao lòng của cảnh thực xen lẫn ảo mộng: Cây vẫn liền cây, lá vẫn xanh/ Đá rêu trầm mặc, nắng tơ mành/ Có bóng tiên về trên đỉnh tháp/ Lung linh nhịp múa điệu Chiêm Thành. Với nét đẹp trầm mặc, cổ kính những ngọn tháp vẫn đứng đó, thách thức với thời gian, chứng kiến sự đổi thay từng ngày của đất và người Bình Định.

Bảo tàng Quang Trung cũng là nơi thể hiện niềm tự hào của người Bình Định về người anh hùng đã vẽ lên trang sử vàng của non sông. Nơi đây đã lưu giữ rất nhiều những dấu ấn, hiện vật thuộc về một thời anh em nhà Tây Sơn xuất quân đánh giặc. Đặc biệt, qua bao lần trùng tu, tôn tạo nhưng giếng nước và cây me trăm tuổi nhà ba anh em họ Nguyễn thì vẫn được gìn giữ, chăm sóc đến tận bây giờ. Người đời sau, mỗi lần nghe đến lời hiệu triệu của hoàng đế Quang Trung xưa kia trong lòng đều dấy lên niềm tự hào và ngưỡng trọng đối với nhà vua, tình yêu đối với quê hương đất nước: “Đánh cho để dài tóc. Đánh cho để đen răng. Đánh cho nó trích luân bất phản. Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn. Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”. Lời hiệu triệu ấy càng trở nên hào hùng, đầy khí phách khi được tái hiện cùng màn biểu diễn võ thuật với màn trống trận năm xưa của vua Quang Trung.

Bình Định ngày càng đổi mới, phát triển nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp thanh bình, hiền hòa với những ngôi chùa cổ kính (chùa Ông Núi, chùa Thiên Hưng, chùa Thập Tháp, chùa Long Khánh,…) hay nhà thờ Lòng Sông – một công trình kiến trúc tuyệt mỹ, nơi phôi thai của chữ quốc ngữ. Mọi người sẽ ngỡ ngàng trước nét đẹp của những Cù Lao Xanh, Hầm Hô, Bãi Xép…

Đến Bình Định rồi chắc chắn bạn sẽ yêu cảnh và quyến luyến người nơi đây. Bởi người Bình Định hiền hòa mến khách, lúc nào cũng “thật như đếm” vậy. Sau chuyến du lịch ở Bình Định, bạn cũ của tôi còn ngỡ ngàng kể lại: người Bình Định lành quá. Ngồi ở bãi biển uống nước ngắm cảnh hàng giờ mà không tính tiền ô dù, còn cho mượn dép để đi dạo bởi “đi giày cao gót trên bãi cát không tiện”. Họ không sợ mất, họ tin mình như tin chính họ. Rồi thằng bé bán đồ lưu niệm dạo, mình từ chối mua vì sợ bị hét giá cao vẫn nán lại tặng cho “người lạ này” một vỏ ốc xinh xinh nhặt được trên bãi biển. Đôi mắt trong veo khiến mình thương đến lạ.

Viết không hết, đọc không cảm nhận đủ, bạn phải trực tiếp “xách ba lô lên và đi” để tận mắt ngắm nhìn, để thả hồn cảm nhận, mới thực sự thấy Bình Định đẹp biết bao.