Kí ức có thể quên, nhưng cảm giác yêu một người khó có thể tàn phai theo năm tháng…

Tương truyền rằng nhân gian có một viên ngọc Nhớ, ai giữ nó trong tay thì dù có uống canh Mạnh Bà vẫn không thể xóa đi kí ức kiếp trước. Nhưng hầu hết mọi người đều không biết đến công dụng đó, mà họ chỉ biết rằng viên ngọc thần kì giúp chủ nhân tăng thêm sức mạnh, có khả năng điều khiển kí ức của con người.

Họ đua nhau đi tìm. Thật giả như thế nào, viên ngọc đó hình dáng ra sao, người ta mới chỉ đồn thổi cho nhau nghe chứ chưa bao giờ nhìn thấy.

Nhân gian không biết, nhưng nhà họ Lưu hẳn là nắm rõ như lòng bàn tay…

—————–

Gió thu thổi từng chiếc lá vàng rơi khẽ động mặt hồ, mặt nước xoay tròn con sóng nhẹ thành những vòng tròn đồng tâm cứ thế lan xa rồi lan xa mãi. Áng mây trắng bồng bềnh như nét họa điểm tô trên nền trời xanh. Tiếng chim chuyền cành lảnh lót véo von, nhành hoa lài nở muộn dịu dàng bung tỏa hương quẩn quanh mái đình thơm ngát.

Đó là một ngày đẹp trời, cũng là ngày mà Tiểu Đình đến với Lưu Gia.

Ta đang ngồi nhàn nhã trong đình thưởng trà đọc sách thì không gian yên tĩnh bị phá tan bởi tiếng gọi cổng rất to. Những người trong làng lên núi đi săn đã đem về một vị thuốc như lời ta đã dặn. Và đó cũng là lần đầu tiên ta nhìn thấy nhóc.

Ta vô cùng ấn tượng với đôi mắt to tròn đen lay láy ấy, nhưng nó lại chứa đựng đầy sự sợ hãi và hoảng loạn bên trong. Thằng bé ngồi thu lu một góc trong cũi gỗ, tay chân bị trói bởi sợi dây thừng to thô ráp, thân hình nhếch nhác bẩn thỉu với mảnh da lông sậm màu quấn quanh người.

 

portrait tattoo designe | Động vật, Ý tưởng hình xăm, Kỳ ảo

Những người thợ săn nói rằng đó là một con sói, và bởi chưa trưởng thành nên chưa có đủ lông như những con lớn khác. Họ đoán như thế, dẫu sao thì tóm được nó trong hang sói sau khi những con khác bỏ chạy tán loạn thì ắt hẳn đó cũng là sói rồi. Và họ sẽ đem nộp nó cho quan tri huyện để lĩnh thưởng.

Nhưng đó rõ ràng là đồng loại của chúng ta, đó là một đứa bé con người. Một người làm nghề gõ đầu trẻ như ta không thể nào không biết được.

Con sói nhỏ tru lên một tiếng thê lương, trong tiếng kêu ai oán đó ta như nhận ra lời khẩn cầu tội nghiệp. Hãy cứu lấy nó, làm ơn! Và ta không thể kìm lòng trước ánh mắt bi thương đó được. Đó là lý do tại sao nhóc ở đây, ta đã xin nhận nuôi đứa bé, từ nay đã có một cái tên, xin hãy gọi lên hai tiếng “Văn Đình”.

* * *

“Đó là con gì vậy?” Trong căn phòng nhỏ, vô số người làm hỏi nhau chỉ trỏ. Tiểu Đình đứng run rẩy nép mình sau cây cột, vươn tầm mắt ngó nghiêng bốn phương như muốn tìm đường chạy trốn.

“Đừng làm thằng bé sợ. Không có việc gì thì các người lui hết ra ngoài đi. “Ta nhắc nhở đám gia đinh trong nhà rồi từ từ tiến lại phía nhóc. Nhóc tránh né ta, cố lùi lại sâu hơn đến tận góc tường.

“Đừng sợ, sư phụ sẽ không làm gì con đâu.”

Ta tiến lại gần thêm vài bước nữa, thằng nhóc hoảng loạn nhảy vọt qua người ta rồi lao về phía cửa sổ. Nhưng nó không chui lọt, cái đầu ngắc ngứ giữa không trung, toàn thân run rẩy như thể sợ ta tóm được. Tiểu Đình nhắm mắt lại, đếm ngược thời gian cái chết cận kề. Nhóc sợ ta sẽ làm hại nhóc sao?

“Chịu đau một chút, đừng giẫy giụa. Sư phụ sẽ giúp con ra.” Ta cố gắng cử động thật khéo léo nhẹ nhàng nhưng có lẽ Tiểu Đình vẫn thấy đau nên mày hơi chau lại. Ta nghe thấy từ bụng nhóc phát ra tiếng sôi ọc ọc liên hồi.

Đặt nhóc con còn chưa hết sợ ngồi xuống giường, ta không ngại thân hình dơ dáy làm bẩn chiếc chăn sạch sẽ.

“Tiểu Đình ngồi đây chờ sư phụ đem đồ ăn lên nhé, nhớ là không được chạy lung tung đấy nghe chưa.”

Ta chốt chặt cửa vì sợ thằng bé sẽ chạy ra một lần nữa, nhưng cuối cùng ta cũng chả dám đi xa, chỉ đứng ngay trước cửa phòng kêu người làm mang thật nhiều đồ ăn tới. Ta không biết Văn Đình thích ăn gì nên dặn đầu bếp làm đủ loại, bao nhiêu nguyên liệu dự trữ nơi trù phòng đều bỏ ra bằng hết, ông ấy còn tưởng ta chuẩn bị mở tiệc đãi khách linh đình.

Đồ ăn bày biện hết trên bàn, hương thơm tỏa ra ngào ngạt, đến ta còn không cưỡng lại được nên cũng hi vọng Tiểu Đình có thể thưởng thức một cách ngon lành. Ta gọi Tiểu Đình, nhóc vẫn vùi mặt xuống cái chăn không phản ứng. Ta gọi thêm dăm ba lần nữa nhóc vẫn chẳng biết có người đang gọi mình. Ta phải tới tận giường kéo nhóc dậy, bấy giờ nhóc mới thôi hít hít ngửi ngửi cái chăn sạch sẽ thơm tho.

Ta chỉ về phía bàn gỗ, nói:

“Bên kia có thứ còn thơm ngon hơn cái chăn này nhiều, Tiểu Đình.”

Nhóc đưa cái mũi hếch hếch lên ngửi, nhìn ta một cái đề phòng rồi nuốt nước bọt đánh ực. Ta nghĩ nhóc sẽ lao vào ăn vì đói cơ, nào ngờ nhóc lùi lại rồi cuộn tròn người trong chăn kín mít.

Nhóc sợ ta sao? Hay nhóc từng ăn trúng đồ có độc nên nảy sinh tâm lý đề phòng? Ta ăn thử từng món trên bàn, nhóc hé chăn ra nhìn chỉ bằng một con mắt.

Cuối cùng nhóc cũng chịu xuống giường, nhưng lại ngồi chồm hỗm trên bàn bằng tư thế bốn chân. Vô số đĩa thức ăn vì bị nhóc chiếm chỗ mà rơi xuống đất. Nhóc nhảy phóc xuống, hít ngửi đồ ăn vương vãi, rồi thè lưỡi ra liếm một cách ngon lành.

“Tiểu Đình, đồ dưới đất bẩn rồi. Con lên đây ngồi, còn nhiều món khác ngon lắm.” Ta vội vàng kéo nhóc dậy, nhưng nhóc vẫn rướn người cố liếm thêm mấy cái mới chịu buông. Nhưng vẻ tiếc nuối ấy sớm qua đi khi nhóc ngửi thấy mùi thịt thơm béo ngậy. Nhóc dùng móng vuốt dài chưa cắt tỉa túm lấy một cái đùi gà tẩm nước sốt, đặt nó lên bàn, một tay ấn giữ chặt rồi bắt đầu dùng răng nanh xé. Đúng kiểu ăn của sói, ta phì cười. Nhưng rồi sau này ta sẽ phải dạy nhóc cách ăn của loài người, chắc là sẽ không dễ dàng đây.

Ăn xong một bữa no, Tiểu Đình có vẻ bớt đề phòng ta hơn trước. Ít ra ta có thể ngồi cạnh nhóc trong khoảng một thước mà không bị những móng vuốt kia cào.

“Tiểu Đình ăn có ngon không? Thức ăn dính lên người dơ quá kìa. Để sư phụ dẫn con đi tắm nhé.”

Ta sai gia nhân chuẩn bị quần áo và nước tắm. Chờ một lát xuôi cơm ta mới dắt Tiểu Đình đi. Thằng bé ăn xong ngoan ngoãn dễ bảo hơn nhiều. Ta còn lo tìm cách dụ nhóc đi, vì sợ bản năng của loài sói sẽ khiến Tiểu Đình sợ nước. Nào ngờ nhóc sau khi đi một vòng ngó nghiêng chậu lớn thì lấy đà nhảy tõm vào luôn. Ta vội vàng giơ tay ra túm mà không kịp.

“Văn Đình, con phải cởi quần áo rồi mới xuống nước chứ?”

Ta đành phải nhảy vào chậu nước theo mà quên mất mình cũng đang mặc tầng tầng quần áo. Tiểu Đình nghịch nước một cách thích thú, nhóc ngụp mặt xuống rồi lại ngẩng lên, dầu mỡ thức ăn loang ra nổi váng đầy mặt nước. Ta đành lôi cậu bé ra rồi thay một chậu nước mới, mặc cho ánh mắt đầy luyến tiếc vì bị cắt ngang cuộc chơi ta cũng đành phải cứng rắn vậy thôi.

“Tiểu Đình ngoan, cởi quần áo xong lại vày nước tiếp, được không?”

Ta tháo miếng da lông dơ hầy quấn quanh người Tiểu Đình, từ nay nhóc sẽ không cần dùng đến nó nữa. Khi mảnh da rơi xuống, ta như chết đứng người, toàn thân cứng ngắc không thể nào cử động. Máu nóng dồn lên mặt khiến hai má đỏ bừng, ta lắp ba lắp bắp không nên hơi:

“Tiểu… Tiểu Đình? Con… con là… nữ nhi hả?”

Cởi xong trang phục, Tiểu Đình hí hửng nhảy ùm vào trong chậu. Còn ta như cơn gió lốc vội vã chạy ào ra ngoài, mặc cho đám gia nhân nhìn ta với ánh mắt biết bao cổ quái. Ta dặn một nha đầu vào giúp Văn Đình tắm rửa, cũng chẳng quan tâm nàng ta có đồng ý hay không thì bóng ta đã mất hút không còn dấu vết.

Sau hôm đó ta đóng cửa trong phòng mấy ngày, mọi sự đều sai quản gia phân phó, ai đến tìm cũng không tiếp. Ta cảm thấy bản thân thật tội lỗi, ta phải sám hối cho những cái mình không nên nhìn. Tiểu Đình chỉ là một đứa trẻ chưa đầy mười tuổi, vậy mà ta… vậy mà ta…

Sang ngày thứ ba thì bên ngoài cửa phòng ta không còn giữ nổi nữa. Đám gia nhân gào khóc ầm ĩ đòi nghỉ việc về quê. Ta mặc kệ không nghe, cố niệm kinh kệ thật to để át đi lời họ. Nhưng rồi một tiếng hô lớn khiến ta phải khựng lại:

“Lưu sư phụ, Tiểu Đình… Tiểu Đình ngã bị thương rồi!”