Sáng sớm nay tui lại thấy thím Sương xách theo cái túi xách cũ, cắp nón, bận bộ bà ba  quen thuộc, dáng vẻ gấp gáp chạy ra chú Tám xe ôm ngoài ngõ. Chú Tám hỏi một câu cũ mèm “đi bắt ghen nữa hả chị Sương?”. Thím không kịp nói gì chỉ gật đầu, leo lên xe rồi chú Tám bắn ga vọt lẹ.

Chuyện thím Sương đi bắt ghen cả cái xóm này đều biết, vì nó xảy ra đâu cũng hơn hai chục bận rồi, người bắt ghen và người bị bắt ghen nay cũng đã tới mốc u năm mươi. Vậy đó mà cứ vài ba bữa hay lung lắm là được một hai tháng mọi người sẽ thấy chú Tám chở thím Sương trên chiếc xe dream cà tàng dừng trước cửa một nhà nghỉ nào đó rồi chờ thím xong sẽ chở về nhà. Rút riết cái nhóm đánh ghen này rụng từ từ hết trơn hết trọi, từ ban đầu có đâu tới gần chục người, mà nay ngót nghét còn một mình thím đi hết chỗ này tới chỗ khác. Những người từng hô hào ủng hộ cũng lắc đầu ngao ngán bởi có đánh ghen suốt đời thì người đàn ông đó cũng không bao giờ quay về với vợ con, mà khuyên cách mấy thím cũng bỏ ngoài tai. Thương chồng gì mà thương dữ? Mấy đứa con của thím rồi cũng ở luôn trên thành phố cuối tuần mới về một lần, khi đã lớn thấy má bị phản bội tụi nó cũng làm dữ với cha mình, nhưng sau thấy nhiều quá mà má cũng không chịu bỏ cha nên tụi nó cũng dần lảng tránh căn nhà không có tiếng cười này, chỉ còn mình thím tự đi tới đi lui với ông xe ôm hàng xóm. Có dạo, tui ngồi cà phê ngẫm sự đời, mà ngộ ra rằng có khi nào hai người này, một kẻ chở đi bắt ghen một kẻ là người bắt ghen đáng thương, họ có vì những đoạn đường đi chung đó mà mến nhau luôn không ta. Bởi chú Tám cũng bị vợ bỏ vì nghèo, còn thím Sương thì có chồng mèo mỡ gà đồng. Trong máu chồng thím có sẵn một con người lãng tử cộng thêm nhà thím mới phất lên lại sau những khó khăn trăm bề bằng sáu tờ vé số độc đắc nên những cám dỗ cứ vậy mà bao vây. Có tiền cũng như không…

Nói tới kẻ bị bắt ghen hết lần này lượt khác thì vầy, chú Tấn xưa là công tử nhà giàu, khá giả lắm, nghe nói đâu hồi đó ổng đẹp trai lai láng nhất nhì trong vùng, nhà có của nả nên nhiều người cũng muốn làm thông gia. Thím Sương thì chỉ là cô thôn nữ nhà nghèo, mà ác cái bả đẹp mê hồn. Cái đẹp chân chất hiền lương, môi không tô son mà đỏ, mắt không kẻ mày mà tròn đen lay láy, đôi mắt mướt rượt, ai cũng nói thím có nét đẹp trời ban, nên trai làng nhiều người mê, trong đó có chú Tấn công tử. Năm thím mới mười sáu tuổi, đi làm lúa mướn cho nhà chú, gặp một lần rồi chú một hai về đòi ba má đi hỏi cưới người thương, dù hồi đó ổng chưa ngỏ lời với người ta, chưa biết người ta có ưng mình hay không, ông bà cả không chịu cưới, chê nhà thím nghèo thì chú giãy đành đạch, đòi sống đòi chết để có vợ cho bằng được, bởi ta nói cái gì khó có được thì bằng mọi giá chiếm hữu, khi có rồi mấy ai biết nâng niu.

Hồi đó, thím Sương cũng đang yêu một người thầy giáo, mà thầy nghèo lắm nên ba má thím thấy con được nhà giàu để mắt thì mừng, ít nhiều họ cũng được nở mày nở mặt với bà con lối xóm, ít nhiều cũng có thông gia giàu có chắc con gái mình cũng sung sướng hơn là phải làm bán mặt cho đất bán lưng cho trời phụ chồng kiếm cơm kiếm cháo. Nghĩ vậy cho nên bữa ông bà cả sai người qua nhà dạm ngõ, ba má của thím không cần nói nhiều cũng gật đầu đồng ý luôn. Nhưng khoảng cách giàu nghèo cái thời đó nó khắc nghiệt lắm, dù chịu cưới vợ cho đứa con trai duy nhất, nhưng ông bà cả vẫn không thèm bước tới nhà sui gia nửa bước, tiền cưới cũng ít hơn so với hồi đó nhà giàu đi cưới vợ. Thím về làm dâu nhà chú là cả một đời con gái trần ai, nhà giàu kẻ ăn người ở có thiếu đâu mà mang tiếng mợ hai chứ thím phải làm còn hơn ở đợ. Từ tờ mờ gà gáy đã phải thức dậy đi chợ sớm, cơm nước cho cả nhà xong thì tự tay giặt quần áo cho ba má chồng. Chú Tấn mới đầu xót không cho làm nhưng sau này cũng quen dần với sự chăm sóc của thím rồi cũng sợ phật ý cha mẹ nên chú cũng để yên. Nhiều lúc thím mệt mỏi thấy chú Tấn thương mà thím cũng không dám than thở nửa lời. Mấy lần lén đi chợ ghé ngang nhà ba má ruột, khóc một thôi một hồi với mấy đứa em rồi thím cũng phải quay về. Biết làm sao được khi má chồng chỉ coi thím là một đứa con gái được dùng tiền mua về, và như một công cụ nối dõi tông đường mà thôi.

Chú Tấn hồi đó sung sướng đã quen, cưới thím Sương cũng chỉ vì ham mê cái đẹp, mà cái đẹp với người phụ nữ nó không bao giờ trường tồn mãi mãi, nên sau ba lần sanh nở nhọc nhằn thím ngày càng tiều tụy. Chú Tấn cũng ngày càng thay đổi, những âu yếm yêu thương ngày nào mới cưới nhanh chóng thay bằng sự lạnh nhạt khi thím vừa thương chú đủ sâu. Chú bắt đầu có những cuộc vui mới từ khi thím sanh đứa thứ hai, sáng chú sẽ ăn dầm nằm dề ở một trường đá gà nào đó mới gầy trong xóm, trưa sẽ thấy chú say túy lúy rồi ngủ lại quán của cô nàng bán rượu nổi tiếng lẳng lơ chiều khách nhất vùng, chiều tối chú lại về trú chân ở phòng trà trên huyện, giải trí với mấy người bạn quen, nghe nhạc, ôm đào, uống rượu và chìm trong những làn khói thuốc xám xanh mơ hồ. Hai ba giờ sáng, chú trở về nhà, thím đã ôm con ngủ quên trên giường, còn gì hứng thú mà ôm vợ một cái, chú còn không kịp tháo giày đã quăng mình xuống đệm rồi ngủ say. Nhiều bữa thím đợi chú mỏi mòn, tới khi thấy chú về quyện trên người đầy mùi thuốc lá, mùi men rượu và men tình, thím chỉ còn biết ngậm ngùi chăm sóc cho chú, ngậm ngùi nhìn chồng mình nằm ngay ra đó nhưng lại cách rất xa xôi… Chuyện chăn gối đôi ba lần cũng thành ra lạnh nhạt cho xong… Một người đi tìm mộng trăng hoa, còn một người nhốt mình trong danh phận làm vợ làm mẹ đã định sẵn của đàn bà.

Cũng như cái đẹp thì cái giàu là một sự rủi ro không thể nào chắc ăn được vĩnh viễn, gia đình ông bà Cả sau mấy bận làm ăn thất bại thì tán gia bại sản. Chú Tấn mê đá gà vướn thêm nhiều khoản nợ nần, đã quen với nhung lụa, quen với những lời chào mời đon đả, nên khi bị ngã xuống khỏi lưng ngựa chú như một kẻ chết đuối. Chỉ có thím Sương vẫn vậy, thím chịu khổ quen rồi, nên dù nhà dù xe đã bán đi gần hết chỉ còn lại được mảnh đất với căn nhà vừa đủ cho ba thế hệ trú ngụ thì thím vẫn cam lòng chịu khổ chung. Ông bà Cả khi đó đã quá già để có thể vực dậy gia sản đồ sộ ngày xưa, niềm mong chờ vô cậu hai là chú Tấn cũng giống như mong chờ một ngọn đèn cầy leo lét trong gió bấc. Chỉ lúc này ông bà mới nhìn nhận sự có mặt của đứa con dâu nghèo, lúc người ta mất đi tất cả mọi thứ chỉ còn sót lại sự chân thành thì họ mới biết quý thứ mà mình đã ruồng rẫy, hắt hủi suốt khoảng thời gian dài.

Những ngày tháng cơ cực đó Thím Sương dậy từ ba giờ sáng, nấu một thúng xôi đầy, đẩy xe đạp đi bán khắp nơi, trưa về tới nhà lo cơm nước cho cả nhà, không kịp lua cơm thím lại hấp thêm mẻ bánh giò để tối đi bán tiếp. Trời thương rồi tay nghề nấu nướng giỏi nên xe xôi với bánh giò của thím bao giờ cũng hết sạch. Những đứa con nít lứa tụi tui ai cũng mê cái giọng rao ngọt ngào của thím, “ơi…. Ai bánh giò hôn…. Ơi ai xôi vò, xôi đậu, xôi gấc hôn”. Nghe nó miên man sao đâu á.

Ai mà ngờ nổi người phụ nữ hồn hậu khéo léo vậy mà số lại khổ vô phương.

Mấy người lớn thời đó cứ nghĩ khi đã trượt ngã thì chú Tấn sẽ đổi thay, sẽ thương vợ hơn, nhưng nghĩ thì nghĩ vậy đó chứ chú cũng không khác gì so với trước. Chỉ có điều bây giờ không còn nhiều tiền để đi phòng trà hay vũ trường nữa, nên nơi chú lui tới thường xuyên vẫn là những chỗ có đá gà, hoặc nhà của mấy dì đàn bà góa bụa. Nhưng chưa có nơi nào giữ chân chú được lâu, khi vừa đủ mặn nồng, vừa đủ lưu lại những cháy bỏng và nét đẹp riêng của người đàn bà dần phai là chú sẽ lại đi nơi khác, chinh phục và quấn quýt người khác như thể ông sợ sẽ thấy mình và những người đó bị thời gian bào mòn nhanh chóng.

Ông bà Cả lần lượt qua đời, khi mất bà nắm tay thím Sương thật chặt, nghẹn ngào không thể nói thành câu, trong mắt bà là những dòng nước mặn, những nỗi niềm ân hận in hằn cho tới lúc đôi mắt đó khép lại mãi mãi. Thím không hận ba má chồng, thím cũng còn thương chú bởi ba mặt con chung rồi, bởi những ngày tháng gắn bó với nhau, chú đi đâu cũng chưa bao giờ dọn hết đồ ra ngoài ở luôn, nên thím luôn tin, luôn chờ. Thím thương chú chắc tại hồi xưa chú chân thành với thím, cưới về biết thím chưa ưng mình nên đêm tân hôn chú ôm mền gối xuống đất nằm ngủ queo chứ không hề ép uổng. Mỗi ngày thím làm công chuyện nhà mệt mỏi, tối vô buồng chú sẽ bóp tay bóp chân cho thím đỡ mỏi, chú hay nói “ở ngoài ban ngày em làm dâu ba má rồi nên giờ là thời gian em làm vợ của anh, vợ thì phải được thương nhe em”. Ngọt ngào vậy hỏi sao thím không thương cho được, mà thương rồi nên mới đau nhiều, đau luôn cho tới sau này. Mỗi lần thím kể lại chuyện xưa, đôi mắt đã mỏi vẫn chưa nguôi những mơ màng về ngày tháng cũ. Ai ngờ được người chồng từng chân thành như vậy lại mắc bệnh yêu cái đẹp trầm trọng, nên khi thời gian và những vất vả bào mòn thím thì với chú thím không còn đẹp nữa. Còn đâu cô gái mười sáu tuổi trăng non, môi cười he hé mà làm người ta say mèm, còn đâu nữa ánh mắt ướt át trầm buồn mà anh trai nào nhìn vô cũng té ngã trong đó. Sanh ba đứa con cho chú, một gái hai trai, thím đã già đi nhiều lắm, rồi thêm bao biến cố dồn dập, đôi mắt, nụ cười, mái tóc và làn da của ngày nào cũng phải tàn phai…

Đến lúc trúng được mấy tờ độc đắc, thím gây dựng lại đất đai nhà cửa, mở một tiệm cơm chay từ thiện cho mọi người, lúc này thím mới có thời gian nhìn lại chính mình. Lúc đó tự thân thím nhận ra thời gian khắc nghiệt đã bào mòn hết những thanh xuân của một người phụ nữ. Và thím muốn níu giữ người đàn ông đó bằng cách đi theo nhỏ con gái xăm chân mày đen sắc lẹm, cái môi hồng hồng đỏ đỏ, nhưng chú về nhà nhìn thím bằng ánh mắt xa lạ. Còn hụt hẫng nào hơn nữa chớ!

Nếu nói thím Sương không biết ghen thì làm sao đúng, người phụ nữ nào hầu như cũng có máu ghen trong người, có ai mong muốn chồng của mình, cha của con mình đi ăn nằm với người khác đâu. Những lần đầu, thím âm thầm chịu đựng, nhưng sau bao nhiêu biến cố mà chú vẫn không thay đổi thì thím không cam lòng nữa. Thím đánh ghen!

Cái xóm này, thấy thím hiền ai cũng thương, cho nên nghe tin thím đi đánh ghen thì người lớn, người nhỏ gì cả chục người đều theo ủng hộ. Bữa đánh ghen lần đầu có má tui tham gia nữa, bà thấy thím cực khổ vất vả lo cho chồng cho con mà bị phụ bạc nên cũng ấm ức dùm. Vậy đó một đoàn người tính toán đi tới hang ổ của “con hồ ly tinh” mà đa phần toàn phụ nữ với nhau, tui đồ rằng trong buổi đánh ghen đó, họ không chỉ thay thím dằn mặt người thứ ba mà còn là thay chính bản thân mình cảnh cáo người ta không được la liếm chồng họ (ờ cho chừa má tui ra cái!). Trước khi kéo đi, ai cũng bàn sôi nổi, dì bảy Tình nói “tui với bà tư đè nó xuống, thím bay vô tán nó liền nhen chưa”. Dì hai Thắm thì kêu “mày dẫn theo ba đứa con đi, nó thấy con nó coi nó có hối hận không?”. Bữa đó quán cà phê rôm rả những phương án đánh ghen thời thượng được mấy dì mấy cô vạch sẵn cho thím Sương, nào là bạt tay nó, nào là lột đồ cho nó quê, nhưng đừng có xài dao kéo gì hết, mắc công dính tới pháp luật… Thím nín thinh nhưng ánh mắt hiền hậu đó ánh lên sự quyết tâm kiên nghị, tui cười buồn, làm vợ chi mà khổ quá trời quá đất.

Bàn chơi vậy đó chứ tới hồi kéo tới nhà nghỉ Hồng Hoa, khi mà đạp cửa phòng xông vô trong, nhìn thấy người phụ nữ đó với đuôi mày dài đen, đôi mắt đẹp như sương, môi không đỏ mà hồng tự nhiên, nét đẹp chững lại của một người phụ nữ không chồng, và chú Tấn cởi trần dang tay che chở cho người đó. Thím Sương chết sững, thím không còn đủ dũng khí để xông tới túm tóc hay bạt tay người chồng đã phụ mình, cũng không còn đủ dũng khí để chửi bới hay la hét vô mặt người đàn bà kia. Nước mắt thím cứ vậy mà rơi rớt không thôi, thím đứng đó khóc run lên từng cơn. Có giận dữ, có căm hờn và trên hết là có nỗi buồn quá sức chịu đựng. Nhỏ con gái lớn nhìn mẹ mà đau lòng cũng khóc theo, những người đàn bà còn lại vì nhân vật chính không manh động nên họ cũng tiu nghỉu lặng thinh, chỉ đôi mắt là hừng hực lửa đốt cháy người phụ nữ đẹp đang ngồi trên giường kia. Chỉ má tui nắm lấy vai dì rồi kêu “thôi về mấy bà ơi”. Mọi người lục tục kéo nhau ra khỏi nơi đó, chú Tấn cũng hơi bàng hoàng, bởi mấy năm nay có khi nào thím lại như vậy, hay chú đã tự mình quên đi ánh mắt hờn đau của thím… Thằng nhóc canh nhà nghỉ cũng hoang mang quá trớn, nó nửa hy vọng được coi một bộ phim hành động máu lửa, nửa lại không mong có xô xát quá đà nên định bụng mà đánh quá nó sẽ gọi công an. Ai có dè… Nhanh như một cơn gió, đoàn đánh ghen bỏ về khi chưa sơ múi được bạt tay nào.

Về tới quán cà phê đầu đường, chú Tám xe ôm dợn bụng tính hỏi han coi công cuộc của mấy bà thành công độ nào, nhưng thấy thím Sương khóc không thành lời, ông đành im lặng, ai lại nỡ xát thêm muối vào vết thương của một người đã bị quá nhiều thương tích. Mấy bà bắt đầu tiếc nuối, phải chi, phải mà… Nhưng làm được gì khi người cần làm lại chùn chân không thể bước nổi. Chắc kiềm nén quá lâu rồi, nên bữa đó thím Sương khóc nhiều như vậy, và khóc trước biết bao nhiêu con người. Lúc nhỏ con gái ôm lấy thím rồi nói “con không thương cha nữa đâu” thím càng khóc dữ hơn nữa. Má tui ái ngại lắc đầu kêu mấy dì mấy cô giải tán ai về nhà nấy. Và câu chuyện đánh ghen nhưng không ghen đó được kể hết lần này tới lượt khác để rồi những lần đánh ghen sau này chỉ còn lại một mình thím bơ vơ…

Chú Tám vì nghèo mà vợ bỏ, không con cái gì, ông chạy xe ôm kiếm chén cơm, ly cà phê mỗi ngày, ông dọn về xóm này sống đủ lâu để biết thím Sương thương chồng đi đánh ghen ra sao. Vì cũng là người bị phản bội, nên những lần sau này, ông chấp nhận chở thím đi và ông biết rõ thím đi tới nhà nghỉ vậy thôi, đứng đứng ngồi ngồi ở trước địa điểm rất lâu, chỉ ở yên đó, thấp thoáng thấy dáng người quen thuộc đi ra thì thím sẽ lánh mặt quay đi, cái dáng te tái đó thấy tội quá trời.

Vậy mà cũng hơn hai chục bận đi bắt ghen rồi, cứ lâu lâu thấy thím cắp theo cái nón lá lụp xụp, xách cái túi màu nâu hay mang, bận bộ bà ba chỉn chu hơn ngày thường, dáng gấp gáp vội vàng đi kiếm chú Tám là biết ngay thím sẽ lại tới chỗ nào đó bắt ghen. Bao nhiêu lần bắt tại trận là bấy nhiêu lần tim đau như cắt, vậy mà hết người này tới người nọ, kể cả má tui, là người chơi thân nhất với thím, thậm chí cả ba đứa con cũng xúi má mình ly dị, bỏ cho rồi người đàn ông bội bạc đó đi nhưng thím thà đi kiếm chồng vậy đó chứ tuyệt nhiên không bỏ.

Người đàn ông kia chỉ dành cả đời để đi tìm cái đẹp tự nhiên, mà ai đâu đẹp hoài được, có làm gì đi nữa ổng cũng sẽ mải mê tìm cho tới già tới chết. Có nhiều người ác mồm ác miệng, nói thím không muốn ly dị vì tiếc đống tài sản, không muốn chồng đem cho người khác. Thì tiếc thiệt chớ, nếu là tui tui cũng tiếc hùi hụi vì ai đâu tự dưng cả đời nhọc nhằn kham khổ, ăn không dám ăn, mặc không dám mặc, một tay lo cho chồng cho con, tới hồi trời thương được hưởng thì lại phải dâng không cho người khác, một người không có máu mủ ruột rà…

Tui nghĩ thím tiếc là đúng, chứ có gì sai đâu, nhưng chắc cái làm thím không nỡ buông tay đó là tình thương mà lâu lắm rồi thím đã mất đi. Thím cũng đã gần năm chục tuổi đời, khổ cực gì, sung sướng gì cũng qua, mở tiệm cơm chay cho không thiên hạ ngày ba bữa thím không biết tiếc thì tiền bạc có nghĩa lý gì. Cái níu chân thím là sự mong chờ và niềm tin rằng một ngày nào đó chú sẽ quay về nhà, chú sẽ biết đâu mới là bến đỗ, ngay cả ba má chồng khó vậy mà tới cuối đời thím còn chinh phục được, không lẽ một người đàn ông từng thương thím hết lòng lại không thể hay sao.

Con gái thím dắt má nó đi xăm mắt, xăm môi, đi mua những bộ quần áo sang chảnh mà bao lâu nay thím chưa từng mặc qua bao giờ. Khi đã thay đổi diện mạo của mình rồi, nhìn mình trong kiếng, đẹp thì có đẹp hơn nhưng lạ hoắc, thời gian có chừa lại ai bao giờ, làm sao những thứ nhân tạo này có thể đem lại nụ cười và ánh mắt ngày xưa, thậm chí cái mục ruồi son ngay khóe miệng, cũng đã bị đồi mồi và nếp nhăn che lấp từ khi nào không hay. Bao nhiêu bận đi tìm chồng nhưng cũng là bấy nhiêu bận ôm thêm cay đắng về mình, người đàn ông đó như cánh chim trời bay chưa biết mỏi. Mỗi lần về nhìn thím chú hay lắc đầu thở dài tiếc nuối, sự im lặng đó càng làm trái tim của người phụ nữ tổn thương hơn nữa. Thím sẽ nhìn thấy mình úa màu trong mắt chồng, và nhìn thấy sự thất vọng chán chê trong tiếng thở kiềm nén, buông không đành mà giữ cũng không xong. Người đàn bà từng gánh gồng bao giông bão bỗng thấy mình vô dụng trước mặt người đầu ấp tay gối nhiều năm.

Và ngày đó, sáng mùa hè âm u như muốn mưa, trời oi nồng khó chịu, thím lại xách giỏ, cắp nón, lại giục giã chú Tám đi đến nhà nghỉ trên huyện, lần này thím không đứng chờ ngoài cửa nữa, chỉ năm phút ngần ngừ run rẩy, thím dứt khoát đi vào bên trong, cho tiền thằng nhỏ lễ tân để nó mở cửa phòng cho thím, nó quá quen mặt người đàn bà này, hiền queo, đi bắt ghen mà cứ đứng tần ngần ngoài sân, nên nó nghĩ rằng lần này cũng sẽ như những lần khác, cỡ tuổi má nó hà mà thấy thương quá nên nó mở cửa dù biết làm vậy sẽ không đúng với chức trách của mình. Và lần mở cửa đó, đổ máu thiệt sự.

Khi thím xông vô phòng, mùi hoang lạc vẫn còn nồng đượm, người thứ ba đang trong nhà tắm xối nước ào ào, chú Tấn còn nằm trên giường chưa kịp bận đồ, thím xông lên như một con người hoàn toàn khác, hung hãn, căm hờn, và khi chú chưa kịp nhận ra điều gì thì con dao thái trên tay thím đã cắt ngang một đường thật ngọt trên cái của nợ bên dưới. Máu tuông ra xối xả, chú đứng như trời trồng la lên rồi thấy máu nhiều quá té xỉu, bà nhân tình chạy từ nhà tắm ra thấy thím cầm con dao, máu me từa lưa khắp giường khắp đất thì sợ run rẩy. Thằng nhỏ lễ tân mặt xanh như tàu lá chuối, tay còn bóp chặt hai trăm ngàn mới nhận, nó ú ớ chạy xuống quầy bốc điện thoại mà mất hết gần năm phút không biết nên kêu công an hay là kêu xe cấp cứu trước. Chú Tám đứng bên ngoài, thấy bà nhân tình hốt hoảng chạy ra, linh tính không ổn, khi ông lên tới phòng thì thấy thím Sương đã đổ gục, nhát dao đó sao mà ăn ngọt xớt cái thứ cục mịch kia, nó gần như đứt lìa khỏi phần còn lại, chú Tấn nằm rên rỉ đau đớn, thím Sương gần như cạn kiệt sức lực. Xe cứu thương tới, dọn ngay người và của lên xe ướp đá ra tới bệnh viện huyện, rồi chuyển lên bệnh viện tỉnh nhưng cũng không thể nào nối lại được y nguyên cái cục thịt đã đứt lìa. Công an đưa thím Sương về đồn, chú Tám đi theo, cái tin thím cắt “của quý” ông chồng lan dài về xóm nhà, mọi người ngỡ ngàng, mấy đứa con thím hay tin thì lật đật chạy về với cha mẹ. Không một người nào nghĩ được tới cảnh thím dám cầm con dao xuống tay với chồng, vì người đàn bà đó ngày nào cũng mụ mị tin tưởng chồng sẽ quay lại với mình. Bao nhiêu năm dài đi đánh ghen mà có đúng là đánh ghen đâu. Có má tui bùi ngùi “số con Sương nó khổ quá chừng”.

Thím phải đối mặt với pháp luật vì chuyện mình gây ra, căn nhà khang trang đó buồn hiu hắt, mà rất lâu rồi cũng không thấy nơi đó có hơi ấm của một gia đình. Chú Tấn trở về nhà sau những ngày nằm viện, rồi cả khoảng thời gian dài sau đó ông không hay xuất hiện trước mọi người, có ra vô chạm mặt ông cũng không nhìn ai cười cái nào. Người ngoài cuộc mãi mãi không thể hiểu sâu trong thâm tâm của họ là xúc cảm gì, chỉ biết lắc đầu tiếc nuối, thương cho phận đàn bà ghen âm thầm để rồi gây nên nghiệp. Chuyện xảy ra rồi người ta mới chợt nhớ lại những ngày tháng thím Sương sống trong căn nhà lớn một cách lặng lẽ, sáng đi ra đi vô quét sân làm bạn với cây cối, trưa trưa ngồi bắt ve nói chuyện với con chó vện một mình, tối tối lủi thủi bên mâm cơm lạnh ngắt. Chồng thì đi mất dạng, con có đứa đi học xa, đi làm xa không về, biết trách ai trong những con người đó, hay là tại thím tự nhốt mình trong nỗi cô đơn chồng chất, để rồi những ngày tháng âm trầm dồn nén thành chút động lực, thím xuống tay cắt đứt nỗi oan nghiệt mà mình gánh chịu bao nhiêu năm trời. Nhiều người tặc lưỡi nói “phải mà vậy ly dị bà nó cho rồi” nhưng người ngoài không hiểu được sự ràng buộc của một chữ nợ, nhiều lúc cứ quẩn quanh hoài không bước chân ra được.

Phiên tòa hôm xử vụ này vắng lặng, bởi cái xứ này cũng có mấy vụ y chang, bị cáo đứng ngay vành móng ngựa gục đầu, đôi mắt tối đen, mấy đứa con ngồi bên dưới khóc ròng vì thương mẹ ngày càng tiều tụy, bị hại không có mặt, nhưng có đơn bãi nại xin tha… Thím Sương bị phạt hành chính, được hưởng án treo. Khi thím quay về xóm, bước ngang qua quán cà phê đầu đường, mọi người nhìn thím vừa thương vừa ái ngại. Chú Tám xe ôm hỏi han đủ thứ nhưng đáp lại chú chỉ là nụ cười đã méo mó của một người phụ nữ vừa trải qua cơn hoảng loạn trong cuộc đời. Chú Tấn ra đi, lần này ông gom sạch áo quần của mình và đi dứt khoát, khi xách cái túi bước ngang mặt của thím, ông cúi gằm không nói một lời, mắt ông đỏ hoe khóe môi giựt giựt. Lần này thím không giữ tay ông lại nữa, thím buông thiệt sự, thím chỉ nhẹ thở dài một hơi “tui xin lỗi ông” rồi hai người lướt qua nhau để lại một khoảng trống nặng nề, để lại khúc sân nhà đầy ươm nắng chói

Mấy đứa con dọn về ở chung với thím, quán ăn chay mở lại sau thời gian tạm ngừng hoạt động. Mấy cây bông có bàn tay thím tưới, con chó vện mỗi ngày lười biếng nằm bên chân người. Cái án treo sẽ nhắc thím Sương nhớ về ngày cắt đứt đó dù mấy đứa nhỏ và hàng xóm biết ý không hỏi tới bao giờ, rồi khoảng cách khi xa xôi thật sự sẽ làm cho thím nhận ra đối phương đâu có quá quan trọng để mình phải đi tìm, khi mở tủ quần áo, khi nhìn khắp nơi trong căn nhà, hơi ấm của người đàn ông đó đã sớm phai từ lâu lắm rồi. Vậy nên những lần trước có lẽ thím chỉ dựa vô mấy bộ đồ chú chưa gom sạch để lấy cớ đi tìm chồng, để lấy cớ ông chỉ rong chơi rồi sẽ về. Nhưng lần này, chú gom đi hết, cả cái gạt tàn thuốc bằng đồng rất xưa chú cũng không để lại, vậy thì còn cái gì để níu nữa mà không buông. Cắt cũng cắt rồi, xin lỗi cũng xin lỗi rồi, ai đâu mà lấy lại được những ngày thanh xuân, những nét đẹp của nhau nữa, thôi coi như huề vậy đi.

Người ta thấy thím mỗi ngày cười nói và làm từ thiện, ánh mắt có buồn nhưng hiền hậu lại như xưa, cặp chân mày và đôi môi hồi đợt đi phun xăm phai màu và thím không đi dặm lại, có lẽ tự người đàn bà đó đã chấp nhận được sự thật rằng mình đã già.

Người ta thấy chú lủi thủi một mình trong căn nhà rất nhỏ, con cái tới thăm chú cũng chỉ nói chuyện qua loa rồi thôi. Nhưng trong căn nhà đó, sau song cửa sổ, vẫn thấp thoáng tấm hình chụp gia đình hồi đám cưới của chú và thím. Trong hình cả hai người còn rất trẻ, chú thì phong độ, hào hoa, thím thì nụ cười như có nắng, cái mục ruồi son vẫn duyên dáng bên mép đôi môi hồng. Thời gian mà, ai đâu giữ nổi những gì đã qua, chú cả đời đi tìm lại người đàn ông hừng hực như xưa, trải nghiệm những người phụ nữ mang nét đẹp đơn thuần như của thím, nhưng chưa kịp tìm ra thì đã không còn khả năng để níu giữ cái mình có sẵn nữa rồi. Chắc tới lúc chú nên tỉnh ngộ và nhận ra những người đàn bà sau này đến bên chú không phải bởi nét lãng du ngày nào mà chỉ đơn giản vì tiền thôi. Ai rồi cũng phải hết đẹp…

Tới bây giờ nè, khi mất đi thứ chứa đựng bản năng đàn ông, chú đừng cố chấp mong thời gian ngừng lại. Tại ai mà người phụ nữ ấy già nua xấu xí, chẳng phải tại oan nghiệt và sự vô tâm của chú hay sao? Có những người như vậy đó, dù biết sai đường nhưng họ vẫn đi, dù biết sẽ tổn thương nhưng luôn cố chấp. Nếu nói trách thì chú đáng trách biết bao nhiêu, nhưng coi như đây là món nợ chú phải trả cho người đã vì chú gieo thương nhớ rồi lại để người ta phải nhọc lòng đi tìm giữ chú cả đời dài. Người đó bây giờ tóc đã phai, da đã mòn và nụ cười đã mỏi. Có tiếc có tìm tới lúc chết cũng không còn như xưa. Chắc chú sẽ phải sống những ngày tiếc nuối, cái đẹp bên ngoài là cái mong manh không trường tồn được, có chăng chỉ còn sót lại chút tâm hồn cũng mỏi mê…

Thôi đừng tìm nữa nghen!